Đế chế thanh toán 200 tỷ USD của Jack Ma từng bị coi là 'mô hình ngu ngốc'
16 năm trước, khi Jack Ma ra mắt dịch vụ thanh toán trực tuyến Alipay để phục vụ cho các nền tảng thương mại điện tử của Alibaba, hầu hết mọi người đều cho rằng nó sẽ thất bại.
Alipay hiện trở thành “xương sống” của Ant Group - đế chế tài chính khổng lồ đang chuẩn bị IPO và có thể được định giá tới 200 tỷ USD tại Hong Kong và Thượng Hải. Đây có thể sẽ là lần thứ hai Jack Ma thực hiện một thương vụ IPO kỷ lục, sau IPO của Alibaba 6 năm trước.
"Ant Group thực sự là viên ngọc quý giá của Jack Ma và cả ngành công nghiệp internet Trung Quốc”, Edith Yeung, đối tác quản lý tại Race Capital, nhận xét.
"NHỎ NHƯNG CÓ VÕ"
Ant hiện là một trong những hãng công nghệ lớn nhất thế giới và là nền tảng thanh toán trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Ứng dụng thanh toán của Ant có mặt trong mọi lĩnh vực tài chính tại quốc gia đông dân nhất thế giới, từ đầu tư, tiết kiệm cho đến bảo hiểm, đánh giá tín dụng hay thậm chí xuất hiện trên các ứng dụng hẹn hò.
Tuy nhiên, ban đầu Ant chỉ là một dự án phụ trợ nhằm lấp đầy lỗ hổng của ngành công nghiệp mua sắm trực tuyến còn sơ khai của Trung Quốc. Vào năm 2004, ít người dân tại quốc gia này có thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng. Trong khi đó, người mua và người bán trên các nền tảng thương mại điện tử của Alibaba cần một công cụ thanh toán đáng tin cậy. Do đó, Jack Ma đã yêu cầu nhóm tài chính của Alibaba tạo ra Alipay. Dịch vụ này đóng vai trò là bên thứ ba, giữ tiền của người mua và chỉ trả cho người bán sau khi người mua xác nhận đã nhận hàng và cảm thấy hài lòng.
"Khi tôi thành lập Alipay, mọi người đều nói: ‘Jack, đây là mô hình ngớ ngẩn nhất mà chúng tôi từng thấy, chẳng ai dùng nó đâu’”, Jack Ma cho biết trong cuộc phỏng vấn của CBS News năm 2014. "Khi đó, tôi nói rằng tôi chẳng quan tâm mô hình đó có khoa học hay trông đẹp mắt không, miễn sao nó hiệu quả và tạo ra niềm tin".
Alipay được tách ra khỏi Alibaba và trở thành một thực thể độc lập vào năm 2011 và sau đó trở thành một phần của Ant Group vào năm 2014. Hiện Jack Ma vẫn kiểm soát Ant. Jack Ma đặt tên công ty theo loài kiến (tiếng Anh là "ant") bởi ông tin rằng “nhỏ nhưng đẹp, nhỏ nhưng mạnh mẽ”.
Đúng như kỳ vọng của Jack Ma, Ant "nhỏ nhưng có võ". Hiện tại, Alipay có 711 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, xử lý các giao dịch thanh toán trị giá 118.000 tỷ nhân dân tệ (17,2 tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2020, theo báo cáo của Ant Group. Ứng dụng di động Alipay, ra mắt năm 2009, hiện chiếm 55% thị trường thanh toán di động tại Trung Quốc 3 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, tổng thị phần của hai đối thủ gồm WeChat Pay của Tencent và ví QQ là khoảng 40%, theo hãng nghiên cứu thị trường eMarketer.
"SIÊU THỊ TÀI CHÍNH" SỐ MỘT TRUNG QUỐC
Ngoài thanh toán trực tuyến, Alipay còn kết nối hàng trăm triệu người với nhiều dịch vụ tài chính đa dạng như bảo hiểm, thanh toán hóa đơn, vay tiền, thanh toán lương, đầu tư… Edith Yeung của Race Capital cho rằng nền tảng này giống như một "siêu thị tài chính”.
"Mọi thứ bạn muốn làm trên thị trường tài chính”, bạn có thể thực hiện qua Alipay, Yeung nói.
Theo Zennon Kapron, người sáng lập hãng tư vấn và nghiên cứu công nghệ tài chính Kapronasia, Ant cung cấp nhiều dịch vụ và sản phẩm tài chính đến mức “trở thành một phần trong cuộc sống thường ngày của hàng trăm triệu cá nhân lẫn doanh nghiệp trên khắp Trung Quốc”.
Một trong những dịch vụ phổ biến nhất của Ant là Yu'e Bao - dịch vụ quản lý tài sản ra mắt năm 2013, cho phép người dùng đầu tư tiền với mức tối thiểu chỉ 1 nhân dân tệ. Chỉ trong vòng 6 tháng sau khi ra mắt, Yu'e Bao đã có 49 triệu người dùng với số tiền gửi lên tới 250 tỷ nhân dân tệ (36,5 tỷ USD), theo China Daily.
Thời điểm đó, hầu hết các sản phẩm quản lý tài sản trên thị trường đều đến từ các ngân hàng truyền thống với số tiền tối thiểu là 50.000 nhân dân tệ (7.300 USD). Vì thế, Yu'e Bao đã "tạo ra một cơn sốt, đặc biệt với những người trẻ có ít tiền tiết kiệm và là đối tượng các ngân hàng bỏ qua".
Vào thời đỉnh cao tháng 3/2018, Yu'e Bao quản lý số tài sản trị giá tới 1.690 tỷ NDT (khoảng 267 tỷ USD), theo Fitch Ratings. Sau đó, các nhà chức trách Trung Quốc đã buộc Yu'e Bao giảm con số đó bởi lo ngại rủi ro hệ thống, có thể gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế Trung Quốc. Dù vậy, tính tới tháng 3 năm nay, Yu'e Bao vẫn là quỹ đầu tư thị trường tiền tệ lớn nhất Trung Quốc.
LUÔN TÌM CÁCH TỰ "LÀM MỚI"
Dù thành công vang dội kể từ khi ra mắt và trở thành gã khổng lồ trên thị trường tài chính, đầu năm nay, Ant đổi tên từ Ant Financial thành Ant Group để “tự làm mới mình”. Công ty này muốn trở thành một nhà cung cấp dịch vụ công nghệ cho các công ty tài chính khác, theo Sunny Tian - nhà nghiên cứu tại hãng nghiên cứu thị trường R3.
Trong quá khứ, Ant từng cung cấp các khoản vay, đầu tư hoặc sản phẩm bảo hiểm trực tiếp cho người dùng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, vài năm gần đây, công ty chuyển thành nền tảng kết nối ngân hàng và các hãng bảo hiểm với người tiêu dùng.
Ví dụ, nền tảng cho vay của Ant cung cấp dịch vụ “ba-một-không”, tức là 3 phút để đăng ký, 1 giây để quyết định và 0 người tham gia vào quyết định này. Tuy nhiên, khoản vay này sẽ được chuyển đến một ngân hàng truyền thống. Khoản nợ đó nằm trên sổ sách của ngân hàng, còn Ant tính phí.
"Động thái này giúp Ant thoát khỏi con đường trở thành công ty thay thế cho các hãng tài chính truyền thống và quay về gốc rễ là một hãng công nghệ cần ít vốn hơn", Tian nhận xét.
Bên cạnh đó, Ant cũng hợp tác với Vanguard ra mắt Bangnitou - dịch vụ tư vấn đầu tư sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Bangnitou sử dụng thuật toán để tự động phân bổ danh mục đầu tư với số tiền đầu tư tối thiểu 800 NDT (118 USD). Chỉ 3 tháng sau khi ra mắt hồi tháng 4, Bangnitou đã thu hút khoảng 200.000 khách hàng mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận