ĐBQH đề nghị làm rõ việc người Trung Quốc “núp bóng” mua đất khu vực trọng yếu
ĐBQH Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận việc người Trung Quốc 'núp bóng', đứng đằng sau người dân Việt Nam 'mua bán', 'sở hữu' nhà, đất ở vị trí trọng yếu đã rộ lên từ nhiều năm nay.
Vừa qua, trả lời kiến nghị cử tri trước Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Bộ Quốc phòng nêu hàng loạt bất cập trong việc người Trung Quốc, người có yếu tố Trung Quốc "núp bóng" dưới nhiều hình thức để sở hữu đất đai ở các khu vực nhạy cảm ở Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 21/5, bên hành lang Quốc hội, trao đổi với PV, ĐBQH Bùi Văn Xuyền Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận việc người Trung Quốc "núp bóng", đứng đằng sau người dân Việt Nam "mua bán", "sở hữu" nhà, đất đã rộ lên từ nhiều năm nay. Theo ông, về việc này chúng ta có các Bộ luật quy định rất rõ ràng người mua bán được sở hữu nhà.
"Luật Đất đai nêu rất rõ về việc này. Bây giờ nếu người ta không lấy danh nghĩa mà ở dạng khác thì không thể coi là người nước ngoài được" - đại biểu Xuyền nói và phân tích: "Ví dụ như anh (người Trung Quốc-PV) đưa tiền hoặc đầu tư cho người trong nước (người Việt Nam) đứng ra thì pháp luật phải xác định quan hệ đó là quan hệ giữa người Việt Nam với nội dung họ tham gia vào quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế đó. Vậy ta nói là của người nước ngoài thì cũng không phải".
Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh: Việc mua bán, đầu tư phải trên cơ sở luật pháp chứ "hợp đồng miệng" với nhau mà không được Việt Nam công nhận, không phù hợp với pháp luật Việt Nam, thì hợp đồng đấy vô giá trị.
"Chúng ta không phải lo ngại việc người nước ngoài núp bóng rồi sau đó trở thành chủ sở hữu. Việc mua bán, nhất là với hợp đồng đất đai phải có xác nhận đồng ý bằng văn bản của pháp luật thì lúc đó mới được công nhận là giao dịch hợp pháp, lúc đấy anh mới là người sở hữu. Còn nếu sở hữu, đầu tư ngầm thì không có hiệu lực, không được pháp luật bảo vệ... vì nó không đúng và nhà nước không bảo vệ hợp đồng này" - ông Xuyền nói và nhấn mạnh: "Nếu mua bán mà không tuân theo Luật Đất đai, Luật Dân sự, Luật Nhà ở... thì đương nhiên hợp đồng không có giá trị, nhà nước không bảo vệ hợp đồng này".
Liên quan đến việc cho thuê đất đai, nhà ở lên đến 50, 70 năm, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, việc này Luật Đất đai đã quy định. "Doanh nghiệp phải hợp pháp. Thuê đất phải có dự án. Đầu tư phải tuân thủ theo Luật Đầu tư của Việt Nam và được các cơ quan nhà nước Việt Nam cấp giấy đầu tư... Chứ không phải cứ mua được là có quyền đầu tư" - ông Xuyền nêu rõ.
Ông Xuyền cũng nhìn nhận: Việc người dân bày tỏ lo ngại là đúng, cơ quan chức năng cần xem xét ý kiến của người dân, cử tri. Theo ông, cơ quan chức năng cần làm tốt ngay từ đầu thì sẽ tránh được những tranh chấp về sau. Ông khuyến khích phải ngăn chặn những sai phạm có dấu hiệu người Trung Quốc "núp bóng" mua bán, sở hữu đất, nhà ở Việt Nam đặc biệt ở các khu vực nhạy cảm.
"Phải rà soát lại tất cả các giao dịch kể cả giao dịch ngầm, giao dịch công khai và cảnh báo cho người nước ngoài và người trong nước.... để xử lý những tranh chấp sau này tránh gây hậu quả cho xã hội"- Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị.
Liên quan đến việc này, trước đó TP.Đà Nẵng có ý kiến phủ nhận hầu hết những gì Bộ Quốc phòng đưa ra liên quan đến người Trung Quốc núp bóng mua bán, sở hữu nhà ở địa phương này, ông Xuyền cho rằng lãnh đạo các Bộ và địa phương cần "ngồi" lại với nhau để thống nhất quan điểm.
Người Trung Quốc "lập xóm, lập phố" rất đáng quan ngại
Bộ Quốc Phòng cho biết, hiện nay đã nổi lên một số vấn đề đáng chú ý như người Trung Quốc sở hữu đất có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh.
Bộ Quốc phòng cũng cho rằng để sở hữu các lô đất người Trung Quốc đã nghiên cứu, lợi dụng kẽ hở của Luật Đầu tư năm 2014 "việc góp vốn bằng đất để liên doanh thành lập doanh nghiệp" và công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực đầu tư, đất đai.
Trước tình hình này, Bộ Quốc phòng đã báo cáo và đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố rà soát đánh giá tổng thể các dự án đầu tư của nước ngoài, nhất là dự án liên quan đến Trung Quốc tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh; kịp thời phát hiện, điều chỉnh những bất cập của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và cơ chế quản lý, cấp phép các hoạt động đầu tư nhằm hạn chế sơ hở không để cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng hoạt động.
Chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp với Công an rà soát các hoạt động của người Trung Quốc ở địa bàn đơn vị đảm nhiệm; chú ý các hoạt động lợi dụng vỏ bọc đầu tư, liên kết, núp bóng để hoạt động chống phá. Kịp thời phát hiện báo cáo Bộ Quốc phòng tham mưu với Chính phủ chỉ đạo xử lý, ngăn chặn.
Mới đây, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải vừa có báo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.
Đáng chú ý, cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị hiện nay, tình trạng người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc "lập xóm, lập phố" tại một vài địa phương là rất đáng quan ngại. Cử tri đề nghị cần quản lý chặt chẽ tình trạng người nước ngoài mua đất, sinh sống và làm việc tại Việt Nam, nhất là tại các khu dự án do Trung Quốc trúng thầu; du khách, người lao động đến từ Trung Quốc để đảm bảo chủ quyền quốc gia, an ninh khu vực.
Lo ngại hơn, cử tri TP. Hải Phòng kiến nghị tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh và thu mua đất đai gần các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh hiện nay là rất đáng ngại.
Còn một số doanh nghiệp dưới vỏ bọc kinh doanh, sản xuất nhưng đã có hoạt động tội phạm công nhệ cao, sản xuất ma túy (Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Yên, Kon Tum); Có doanh nghiệp trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường (Hà Tĩnh, Hải Phòng).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận