Đề án Cải cách mô hình kiểm tra hàng nhập khẩu: Vì lợi ích của doanh nghiệp
Nếu thực hiện tốt việc cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm với hàng nhập khẩu, thì môi trường kinh doanh sẽ thêm phần thuận lợi và tạo dư địa cho tăng trưởng.
Bảy nội dung cải cách
Dự thảo Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu mà Bộ Tài chính công bố cuối tháng 9/2020 đang được Văn phòng Chính phủ cùng các bộ rà soát trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Đề án gồm 7 nội dung cải cách.
Một là, đề nghị giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Hai là, áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra (kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm) để giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra.
Ba là, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Bốn là, thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng lô hàng phải kiểm tra.
Năm là, áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Sáu là, bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.
Bảy là, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới.
Đề án đã xây dựng nội dung mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chất lượng được thực hiện theo 3 phương thức, gồm: kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm.
Việc áp dụng phương thức kiểm tra và chuyển đổi phương thức kiểm tra (từ chặt sang thông thường, từ thông thường sang giảm) áp dụng đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu. Việc chuyển đổi phương thức kiểm tra được áp dụng trong thời hạn nhất định hoặc cho đến khi hàng hóa có quy chuẩn mới thay thế quy chuẩn kỹ thuật cũ.
Theo mô hình mới, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra an toàn thực phẩm được thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu do Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao/chỉ định. Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc trường hợp áp dụng phương thức kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm.
Làm tốt sẽ tạo dư địa cho tăng trưởng
Theo bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, mục tiêu của Đề án là cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu.
Một thực tế được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ ra là, dù đã nỗ lực cải cách, nhưng thủ tục nhập khẩu hàng hóa vẫn còn nhiều rào cản, làm tăng chi phí, thời gian, gây tốn kém cho xã hội.
Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, đã cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành, nhưng đến nay, vẫn còn 1.501 danh mục dòng hàng chồng chéo.
"Nếu làm tốt Đề án thì cải cách rất triệt để, tạo dư địa rất lớn cho tăng trưởng", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng, Đề án sẽ là bước cải cách, tạo sự thông thoáng, minh bạch, cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng còn không ít băn khoăn về nội dung của đề án này. Theo đại diện Bộ Công thương, việc áp dụng chung mô hình kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu chưa thuyết phục, bởi các loại hàng hóa có đặc thù khác nhau và yêu cầu về quản lý nhà nước, chuyên ngành cũng khác nhau.
Đồng tình với ý kiến trên, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, thủy sản, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật là khác nhau, nên không thể áp dụng quản lý rủi ro như nhau.
Băn khoăn về lộ trình thực hiện khi Đề án đặt vấn đề chuyển một số nhân sự từ các bộ chuyên ngành về Tổng cục Hải quan, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long cho rằng, hiện nay, ở các bộ, việc kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu và kiểm nghiệm các thực phẩm trong quá trình thanh tra hậu kiểm là cùng một cơ quan, nên khi chuyển nhân sự sẽ dẫn đến thiếu lực lượng thanh tra hậu kiểm, nên việc này khó khả thi và cần cân nhắc kỹ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu những ý kiến đóng góp để hoàn thiện Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt trong thời gian tới, với nguyên tắc chung là cơ quan hải quan sẽ làm đầu mối, là cơ quan duy nhất kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu; các bộ hướng tới kiểm tra hậu kiểm.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, mô hình mới sẽ giảm được 54,4% số tờ khai phải kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm.
Năm 2019, tổng số tờ khai phải kiểm tra khoảng 158.500 tờ, nếu áp dụng mô hình mới thì giảm được 86.170 tờ, giúp doanh nghiệp giảm được hơn 1.481.000 ngày công, tương đương 881 tỷ đồng cho việc thực hiện các thủ tục kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm. Như vậy, cả nền kinh tế sẽ tiết kiệm được 9.285 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận