24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Yến
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Để cải thiện công khai, minh bạch ngân sách

Những kết quả từ Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) năm 2020 đang cho thấy những vấn đề đáng quan ngại.

Đi ngang và tụt lùi

Việc công khai và minh bạch ngân sách là một trong những yêu cầu trong quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Thông tư 61/2017/TT-BTC và Thông tư 90/2018/TT-BTC. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn còn nhiều đơn vị chưa công khai hoặc chưa công khai đầy đủ, chưa kịp thời, nội dung thì chưa đáp ứng yêu cầu công khai minh bạch ngân sách theo quy định.

Kết quả khảo sát MOBI 2020 cho thấy, mức độ công khai ngân sách của các bộ, cơ quan Trung ương hầu như không có cải thiện so với MOBI 2019. “Khá thất vọng” là tâm trạng của nhóm nghiên cứu về kết quả MOBI 2020.

Để cải thiện công khai, minh bạch ngân sách

Tại thời điểm khảo sát MOBI 2020, chỉ có 6 đơn vị công bố đúng thời hạn theo quy định vẫn còn có tới 17 bộ, cơ quan Trung ương không công khai bất kỳ một tài liệu nào (tương đương với 38,64%), TS. Vũ Sỹ Cường - chuyên gia tài chính công, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết. Bên cạnh đó, có 10 bộ, cơ quan Trung ương không có thư mục công khai ngân sách và không công khai các tài liệu ngân sách trên cổng thông tin điện tử của đơn vị. Không có đơn vị nào công khai đúng hạn báo cáo tình hình thực hiện ngân sách cả năm 2020 và cũng chỉ có 9 đơn vị công khai đúng hạn quyết toán ngân sách năm 2019…

“Đây là một hiện tượng gây thất vọng vì các cơ quan trung ương đã không nêu được tấm gương xây dựng nhà nước pháp quyền, đồng thời thể hiện sự thiếu trách nhiệm giải trình”, chuyên gia này nêu quan điểm”.

TS. Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội khoá XIV, Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021 cũng tỏ ra bất ngờ với kết quả nghiên cứu MOBI 2020 vì nó cho thấy tính tuân thủ pháp luật về tính minh bạch, công khai của các bộ, ngành rất yếu. Trong khi kỷ luật ngân sách, kỷ luật tài chính được xem là “kỷ luật sắt” nhưng lại được thực hiện một cách rất hời hợt, từ khâu dự toán đến các báo cáo định kỳ (quý, 6 tháng, 9 tháng, năm) và báo cáo quyết toán đều có vướng mắc.

Trách nhiệm, chế tài và giám sát

TS. Vũ Sỹ Cường nhấn mạnh: “Ngân sách là nguồn lực chung, vì vậy không thể không công khai, minh bạch”. Để thúc đẩy sự cải thiện về mức độ công khai, minh bạch ngân sách của các bộ, ngành, nhiều khuyến nghị đã được nêu lên. Khuyến nghị đầu tiên là các bộ, ngành cần công khai kịp thời, đầy đủ, liên tục và thường xuyên các loại tài liệu ngân sách trên cổng thông tin điện tử của mình theo các quy định đã có. Nhóm nghiên cứu đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh lại hướng dẫn về các thông tin và định dạng tài liệu cần công khai, đồng thời cần có hướng dẫn cụ thể hơn về thời hạn công khai một số loại tài liệu ngân sách của các bộ, cơ quan Trung ương.

MOBI 2020 đánh giá mức độ công khai ngân sách của 44 bộ, cơ quan Trung ương, trong đó có 38 bộ, cơ quan Trung ương là đơn vị dự toán và 6 cơ quan, tổ chức Trung ương được NSNN hỗ trợ.

TS.Vũ Sỹ Cường cho biết quan điểm chung của nhóm nghiên cứu, đó là phải có sức ép và chế tài để để các bộ, ngành phải trách nhiệm hơn trong công khai, minh bạch ngân sách. “Chính phủ cần thúc đẩy các bộ, cơ quan Trung ương thực hiện công khai ngân sách theo quy định của pháp luật và ban hành chế tài xử lý các đơn vị không thực hiện công khai NSNN. Chính phủ cần áp dụng biện pháp đánh giá tình hình thi hành pháp luật về công khai ngân sách và báo cáo với Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước theo quy định pháp luật”, nhóm nghiên cứu báo cáo khuyến nghị.

Đồng thời, vai trò giám sát của các bên đặc biệt của Quốc hội là rất quan trọng. Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 chưa có quy định chế tài xử lý khi các đơn vị sử dụng ngân sách không thực hiện công khai ngân sách theo quy định. Do vậy, Quốc hội cần xem xét bổ sung chế tài xử lý các vi phạm về thực hiện công khai ngân sách theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Quốc hội có thể cân nhắc bổ sung nội dung giám sát tình hình thực hiện công khai ngân sách của các bộ, cơ quan Trung ương vào chương trình hoạt động giám sát hàng năm của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, bao gồm cả giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề. Quốc hội xem xét hoạt động công khai NSNN của các bộ, cơ quan Trung ương như một trong những tiêu chí đánh giá hoạt động của bộ, cơ quan Trung ương. Và coi mức độ công khai ngân sách của các bộ, cơ quan Trung ương là một điểm cộng khi phân bổ ngân sách.

“Đây là lúc mà Quốc hội cần phát huy vai trò giám sát của mình trong việc thúc đẩy tính công khai, minh bạch của hệ thống tài chính công”, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) phát biểu.

Theo TS. Lưu Bình Nhưỡng, thực tế Quốc hội rất quan tâm đến công khai, minh bạch ngân sách vì đó là điều kiện để thực hiện việc hoạch định chính sách, pháp luật và giám sát. Tuy nhiên, sự giám sát của Quốc hội cũng có những “cái khó”. Về phương diện hoạt động chính thức, Quốc hội chủ yếu giám sát qua việc xem xét báo cáo hàng năm, báo cáo nhiệm kỳ… trong khi năng lực tham gia giám sát cá nhân của đại biểu Quốc hội còn hạn chế. Vì vậy hiệu lực, hiệu quả giám sát của cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước chưa cao, Quốc hội mới chủ yếu giám sát phần ngọn, hoặc hậu kiểm qua Kiểm toán Nhà nước và không có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát việc thực hiện các kiến nghị giám sát. Quốc hội cũng không phải là thiết chế áp dụng chế tài pháp lý nên càng không hiệu dụng khi xem xét các vấn đề sai phạm kỷ luật công khai NSNN.

Nhóm nghiên cứu và các chuyên gia cùng cho thời gian tới, Chính phủ và các bộ, cơ quan Trung ương cần có những cam kết cải thiện bền vững, lộ trình dài hơi và thực chất. Ngân sách được công khai, công khai từ phân bổ đến sử dụng ngân sách sẽ phát huy vai trò giám sát của người dân đồng thời cũng tăng niềm tin của người dân với Nhà nước, gia tăng tín nhiệm của quốc gia.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả