24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Thúy Hằng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

ĐBQH đề nghị biện pháp ổn định giá cả sinh hoạt, giá xăng dầu

ĐBQH Tạ Thị Yên bày tỏ sự băn khoăn khi việc giải ngân, thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch còn chậm.

Chỉ ra trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra sự chậm trễ

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội dành cả ngày 1/6 để thảo luận tại hội trường về kinh tế, xã hội, ngân sách và kéo dài Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Phát biểu thảo luận tại hội trường, ĐBQH Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) bày tỏ sự băn khoăn khi việc giải ngân, thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch 2 với quy mô gần 350.000 tỷ đồng còn chậm.

Nữ đại biểu nói: “Chúng ta thông qua một cách khẩn trương nhất nhưng đến nay có vẻ chưa qua được vòng thủ tục, tiến độ rất chậm”.

Đại biểu Yên cho biết, thực tế giải ngân vốn đầu tư công chậm, không đạt kế hoạch. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đề cập đến số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân được còn rất lớn, trong đó có các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong khi đó, đồng bào các vùng sâu vùng xa rất mong chờ các chương trình mục tiêu quốc gia này.

Ngoài ra, vị đại biểu cũng băn khoăn khi giải ngân vốn vay ODA cũng chỉ đạt kế hoạch 32,85%, nhiều Bộ, ngành dưới 20%.

“Tình trạng này kéo dài nhiều năm, chậm khắc phục. Việc giải ngân nguồn vốn ngoài nước phát sinh nhiều vấn đề, gây lãng phí, kém hiệu quả.

Tiền đầu tư chủ yếu là đi vay, chịu lãi suất, phía quản lý, do đó giải ngân chậm thì tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư sử dụng vốn", bà Yên bày tỏ.

Trước thực tế nêu trên, đại biểu đoàn Điện Biên cho rằng cần chỉ ra trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra sự chậm trễ, để các quyết sách của Nhà nước có hiệu lực hiệu quả rõ rệt, đáp ứng mong đợi người dân.

Cùng với đó, bà cũng đề cập tới một số biểu hiện lệch lạc trong lĩnh vực bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, mua sắm thiết bị y tế… thời gian qua.

Vấn đề này theo bà Yên, do một số cá nhân thao túng thị trường và sự kém minh bạch thông tin. Những cá nhân này đã vướng lao lý lại kéo theo nhiều cán bộ quản lý Nhà nước.

Câu hỏi đại biểu đặt ra là làm thế nào họ thực hiện được những giao dịch này dù rất "không bình thường"?

Cần có giải pháp điều chỉnh giá cả, ổn định đời sống

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cũng trăn trở khi nhiều quyết sách trong phục hồi chậm đi vào cuộc sống, doanh nghiệp chưa thực sự được hưởng hỗ trợ.

ĐBQH đề nghị biện pháp ổn định giá cả sinh hoạt, giá xăng dầu
ĐBQH Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành phối hợp điều hành, kịp thời hướng dẫn các ngân hàng thương mại, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân vay.

Cụ thể, về gói hỗ trợ lãi suất thông qua ngân hàng thương mại với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân và doanh nghiệp đã rất kỳ vọng. Tuy nhiên, Nghị định ban hành tương đối chậm. Do vậy, trong quá trình thực hiện, đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước linh hoạt, quyết liệt, kịp thời hướng dẫn các Ngân hàng Thương mại.

Đại biểu cho biết, thực tế tại Quảng Bình, nhiều cơ sở du lịch nhỏ chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng để hoạt động dù đang mùa cao điểm, phục hồi tốt.

Do vậy, nếu ban hành văn bản nhưng không có cơ chế phù hợp để thực hiện thì sẽ dẫn đến tình trạng ngân hàng không dám cho vay, lãng phí cơ hội phục hồi của nhiều ngành. Đại biểu đề nghị ngân hàng cần linh hoạt cho vay thông qua tín chấp.

Cũng theo đại biểu Tâm, việc miễn giảm thuế phí, đất đai vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể. Điều này làm cho các kế hoạch ban hành khó có tính khả thi khi 2 năm thực hiện gói hỗ trợ (2022-2023) ngày càng ngắn.

Đại biểu Tâm nhấn mạnh: “Gần đây thôi, người dân, doanh nghiệp phấn khởi khi Nghị quyết 43, 11 được thông qua và kỳ vọng tạo động lực phục hồi. Tuy nhiên, những kỳ vọng giảm dần khi triển khai còn vướng mắc”.

Bên cạnh đó, đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai) đề nghị Chính phủ sớm điều chỉnh giá một số mặt hàng có tác động đến sản xuất, kinh doanh.

"Cử tri phản ánh nhiều giá cả sinh hoạt gia tăng liên tục, giá xăng tăng cao. Giá đầu vào sản xuất nông nghiệp cũng tăng cao. Các chỉ số giá tiêu dùng gia tăng ở nhiều lĩnh vực. Do vậy, đề nghị Chính phủ có giải pháp điều chỉnh giá với các mặt này, ổn định đời sống", đại biểu Hương nêu

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả