Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Lãnh đạo TP.HCM cho biết, từ năm 2021 đến 2025 sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) thông qua tăng năng suất với nhóm sản phẩm chủ lực trên cơ sở khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ với các chính sách hỗ trợ phù hợp; tạo quỹ đất (hình thành các khu NNCNC) để tăng quy mô, thu hút các DN đầu tư...
TP.HCM là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng được khu NNCNC, trung tâm công nghệ sinh học và có chương trình phát triển NNCNC bài bản, đồng bộ, cho ra nhiều chế phẩm sinh học mang tính ứng dụng cao, các giống hoa, rau, dưa mới với chất lượng và năng suất cao, phát triển các giống gia súc (bò, heo) cùng hàng loạt quy trình kỹ thuật canh tác công nghệ cao được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công nhận là tiến bộ kỹ thuật của quốc gia. Tuy nhiên, nông nghiệp TP.HCM lại chỉ chiếm khoảng 1% GRDP của địa phương.
Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết, hiện UBND TP.HCM đã ban hành hướng dẫn thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp khác tại huyện Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè. Theo đó, Ban Quản lý khu NNCNC TP.HCM đang triển khai bốn dự án để thu hút đầu tư gồm: đầu tư xây dựng khu NNCNC (23,3ha) ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ; mở rộng khu NNCNC tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi; xây dựng khu chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Bình Chánh; mở rộng khu NNCNC (200ha) tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi. Hiện đang có 35 DN tham gia các chương trình ươm tạo tại khu NNCNC TP.HCM; diện tích trồng các loại rau ăn lá, ăn quả ứng dụng công nghệ cao là 435,8ha, tăng 0,9% so với năm 2019. Các DN cũng đang nuôi 52.764 con heo, 1.569 con bò sữa, 277.697 con gia cầm, 73,83ha tôm ứng dụng công nghệ cao.
Song song với đó, TP.HCM phấn đấu đến năm 2030 có trên 30% hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngành nông nghiệp TP.HCM cũng sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; cập nhật thông tin kiến thức về tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ năng thực hành ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, ngành nông nghiệp TP.HCM cũng hỗ trợ cho việc hình thành và hoạt động có hiệu quả DN trong ứng dụng NNCNC trong lĩnh vực cây trồng, chăn nuôi và thủy sản.
Để thực hiện được mục tiêu trên, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu ngành nông nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang sản xuất nâng cao chất lượng, hiệu quả, có giá trị gia tăng cao, phát triển các sản phẩm phát huy lợi thế so sánh của TP.HCM; Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới, hiệu quả, nhất là các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ ở cả trong nước và ngoài nước; chuyển mạnh từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn…; Phát triển nông nghiệp và dịch vụ gắn với nông nghiệp ở nông thôn, góp phần tạo việc làm và chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, trong đó, cần chú trọng hoạt động du lịch sinh thái, du lịch; Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt…
Vừa qua, UBND TP.HCM đã phê duyệt Chương trình phát triển NNCNC trên địa bàn TP.HCM, phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2030 chiếm từ 75% - 85% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố. Đồng thời, có trên 70% hộ nông dân, trên 80% DN ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mang tính công nghệ cao về giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch; cơ giới hóa, tự động hóa trong quá trình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, xử lý chất thải; các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao trong quá trình sản xuất các sản phẩm chủ lực (gồm rau quả, hoa kiểng, heo, bò sữa, tôm và cá cảnh).
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM khẳng định, việc hướng đến một nền NNCNC với quy mô sản xuất lớn, hiện đại là một tất yếu. Thành phố sẽ tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao, từng bước hình thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực; phát triển khoa học - công nghệ, NNCNC gắn với đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận