Đẩy nhanh phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,5%
Chiều ngày 2/3, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 ngay sau khi kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nền kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2020 chúng ta đã hoàn thành mục tiêu kép. Các báo cáo tại phiên họp Chính phủ cho thấy, các chỉ tiêu của năm 2020 đều vượt so với con số đã báo cáo Quốc hội. Cụ thể, trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 tại phiên họp vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã thực hiện tốt hơn các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2020 được Quốc hội giao, kết quả đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu chủ yếu.
Trong đó, có thêm 2 chỉ tiêu đạt và vượt là: Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu; Tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị và có 4 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với số ước tính đã báo cáo Quốc hội là: Tốc độ tăng GDP đạt 2,91% (số đã báo cáo là khoảng 2-3%); Tốc độ tăng CPI bình quân chỉ 3,23% (số đã báo cáo là dưới 4%); Xuất siêu khoảng 20 tỷ USD, tương đương 7,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (số đã báo cáo là xuất siêu 7 tỷ USD, tương đương 2,6% tổng kim ngạch xuất khẩu); Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,85% (số đã báo cáo là 90,7%).
Về diễn biến tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2021 các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất cho rằng, trong tháng 2/2021 – tháng có Tết Nguyên đán Tân Sửu - mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (bùng phát dịch lần thứ 3), tác động tới các hoạt động kinh tế, nhưng với chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước, kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, hình ảnh và uy tín Việt Nam trên thế giới tiếp tục được nâng lên.
Một số kết quả nổi bật có thể kể đến như, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2021 giảm 0,15% so với cùng kỳ năm trước (tuy nhiên, CPI tháng 2/2021 tăng 1,5% so với tháng trước; tăng 1,56% so với tháng 12/2020 và đây là mức cao nhất của chỉ số giá tháng 2 trong 8 năm gần đây). Bên cạnh đó, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,3 tỷ USD, tăng 25,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,3 tỷ USD.
Bên cạnh đó, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tháng 2/2021 diễn biến tương đối thuận lợi, nhiều mặt hàng được mùa, được giá; Chăn nuôi phát triển tốt, cung ứng đầy đủ sản phẩm và giá cả không biến động lớn trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Cùng với đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ chỉ tăng 7,1%).
Đáng chú ý, tuy là thời điểm có kỳ nghỉ dài và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực. Hai tháng đầu năm, cả nước có 18,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 172,8 nghìn lao động, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% vốn đăng ký…
Tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu kép
Phát biểu kết luận Phiên họp thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ tiếp tục điều hành chủ động, quyết liệt, sáng tạo, kịp thời và đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định. Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng cao, đạt hai con số, xuất siêu 1,3 tỷ USD. Hình ảnh và uy tín Việt Nam trên thế giới tiếp tục được nâng lên.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, phải đón bắt thời cơ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng đầu năm cũng như cả năm 2021. Trong đó, trước hết là tập trung quán triệt, nghiên cứu, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép để kinh tế - xã hội phát triển nhưng kiểm soát tốt dịch bệnh. Quyết liệt phòng chống dịch Covid-19 trên tinh thần “vaccine + 5K”, nếu xuất hiện ổ dịch mới thì truy vết thần tốc, khoanh nhanh ổ dịch. Thủ tướng yêu cầu ngành y tế nhanh chóng tiêm vaccine cho người dân theo đúng ý kiến của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế-xã hội, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,5% như Nghị quyết của Chính phủ đã báo cáo.
Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ rất quan trọng, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm bố trí một cuộc đôn đốc kiểm tra giải ngân đầu tư công cũng như vốn ODA.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng thời cơ đối với Việt Nam rất lớn, xu hướng dòng vốn vào Việt Nam rất rõ ràng cho nên phải có môi trường đầu tư tốt để thu hút, nâng cao hơn nữa hiệu quả hội nhập nhằm thúc đẩy xuất khẩu, thu hút có sàng lọc nguồn vốn FDI có chất lượng. Cùng với đó, bên cạnh phát huy vai trò các tập đoàn kinh tế nhà nước, cần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và đầu tư công, góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng phát triển lâu dài. Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát, điều chỉnh các gói hỗ trợ hiện tại và sớm đề xuất gói hỗ trợ đợt 2 để giúp doanh nghiệp và người dân vượt khó.
Dù hiện là thời điểm những tháng cuối của nhiệm kỳ Chính phủ hiện tại nhưng Thủ tướng nhấn mạnh, không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi trong lúc giao thời, mà tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ; nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, vì nhân dân mà làm việc.
Do đó, Chính phủ khóa này sẽ tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và thực hiện chuyển giao nhiệm vụ cho Chính phủ khóa mới theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước, quy định pháp luật với tinh thần là bảo đảm tính kế thừa, phát huy công khai, minh bạch cả về việc chuyển giao nhiệm vụ, công việc và công tác cán bộ, bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi liên quan đến các vấn đề về sàn giao dịch Forex, tiền ảo, hoạt động của các ví điện tử, trung gian thanh toán trong các giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán quốc tế... Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, việc cung ứng các dịch vụ mua bán ngoại tệ, dịch vụ phái sinh ngoại tệ phải do các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được phép hoạt động. Đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho bất cứ tổ chức, doanh nghiệp nào ngoài những tổ chức tín dụng đã được cấp phép. Vì vậy, những tổ chức hoạt động sàn Forex hiện nay là hoàn toàn không đúng quy định của pháp luật, và sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Với người dân, việc đưa tiền vào hoạt động không đúng quy định của pháp luật để đầu tư là rất rủi ro và chắc chắn pháp luật không bảo vệ cho những rủi ro đó. Chính vì thế, chúng tôi cũng đề nghị người dân hết sức thận trọng, nhất là kinh doanh mời chào đến mấy trăm phần trăm lãi suất lợi nhuận khi trong điều kiện hiện nay rất khó khăn để có được lợi nhuận cao như thế. Chính vì thế, ngay từ đầu đã thấy dấu hiệu của sự không minh bạch, không đúng đắn và lừa đảo. "Một lần nữa, xin khuyến cáo các nhà đầu tư, người dân có tiền, trước khi đầu tư vào lĩnh vực nào đó, nên tham khảo, tư vấn thêm từ các cơ quan chức năng, ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng", Phó Thống đốc lưu ý. Về câu hỏi đối với quản lý với giao dịch hợp pháp, khó khăn của trung gian thanh toán như ví điện tử…, theo Phó Thống đốc, cùng với sự phát triển của KHCN hiện nay đang rất nhanh, đem lại lợi ích lớn trong cuộc sống, nhất là những dịch vụ trung gian thanh toán như hiện nay. Rất nhiều sản phẩm, rất nhiều đơn vị cung ứng những dịch vụ này và điều đầu tiên mà Ngân hàng Nhà nước, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chú ý là chúng tôi luôn coi trọng làm sao bảo đảm an toàn cho việc cung ứng sản phẩm trung gian thanh toán và làm sao có những đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ trung gian thanh toán đảm bảo sự an toàn, hạn chế rủi ro của chính những đơn vị đó và cho những người tham gia thanh toán. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã có rất nhiều văn bản, như Thông tư 19, Thông tư 35…để quản lý và cảnh báo vấn đề này. Hàng năm, chúng tôi chỉ đạo các tổ chức tín dụng cũng như các trung gian thanh toán thường xuyên cảnh báo cho người sử dụng. Tất cả những giao dịch thông qua các ngân hàng được phép, các tổ chức trung gian thanh toán được phép một cách công khai, chính xác thì câu chuyện phát hiện ra hợp pháp hay bất hợp pháp không khó. Tuy nhiên, với những giao dịch chỉ thông qua các tổ chức, hệ thống công nghệ hiện nay đang không hợp pháp ở Việt Nam là vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng đang xem xét để có phương pháp xử lý thích hợp. Ngân hàng Nhà nước lưu ý người dân khi tham gia vào các hệ thống thanh toán này là hết sức cẩn trọng, cả về các thông tin dữ liệu cá nhân của mình, cũng như đảm bảo tuân thủ những quy định để đảm bảo quyền lợi của mình khi tham gia. Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên chỉ đạo các NHTM có trách nhiệm đối với khách hàng như nhắn tin, hướng dẫn những vấn đề mà kẻ gian có thể lợi dụng. Những hướng dẫn, thông tin đó rất mong người dân quan tâm và có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các tổ chức tín dụng. Chia sẻ thêm với báo chí về vấn đề đầu tư và tiền ảo, Phó Thống đốc cho rằng, gần đây có vấn đề đầu tư vào tiền ảo rộ lên. Từ năm 2012-2013 đã đặt ra câu chuyện này và 2014 đã chỉ đạo của Chính phủ rất rõ ràng, xác định tiền ảo là tiền nào?. Ví dụ như tiền bitcoin hoặc một số loại tiền khác có phải là tiền pháp lệnh của chúng ta không?. Lãnh đạo NHNN khẳng định bitcoin không phải đồng tiền pháp lệnh, nó là loại tài sản ảo, tiền ảo được mã hóa, là sản phẩm của sự phát triển công nghiệp. Nó không phải phương tiện thanh toán và pháp luật không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh tại Việt Nam. Chính vì thế, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc sử dụng đồng tiền ảo này làm phương tiện thanh toán hay làm phương tiện chức năng như đồng tiền của chúng ta hiện nay là vi phạm pháp luật. Hiện các cơ quan chức năng như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang phối hợp triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng để làm rõ được vấn đề quản lý, cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo này. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận