menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Hướng

Đế chế y dược của bà Nguyễn Thị Loan: Lạ kỳ những cổ đông sáng lập Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex

Nhiều cổ đông tổ chức sáng lập ra Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex có ngành nghề kinh doanh liên quan đến bất động sản và có vốn chủ sở hữu rất lớn. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của công ty này lại rất “dị thường”.

Như đã thông tin tại các bài viết trước, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex là doanh nghiệp nổi bật nhất trong đế chế y dược của bà Nguyễn Thị Loan.

Doanh nghiệp này có các cổ đông sáng lập gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Hồ Gươm (21%), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hòa Bình (người đại diện góp vốn là ông Phạm Ngọc Quân 11%), Công ty Cổ phần BV Pharma (đại diện góp vốn là ông Nguyễn Tiến Hùng 4,24%), Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex (đại diện góp vốn là ông Nguyễn Tiến Hùng 4%), Công ty TNHH Bất động sản Vimedimex Hòa Bình (đại diện góp vốn là bà Nguyễn Thị Loan) và các cá nhân: Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Tiến Hùng, Trần Văn Kỳ.

Trong các cổ đông cá nhân, bà Nguyễn Thị Loan và ông Trần Văn Kỳ đều đã rút lui, chỉ còn ông Nguyễn Tiến Hùng nắm tỷ lệ sở hữu 10,76%.

Xét các cổ đông tổ chức, ngoại trừ Công ty Cổ phần BV Pharma và Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex (HoSE: VMD) vốn chuyên về y dược phẩm, 3 công ty còn lại đều có ngành nghề kinh doanh liên quan đến bất động sản. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của 3 công ty này khá lạ lùng.

Đầu tiên là Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Hồ Gươm. Doanh nghiệp này được thành lập tháng 2/2009, có trụ sở chính tại tòa nhà Vimedimex Group (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) do ông Quản Xuân Dũng làm chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật.

Đầu tư bất động sản Hồ Gươm có vốn điều lệ rất lớn, lên tới 900 tỷ đồng; tổng tài sản từng đạt gần 2.000 tỷ đồng (thời điểm năm 2016), sau đó suy giảm qua các năm, đến hết năm 2019 dừng lại ở mốc 975,6 tỷ đồng.

Điều lạ lỳ là một doanh nghiệp có quy mô vốn và tài sản rất lớn như vậy nhưng lại không phát sinh doanh thu và lợi nhuận trong suốt giai đoạn 2017 – 2019. Trong khi đó, tính đến hết năm 2019, công ty này đang lỗ lũy kế hơn 4 tỷ đồng.

Đối với cổ đông thứ hai là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hòa Bình, doanh nghiệp này thành lập tháng 6/2008, đóng trụ sở tại phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Người đại diện theo pháp luật của công ty là Chủ tịch HĐQT Trịnh Ngọc Duyên.

Tài liệu của VietnamFinance cho thấy các cổ đông cá nhân của doanh nghiệp này gồm có: Nguyễn Thị Loan, Trần Văn Kỳ và Vũ Ngọc Chiêm. Trong đó, bà Loan và ông Kỳ đã rút lui, còn cá nhân Vũ Ngọc Chiêm nắm giữ 0,25% vốn điều lệ.

Cũng tương tự như Công ty Hồ Gươm, Đầu tư và Phát triển Hòa Bình có vốn điều lệ rất lớn, lên tới 1.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 1.001 tỷ đồng (tính đến hết năm 2019) nhưng tình hình kinh doanh vô cùng “bết bát”.

Về doanh thu, giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu thuần của Đầu tư và Phát triển Hòa Bình rất thấp và liên tục suy giảm, lần lượt là: 4,7 tỷ đồng, 3,9 tỷ đồng, 1,08 tỷ đồng và 1,19 tỷ đồng.

Lãi sau thuế còn “thảm hại” hơn khi âm liên tiếp trong giai đoạn 2016 – 2017 với số lỗ ròng lần lượt là -841,7 triệu đồng và -189,2 triệu đồng. Giai đoạn 2018 – 2019, công ty thoát lỗ với số lãi vỏn vẹn... 9,1 triệu đồng và 1,3 triệu đồng!

Tính đến hết năm 2019, công ty này đang lỗ luỹ kế 9,4 tỷ đồng.

Với Công ty TNHH Bất động sản Vimedimex Hòa Bình, tình hình cũng không khá hơn là bao. Thành lập tháng 12/2008, công ty này có vốn điều lệ 6 tỷ đồng, do bà Nguyễn Thị Loan làm chủ tịch HĐQT. Trụ sở công ty đóng tại 246 Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 12, TP. HCM.

Đặc điểm nổi bật của Vimedimex Hòa Bình là… sống nhờ nợ khi gần 100% tài sản của doanh nghiệp này được tài trợ bằng nợ phải trả trong suốt giai đoạn 2016 – 2019.

Cụ thể, năm 2016, tổng tài sản của công ty là 79,6 tỷ đồng trong khi nợ phải trả là 77,5 tỷ đồng (chiếm 97% tổng tài sản). Năm 2017, tổng tài sản giảm xuống 71,6 tỷ đồng, nợ phải trả giảm tương ứng còn 69,5 tỷ đồng (vẫn chiếm 97% tổng tài sản).

Năm 2018, tổng tài sản giảm tiếp còn 65 tỷ đồng, nợ phải trả xuống 63 tỷ đồng (giữ nguyên tỷ lệ 97%). Năm 2019, tổng tài sản còn 58,6 tỷ đồng, nợ phải trả còn 56,5 tỷ đồng (tỷ lệ “cải thiện”còn 96%).

Với vốn chủ sở hữu “bé hạt tiêu” và khoản nợ phải trả khổng lồ, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Vimedimex Hòa Bình đã lên tới hàng chục lần, lần lượt là: 36,7 lần (2016), 32,7 lần (2017), 29,7 lần (2018) và 26,6 lần (2019).

Có thể nói trong đế chế y dược của bà Nguyễn Thị Loan, chỉ có Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex (HoSE: VMD) là “sánh vai” được với Vimedimex Hòa Bình về hệ số này.

Về tình hình kinh doanh, trong giai đoạn 2016 – 2019, Vimedimex Hòa Bình có doanh thu tương đối ổn định, dao động quanh ngưỡng 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi sau thuế của công ty này vô cùng thấp, lần lượt đạt: 2,2 triệu, 438 nghìn đồng, 466,5 nghìn đồng, 1,2 triệu đồng...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại