menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngô Vũ Sơn

Đẩy nhanh tiêm vaccine để phục hồi kinh tế

Vaccine chính là động lực quan trọng nhất cho phục hồi kinh tế.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đều xác định cần nỗ lực để cuối năm nay, đầu 2022 thực hiện bằng được Chiến lược vaccine đặt ra, đạt tỷ lệ tiêm chủng phủ được 70% dân số.

Nhất định phải đạt được

Ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng, vaccine chính là động lực quan trọng nhất cho phục hồi kinh tế của năm nay và năm 2022 bởi chỉ khi có được “tình trạng bình thường mới” thực sự thì cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp mới yên tâm tập trung cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Nhiều cảnh báo cho thấy, việc gián đoạn của các chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch là điều có thể chấp nhận được, nhưng nếu kéo dài quá lâu sẽ dẫn đến đứt gãy và khi đó tổn thất sẽ không chỉ về những con số thiệt hại kinh tế trực tiếp tức thời mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức cạnh tranh thu hút FDI về sau này, mà như vậy một trong các động lực tăng trưởng quan trọng nhất là xuất khẩu sẽ chịu tác động tiêu cực. Vì vậy, bên cạnh việc cố gắng ngăn chặn, giảm thiểu tác động của đợt dịch này thì mục tiêu của Chiến lược vaccine nhất định phải đạt được, thậm chí phải nỗ lực cao để mục tiêu đạt được sớm hơn, tỷ lệ cao hơn.

Theo thống kê của Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế, chỉ riêng nguồn nhập khẩu mà Việt Nam đã đàm phán và ký hợp đồng cũng như đang đàm phán thêm thì đã cơ bản đảm bảo đủ cho khoảng 75% dân số được tiêm chủng (kể cả người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam). Tuy nhiên, tiến độ cung ứng vaccine vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nhà sản xuất (và đây là điều khoản mà chúng ta đã phải chấp nhận trong đàm phán) khi cung chưa đáp ứng đủ cầu.

Mặt khác, biến chủng Delta khiến số ca nhiễm tăng nhanh trở lại những ngày gần đây, ngay cả ở những nước phát triển đã có tỷ lệ tiêm chủng cao, khiến ngày càng có nhiều khuyến nghị đưa ra là cần tiêm thêm mũi bảo vệ thứ 3 và tăng tỷ lệ bao phủ tiêm lên 80-90% mới đạt miễn dịch cộng đồng. Điều này càng đẩy nhu cầu vaccine lên cao hơn nguy cơ bàn giao chậm càng hiện hữu.

Bên cạnh đó, khó khăn còn nằm ở khâu điều phối phân bổ và tổ chức tiêm. Tính toán sơ bộ để hình dung, tổng số vaccine đã được tiêm trên toàn quốc đến nay mới khoảng trên 8 triệu liều. Trong tháng 8 và 9, do nguồn cung về ít nên nếu tiêm được thêm khoảng hơn 20 triệu liều nữa đã là con số tích cực. Như vậy muốn đạt được 75% ngay vào cuối năm nay thì trong tháng 10 đến tháng12 phải tiêm được khoảng 120 triệu liều. Điều này đặt ra áp lực rất lớn cho hệ thống y tế trong việc làm sao để triển khai tiêm chủng nhanh, quy mô lớn và trên diện rộng gắn với các khâu đảm bảo hậu cần (đặc biệt trong vận chuyển, bảo quản vaccine và xử lý sau tiêm).

Nhiều tín hiệu tích cực

Nhưng mặt khác, cũng có nhiều tín hiệu tích cực cho thấy chúng ta có thể đẩy nhanh chiến lược vaccine để sớm đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, bên cạnh nguồn cung dự kiến từ nhập khẩu theo tính toán của Bộ Y tế như đã nói, đang có thêm nguồn vaccine khác đến từ hỗ trợ của các nước (mà đến hiện nay đã hơn 5 triệu liều). Cùng với đó, nỗ lực tiếp cận và kết nối của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong tìm kiếm nguồn vaccine.

Như mới đây, Chính phủ đã có nghị quyết đồng ý về việc giới thiệu Tập đoàn T&T đàm phán mua 40 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga; Một số hiệp hội mới đây cho biết đã tìm được nguồn cung vaccine, có văn bản trình lên Thủ tướng và các cơ quan liên quan để triển khai đàm phán nhập về. Mới đây nhất, Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn đã được nhập khẩu lô 5 triệu liều vắc-xin Covid-19 Sinopharm (đã được WHO chấp thuận sử dụng cho tình huống khẩn cấp)…

Như vậy, các nguồn này nếu tiếp tục được tận dụng, triển khai tiêm ngay trong quý III này sẽ hỗ trợ rất tích cực cho mục tiêu chung đề ra, nhất là giúp bổ sung, điều tiết thời gian tiêm khi các nguồn nhập khẩu như Bộ Y tế dự tính chỉ về nhiều trong quý IV. Ngoài ra, một tín hiệu rất khả quan khác là Công ty Nanogen - đơn vị nghiên cứu vaccine Nano Covax vừa cập nhật kết quả nghiên cứu với ước tính hiệu quả bảo vệ của vaccine đạt 90%, qua đó tiếp tục trình Bộ Y tế, Hội đồng đạo đức xem xét để có cơ sở cấp phép khẩn cấp.

Bên cạnh việc tiếp tục tìm kiếm các nguồn cung, các nỗ lực ngoại giao và làm việc với các tổ chức để có nguồn vaccine về sớm hơn, Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Y tế, các địa phương và các cơ quan liên quan trong công tác điều phối, tăng tốc tiêm chủng. Liên tiếp tại các văn bản chỉ đạo gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải đẩy nhanh tốc độ tiêm, tổ chức nhiều điểm tiêm để tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn, hiệu quả cho người được tiêm. Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục ưu tiên cấp tiếp vaccine cho TP.HCM và các tỉnh phía nam, đồng thời xây dựng phương án phân bổ đối với các lô vaccine tiếp theo.

Nhìn vào câu chuyện dành nguồn lực vaccine cho TP.HCM lúc này sẽ thấy nhiều hàm ý. Mặc dù nguồn vaccine hiện nay không nhiều, nhưng việc dành cho TP.HCM - nơi đang trải qua đại dịch nặng nề nhất - một lượng đủ để giúp thành phố này đạt được miễn dịch cộng đồng (theo tính toán cần thêm khoảng 5,5 triệu liều ngay trong tháng 8) là rất cần thiết. Một mặt, điều này sẽ giúp cho địa phương đầu tàu kinh tế cả nước này nhanh chóng vượt qua được đại dịch, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về sức khỏe, sinh mạng cho người dân và sớm phục hồi kinh tế.

Quan trọng hơn, việc hỗ trợ một địa phương sớm đạt được miễn dịch cộng đồng như vậy sẽ giúp cả nước rút ra được nhiều bài học và kinh nghiệm quý. Đơn cử, nó sẽ cho thấy vaccine có thực sự giúp đạt được miễn dịch cộng đồng hay không; giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực lên hệ thống y tế và sức khỏe người dân thế nào; có thực sự có được “tình trạng bình thường mới” không; các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ hồi phục nhanh như thế nào sau khi cả thành phố đã tiêm vaccine đầy đủ… Khi những số liệu và thực tế mang lại nhờ miễn dịch cộng đồng từ một địa phương như vậy là tích cực, đó sẽ là những cơ sở rất quý báu để Chính phủ và cả hệ thống chính trị tiếp tục có những chỉ đạo, quyết sách tốt hơn nữa trong trận chiến đối phó với đại dịch vẫn đang rất cam go hiện nay. Đó cũng sẽ là câu trả lời thực tế nhất giúp ai đó vượt qua e ngại tiêm vaccine nếu còn giữ tâm lý đó trong mình.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả