24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Thanh Huyền
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dễ bị vi phạm khi cho vay, đòi nợ

Pháp luật cho vay và thu nợ càng phù hợp với thực tiễn cuộc sống thì càng dễ được chấp nhận và thực hiện nghiêm túc; còn ngược lại, thì người phải thực hiện không muốn tuân thủ, thậm chí tìm mọi cách lách luật, đồng thời người phải quản lý và xử lý cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Cho vay vi phạm

Cho vay là một hoạt động diễn ra một cách vô cùng phổ biến, không chỉ đối với các đơn vị chuyên nghiệp như tổ chức tín dụng hay dịch vụ cầm đồ, mà còn đối với hầu hết doanh nghiệp, cá nhân. Nhưng pháp luật quy định về lãi suất cho vay không hợp lý, dẫn đến tình trạng vi phạm rất phổ biến.

Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định, lãi suất cho vay bên ngoài được phép cao hơn không quá 1,5 lần lãi suất cao nhất trong ngành ngân hàng.

Năm 1995, pháp luật quy định lãi suất cho vay của ngân hàng không quá 32,4%/năm, trong khi Thông tư liên bộ 02 TT/LB ngày 3-10-1995 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Thương mại quy định lãi suất cho vay cầm đồ không quá 50,4%/năm (bằng 1,55 lần lãi suất ngân hàng), riêng đối với cho vay dưới 15 ngày thì không quá 0,3%/ngày (tức 109,5%/năm, bằng 3,38 lần lãi suất ngân hàng).

Trong khi hiện nay lãi suất cho vay trong ngành ngân hàng không có trần (trừ một số lĩnh vực cho vay theo chính sách ưu đãi), thực tế lãi suất cho vay của các công ty tài chính ở mức phổ biến 30 – 50%/năm, thì lãi suất cho vay bên ngoài lại bị khống chế không quá 20%/năm.

Năm 1999, pháp luật quy định lãi suất cho vay của ngân hàng không quá 18%/năm, trong khi Thông tư 13/1999/TT-BTM ngày 19-5-1999 của Bộ Thương mại quy định lãi suất cho vay cầm đồ không quá 36%/năm (bằng 2 lần lãi suất ngân hàng), riêng đối với cho vay dưới 10 ngày thì không quá 0,3%/ngày (tức 109,5%/năm, bằng 6,08 lần lãi suất ngân hàng). Thông tư này đã hết hiệu lực từ năm 2007.

Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, lãi suất cho vay không quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố. Từ năm 2000-2010, lãi suất cơ bản biến động trong khoảng từ 7-14%/năm, tức lãi suất cho vay không được quá 10,5-21%/năm. Quy định này đã dẫn đến tình trạng, lãi suất những năm 2009-2011 của cả ngành ngân hàng vượt trần khá nhiều. Thậm chí có thời điểm lãi suất cho vay qua đêm để bảo đảm thanh khoản giữa các ngân hàng đã lên đến trên 50%/năm. Vào tháng 9-2011, khi NHNN siết trần lãi suất huy động ở mức 14% thì đã có tình trạng niêm yết lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn, từ một vài tuần cho đến một vài năm đều ở một mức giống nhau 14%/năm, còn thực tế thì được cộng thêm khá nhiều.

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, lãi suất cho vay không quá 20%/năm. Kể từ đây vấn đề lãi suất trên thực tế ngày càng bất hợp lý mà chính ngành ngân hàng đã không thể không vượt luật để phù hợp với đòi hỏi thực tế. Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã chính thức hướng dẫn không áp dụng trần lãi suất 20% đối với ngành ngân hàng.

Tóm lại, lãi suất cho vay bên ngoài ngành ngân hàng nói chung, cho vay cầm đồ nói riêng, chỉ được bằng với lãi suất ngân hàng, cụ thể từ năm 2008 trở đi không được phép vượt 10,5-21%/năm và từ năm 2017 trở đi là không quá 20%/năm.

Ngay cả đối với tội cho vay lãi nặng cũng rất khó biết khi nào thì phạm tội, vì đã thay đổi nhiều lần. Việc này đã dẫn đến mức lãi suất phạm tội bị biến đổi một cách chóng mặt. Cụ thể, trong gần 20 năm qua như sau: giai đoạn 2005-2009, mức lãi suất phạm tội là từ 180-300%/năm; giai đoạn 2010-2011, mức lãi suất phạm tội là từ 120%; giai đoạn 2012-2016, mức lãi suất phạm tội là từ 135%/năm; giai đoạn 2017, mức lãi suất phạm tội là từ 200% và giai đoạn 2018 đến nay, mức lãi suất phạm tội là từ 100%/năm trở lên.

Trong các loại giá cả thị trường, thì lãi suất cho vay thuộc loại biến động bám sát thị trường nhất. Trong khi hiện nay lãi suất trong ngành ngân hàng không có trần (trừ một số lĩnh vực cho vay theo chính sách ưu đãi), thực tế lãi suất cho vay của các công ty tài chính ở mức phổ biến 30-50%/năm, thì lãi suất cho vay bên ngoài lại bị khống chế không quá 20%/năm. Do đó, việc cho vay của bên ngoài ngành ngân hàng từ năm 2007 trở đi, nếu tính cả lãi và các loại phí, thì rất phổ biến tình trạng vượt trần lãi suất, vì quy định của pháp luật xa rời, thậm chí phủ nhận hoàn toàn thực tế. Cho vay dễ phạm pháp như vậy, khi thu nợ cũng lại gặp nhiều vướng mắc pháp lý.

Thu nợ vi phạm

Các tổ chức tín dụng chuyên nghề cho vay và đòi nợ, còn được pháp luật dành cho đặc quyền thu giữ tài sản bảo đảm, cũng rất gian nan vướng mắc khi xử lý nợ xấu. Vì vậy các chủ nợ nói chung, các tổ chức tín dụng nói riêng, có nhu cầu rất lớn trong việc sử dụng dịch vụ đòi nợ của các công ty hoạt động theo quy định tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP. Một dạng xử lý nợ khác là bán nợ cho các công ty kinh doanh dịch vụ mua bán nợ hoạt động theo Nghị định 69/2016/NĐ-CP khi đáp ứng được một số điều kiện, trong đó có số vốn tối thiểu 100 tỉ đồng.

Cần sớm có những quy định của luật cấm một số hành vi khi đòi nợ để ngăn chặn tình trạng lạm dụng “khủng bố con nợ” và người liên quan như vừa qua. Hiện nay, mới chỉ có một vài yêu cầu đặt ra đối với riêng việc đòi nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính theo Thông tư 43/2016/TT-NHNN.

Tuy nhiên, sau khi Luật Đầu tư năm 2020 cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì cả hai nghị định nêu trên đều hết hiệu lực. Hoạt động thu hồi nợ của các AMC, là công ty con trực thuộc ngân hàng, cũng bị chặn đứng.

Thế nhưng hoạt động đòi nợ thuê vẫn diễn ra rất sôi động trên thực tế, vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, việc đòi nợ rất khó khăn, do ý thức trả nợ của người vay, do sự bất cập của pháp luật, do tòa án và cơ quan thi hành án chưa hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho việc giải quyết tranh chấp và thu hồi nợ;

Thứ hai, dịch vụ đòi nợ đã có từ rất lâu đời, là việc rất chính đáng, cần thiết và tự nhiên, tất yếu đối với các chủ nợ nói chung cũng như các tổ chức tín dụng nói riêng;

Thứ ba, gần như tất cả các công ty dịch vụ đòi nợ đều dễ dàng chuyển đổi thành công ty mua bán nợ mà không cần bất kỳ điều kiện nào để tiếp tục đòi nợ hợp pháp, với cái lý là đòi chính khoản nợ của chính họ;

Thứ tư, các tổ chức hành nghề luật sư cũng thực hiện dịch vụ rất giống với việc đòi nợ thuê khi hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý tư vấn và đại diện pháp lý trong việc giải quyết tranh chấp, vướng mắc về việc đòi nợ theo Luật Luật sư.

Thế là từ chỗ pháp luật có quy định cụ thể, rõ ràng về điều kiện đòi nợ thuê, thì lại buông lỏng, không quản lý, nên nảy sinh nhiều vấn đề rắc rối, phức tạp.

Giảm thiểu vi phạm

Pháp luật về giao dịch cho vay, trong đó có lãi suất, là một vấn đề rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường, cần phải bảo đảm tính hợp lý, gần sát với thực tế, không nên cứ bắt người ta dễ bị vi phạm, thậm chí nhiều khi buộc phải vi phạm. Vì vậy, cần xem xét sửa đổi những vấn đề sau:

Thứ nhất, cần sớm có những quy định của luật cấm một số hành vi khi đòi nợ để ngăn chặn tình trạng lạm dụng “khủng bố con nợ” và người liên quan như vừa qua. Hiện nay, mới chỉ có một vài yêu cầu đặt ra đối với riêng việc đòi nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính theo Thông tư 43/2016/TT-NHNN.

Thứ hai, cần xem xét lại việc cấm dịch vụ đòi nợ bằng việc đặt ra những điều kiện chặt chẽ, để hoạt động này diễn ra một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ nợ, chủ sở hữu, đồng thời góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội, đời sống.

Thứ ba, cần ấn định cụ thể trong Bộ luật Hình sự về mức lãi suất cho vay nặng lãi, thay vì quy định bắc cầu đến Bộ luật Dân sự.

Thứ tư, cần sửa đổi về trần lãi suất cho vay trong Bộ luật Dân sự theo hướng hoặc là bãi bỏ, hoặc là nâng lên cho phù hợp với thực tế mấy chục năm nay, hoặc là phải dựa theo lãi suất thị trường, tức bám sát vào lãi suất cho vay cao nhất của ngành ngân hàng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả