Đế chế giao hàng của Amazon thách thức FedEx, UPS
Mạng lưới giao hàng khổng lồ mà Amazon phát triển trong những năm qua đã giúp “ông lớn” thương mại điện tử này giảm bớt sự phụ thuộc vào các bên giao hàng thứ ba, thậm chí trở thành đối thủ đáng gờm của họ.
Để giao hàng triệu gói hàng mỗi ngày, tập đoàn thương mại điện tử Amazon phải hợp tác với các bên thứ ba, bao gồm hai “ông lớn” trong ngành giao nhận như UPS và FedEx. Tuy nhiên, gần đây Amazon đã cắt đứt mối quan hệ hợp tác với FedEx, một động thái cho thấy Amazon ngày càng tự tin với năng lực của hệ thống kho vận và giao hàng do chính công ty này phát triển.
Trong nhiều năm qua, Amazon tránh nhấn mạnh các tham vọng phát triển hệ thống kho vận riêng. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng đổ xô đến nền tảng này để đặt mua mọi thứ từ giấy vệ sinh cho đến tivi, Amazon đã lặng lẽ phát triển hàng trăm nhà kho rộng lớn nằm ở các khu vực ngoại ô và các trung tâm đóng gói hàng hóa nằm gần các khu trung tâm đô thị.
Amazon cũng triển khai hàng chục ngàn xe tải nhẹ, thậm chí thuê máy bay chở hàng riêng. Nỗ lực đầy tốn kém này giúp nền tảng kiểm soát cách hàng hóa vận chuyển đến tay khách hàng và dần biến tập đoàn này từ chỗ là một khách hàng của các công ty kho vận, giao nhận giờ trở thành một đối thủ của họ.
Mùa mua sắm Giáng sinh 2013 đánh dấu bước ngoặt đối với Amazon khi công ty chứng kiến lượng đơn hàng khổng lồ, khiến các đối tác giao hàng không xử lý xuể, dẫn đến các phàn nàn của khách hàng về việc giao hàng muộn. Kể từ đó, Amazon đã tăng số lượng trung tâm hoàn thiện đơn hàng, phân loại hàng và giao hàng từ con số 65 lên 400, theo dữ liệu từ công ty tư vấn logistics MWPVL International. Trước năm 2005, Amazon chỉ có 3 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên cả nước Mỹ.
Amazon đặt các cơ sở này nằm gần các trung tâm thành phố để có thể vận chuyển hàng đến khách trong thời gian nhanh nhất có thể. Điều này cho phép nền tảng giao các gói hàng đến tận cửa khách hàng chỉ trong vòng một ngày.
Các nỗ lực quyết liệt của Amazon nhằm kiểm soát hoạt động giao hàng cũng như đẩy nhanh tốc độ giao hàng đã khiến chi phí liên quan tăng vọt. Trong một thập kỷ qua, chi phí giao hàng và vận hành các trung tâm hoàn thiện đơn hàng đã tăng từ mức 5,5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2010 lên 61,7 tỉ đô la vào năm 2018, tương đương hơn 25% tổng doanh thu hàng năm.
Mạng lưới giao hàng của Amazon ngày càng được mở rộng cả đường bộ lẫn đường hàng không. Ảnh: Wall Street Journal
Động lực chính để Amazon rót tiền mạnh cho các nỗ lực giao hàng là các khách hàng thành viên cao cấp Prime, những người đóng phí 119 đô la mỗi năm để được giao hàng miễn phí trong vòng 2 ngày cùng nhiều ưu đãi khác.
Đa số khách hàng Prime là những người có thu nhập cao. Hiện nay, lượng khách hàng Prime đã tăng lên con số 105 triệu người. Chỉ trong quí 2-2019, Amazon đã tiêu tốn 800 triệu đô la để rút ngắn tốc độ giao hàng miễn phí cho khách hàng Prime xuống còn một ngày.
Amazon không còn phải đối mặt với tình trạng quá lượng đơn hàng nữa vì đang tự đảm trách phần lớn nhiệm vụ giao hàng triệu gói hàng mỗi ngày của chính mình. Giờ đây, công ty đã tự giao gần một nửa lượng đơn hàng của khách, so với mức chưa đến 15% vào năm 2017, theo ước tính của công ty nghiên cứu Rakuten Intelligence. Mỗi ngày, Amazon giao khoảng 4,8 triệu gói hàng ở Mỹ.
Công ty Dịch vụ Bưu chính Mỹ (UBS) từng là đối tác xử lý phần lớn các đơn hàng của Amazon nhưng giờ đây chỉ giao hàng cho Amazon với số lượng giảm một nửa so với cách đây hai năm.
Năm ngoái, Amazon tạo ra một chương trình cho phép các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giao nhận có thể giao hàng cho công ty bằng cách gắn logo Amazon lên xe tải của họ, mua đồng phục của Amazon cho các tài xế và nhận hỗ trợ phát triển kinh doanh từ Amazon. Ngoài ra, thông qua một chương trình có tên gọi Flex, nền tảng này cũng thuê các tài xế độc lập sử dụng xe riêng của họ để giao hàng cho Amazon.
Gần đây, Amazon giới thiệu một chương trình hỗ trợ đến 10.000 đô la đối với các nhân viên muốn nghỉ việc để thành lập công ty giao hàng cho công ty tại khu vực họ sống. Hồi tháng 6, Amazon cho biết đã thuê thêm 15 chiếc Boeing 737-800 để cải tạo thành máy bay chở hàng. Trước đó, nền tảng này đã thuê 45 máy bay chở hàng thương hiệu Boeing.
Amazon tiết lộ sẽ thuê thêm 10 máy bay chở hàng nữa vào năm 2021.
Theo Wall Street Journal
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận