ĐBQH: EVN không phải "cố tình" để lỗ?
EVN không phải “cố tình” để lỗ mà có nhiều lý do, từ cơ chế vận hành đến thị trường, điều tiết… Do đó, chúng ta phải “bình tĩnh” nhìn nhận vấn đề này.
Dưới đây là một số nội dung mà Diễn Đàn Doanh Nghiệp đã trao đổi với Đại biểu Nguyễn Thị Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương về câu chuyện liên quan đến EVN.
Theo bà, tại sao điện gió, điện mặt trời của Việt Nam hiện nay đã phát triển rất mạnh, đặc biệt tại miền Trung và miền Nam - nơi có số giờ nắng trong năm lớn, thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo, nhưng EVN không mua điện năng lượng tái tạo mà phải đi nhập khẩu điện từ nước ngoài?
Đây là câu chuyện dài. Thứ nhất, việc chúng ta thiếu điện đặc biệt trong mùa hè thì chủ yếu ở khu vực miền Bắc, nhưng các dự án năng lượng tái tạo chủ yếu lại ở miền Trung và miền Nam.
Việc truyền tải điện từ miền Trung và miền Nam ra miền Bắc thì cũng cần phải có hạ tầng tốt, đầu tư đồng bộ thì mới thuận tiện trong khâu truyền tải điện từ nơi dồi dào về điện đến nơi còn thiếu. Trong khi điện là mặt hàng “đặc biệt” vì không thể cất giữ hay “để dành”.
Thứ hai, EVN cũng đã rất tích cực mua lại năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, theo tôi được biết thời gian qua Chính phủ định giá mua lại điện gió, điện mặt trời thì đã hết thời gian thực hiện. Trong giai đoạn mới này, Chính phủ chưa phê xác định giá để mua cho nên EVN trong một khoảng thời gian dài chưa biết xác định giá nào để mua điện.
Thứ ba, sau khi đã xác định được giá EVN đã tiến hành các thủ tục cần thiết để mua. Nhưng không phải tất cả các dự án năng lượng tái tạo đều có thể được mua lại bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân kỹ thuật chưa tương thích, chưa đồng bộ nên chưa phát lên được hệ thống chung.
Cũng có những dự án đã phát điện, có điện thành phẩm nhưng lại chưa được cấp phép hoạt động, do đó EVN không được phép mua tại các dự án này. Vì mua sẽ được hiểu là sự ‘tiếp tay” cho các dự án không được cấp phép hoạt động.
Thứ tư, về việc mua điện của nước ngoài, tổng số điện mua của nước ngoài chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, khoảng 3% trong toàn bộ lượng tiêu thụ điện năng của chúng ta. Việc mua điện của nước ngoài là theo nghị định, văn bản ghi nhớ giữa chính phủ hai nước. Chúng ta mua không hẳn vì thiếu điện mà vì mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng.
Còn về giá giá điện tăng cao, bà có bình luận gì về vấn đề này?
EVN là một đơn vị kinh doanh, mà đã kinh doanh thì phải hoạt động như doanh nghiệp. Có nghĩa, họ có sản phẩm để bán thì phải tính toán đến toàn bộ chi phí làm ra sản phẩm và xác định giá sản phẩm và bán theo cơ chế thị trường.
Khi nguyên liệu đầu vào tăng cao, như than, xăng, dầu và vừa qua chúng ta đã chứng kiến giá nguyên liệu “phi mã”. Như vậy, theo thông thường sản phẩm đầu ra cũng sẽ tăng theo vì giá đầu vào tăng.
Tuy nhiên, trong những năm vừa qua giá bán điện trần của EVN lại do nhà nước xác định và quy định giá bán để đảm bảo an sinh xã hội và cuộc sống của người dân. Việc này dẫn đến tình trạng, nguyên liệu đầu vào tăng EVN muốn tăng giá điện cũng không được tăng vì nhà nước không cho tăng. Đây là nguyên nhân khiến EVN bán lỗ.
Con số lỗ 26.000 tỷ đồng của EVN đã được công ty kiểm toán độc lập làm việc và đã có kết quả công bố vào ngày 1/3/2023. Toàn bộ thu-chi tài chính của EVN cũng như các số liệu kinh doanh là hết sức minh bạch bởi một công ty kiểm toán độc lập.
Như vậy, trả lời cho câu hỏi vì sao EVN lại lỗ là do nhà nước muốn có một sự ổn định nhất định, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch Covid-19 EVN không được tăng giá bán.
Do nguyên liệu đầu vào liên tục nhanh, nhưng đầu ra vẫn phải “giữ giá”, thậm chí trong một thời gian dài EVN mua lại năng lượng tái tạo với giá xấp xỉ khoảng 2.000 đồng/kwh nhưng lại bán ra với giá điện sinh hoạt hiện nay khoảng hơn 1.900 đồng/kwh.
Hiện nay, EVN mua của các nhà máy phát điện cũng vào khoảng trên 2.000 đồng/kwh, bán ra cho người dân khoảng 1.880 đồng/kwh. Như vậy, cứ mỗi một số điện EVN bán ra thì bị lỗ hơn 100 đồng. Do đó, nếu EVN càng bán nhiều điện nhưng không được tăng giá thì lỗ càng tăng. Vì việc này nên EVN đã đề xuất tăng giá điện và việc tăng giá điện vừa qua đã được Chính phủ duyệt, Bộ Tài chính cho phép.
Nhưng đến tháng 9, EVN lại tiếp tục đề xuất tăng giá điện đề bù đắp mọi chi phí. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Theo quan điểm của tôi, vướng mắc lớn nhất ở đây EVN là một doanh nghiệp nhưng sản phẩm làm ra lại do nhà nước quy định giá. Do đó, trong quá trình hạch toán Nhà nước có thể kiểm toán quá trình hạch toán của EVN.
Còn việc nguyên liệu đầu vào tăng nhưng không được tăng giá, tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu hình thức coi điện cũng là một mặt hàng nhà nước bình ổn giá, có hình thức bù lỗ cho EVN nếu như không tăng giá điện để ổn định cuộc sống của người dân. Chúng ta không thể để tình trạng doanh nghiệp càng kinh doanh càng thua lỗ. Dư luận “nghe qua” thì thấy vô lý vì kinh doanh “kiểu gì” mà ngày càng lỗ.
Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị EVN cần rà soát lại quản trị doanh nghiệp, cải tiến các khâu để thực hiện tốt nhất việc kinh doanh của mình. Ví dụ, cải tiến khoa học công nghệ để giảm thiếu tối đa thất thoát điện năng. Câu chuyện tăng giá điện liên quan rất lớn đến đời sống người dân, sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó, cần có cuộc thanh kiểm tra để minh bạch con số lỗ lãi của EVN.
Nếu EVN quá khó khăn trong quá trình thực hiện giá điện để bình ổn cuộc sống của người dân và doanh nghiệp, tôi đề nghị EVN và Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ những giải pháp làm sao vừa để cho doanh nghiệp không chịu quá thiệt thòi, vừa đảm bảo được cuộc sống của người dân sau thời gian đại dịch Covid-19.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận