ĐBSCL: Cần hơn 41.000 tỉ đồng ứng phó sạt lở
Dù Nghị quyết 120 đã mở ra những định hướng “thuận thiên”, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; nhưng các dự án công trình vẫn đóng một vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết…
Theo Bộ NN&PTNT, sạt lở bờ sông, bờ biển đang là vấn nạn thiên tai quan trọng cần tập trung xử lý, khắc phục tại vùng ÐBSCL.
Hiện, toàn vùng có nhu cầu tiếp tục đầu tư xử lý sạt lở bờ sông và củng cố đê biển là khoảng 41.257 tỉ đồng, trong đó rà soát những nội dung ưu tiên để đề xuất đầu tư trong nguồn vốn của Bộ NN&PTNT khoảng 30.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2021-2025.
Các địa phương vùng ÐBSCL cũng đề nghị tiếp tục đầu tư xử lý 76 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài 140km, tổng mức đầu tư khoảng 8.143 tỉ đồng. Ðây là những điểm sạt lở cần khắc phục sớm để ổn định đời sống nhân dân…
Từ năm 2018 đến nay, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội hỗ trợ các tỉnh vùng ÐBSCL 6.622 tỉ đồng từ các nguồn vốn ngân sách Trung ương, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, góp phần ổn định dân sinh, vùng ven sông, ven biển.
Trong đó, vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 đã đầu tư 1.790 tỉ đồng xử lý 32,8km bờ sông, bờ biển bị sạt lở; vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đầu tư 1.628 tỉ đồng xử lý sạt lở với 34,3km; vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2019 đầu tư 1.250 tỉ đồng xử lý 27,3km; nguồn vốn ODA hỗ trợ 1.954 tỉ đồng xử lý 62,5km.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 2.000 tỉ đồng từ nguồn vốn IDA của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ các tỉnh, thành vùng ÐBSCL xử lý cấp bách các khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển…
Thống kê năm 2010, ĐBSCL chỉ có 99 điểm xói lở và sạt lở; đến nay, con số này đã lên đến hơn 681 điểm, tăng gấp hơn 7 lần. Đặc biệt, trung bình mỗi năm, xói lở đã làm mất khoảng 300ha đất, rừng ngập mặn ven biển các tỉnh ĐBSCL. Tình trạng sạt lở không chỉ diễn ra trong mùa mưa mà còn xuất hiện cả mùa khô, từ các tuyến sông chính đến hệ thống kênh, rạch với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm.
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu diễn ra vào ngày 13.3 vừa qua tại Cần Thơ; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Vùng ĐBSCL phải ưu tiên dành nguồn lực phát triển mạng lưới giao thông, tạo sự liên kết, kết nối thông thoáng. Nghị quyết 120 mở ra định hướng phát triển thuận thiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; nhưng các công trình, dự án vẫn rất quan trọng. Điển hình là tại các vùng sạt lở, người dân bị mất đất đai nhà cửa rất cần được hỗ trợ quan tâm xây dựng đường sá, nơi ở…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận