Đẩy mạnh nhập khẩu và phân phối nông sản Việt Nam tại Hàn Quốc
Sáng 25/6, tại thành phố Kwangyang, miền Nam Hàn Quốc, với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Á - châu Phi), Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, các công ty TPS Farmers và Vinaka đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác đẩy mạnh nhập khẩu và phân phối hàng nông sản Việt tại Hàn Quốc.
Đây là sự kiện mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh nhiều loại nông sản trong nước đang vào vụ thu hoạch gặp khó khăn về đầu ra do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đồng thời đánh dấu bước chuyển đổi mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt kiều từ hoạt động kinh doanh mang tính đơn lẻ sang cùng nhau hợp tác nhập khẩu, phân phối hàng nông sản chất lượng cao của Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc.
Tham dự sự kiện có ông Phạm Khắc Tuyên, Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam; giám đốc 2 công ty trên, cùng các cán bộ phụ trách ngành hàng nông sản, thực phẩm.
Nhu cầu của cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc đối với mặt hàng nông thủy sản, thực phẩm chế biến từ Việt Nam là khá lớn và có xu hướng tăng nhanh kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Đồng thời, văn hóa ẩm thực Việt Nam đang rất được ưa chuộng tại Hàn Quốc với hơn 4.000 nhà hàng Việt Nam được mở ra trên khắp đất nước Hàn Quốc (theo khảo sát của Tạp chí Ẩm thực Chosun năm 2019).
Nắm bắt được nhu cầu trên, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc được sự hỗ trợ của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi của Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực làm việc với một số doanh nghiệp xuất, nhập khẩu đầu mối do người Việt làm chủ tìm hiểu nhu cầu, tư vấn chính sách, thị trường và đề xuất xây dựng cơ chế thường xuyên trao đổi thông tin để kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Qua đó, với sự tư vấn, hỗ trợ của Thương vụ, các doanh nghiệp đã thảo luận và nhất trí cao về các vấn đề: thiết lập cơ chế hợp tác bền vững để phân phối rộng rãi các mặt hàng nông sản chất lượng cao của Việt Nam tại Hàn Quốc; đồng hành, hỗ trợ nhau trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam tại Hàn Quốc; hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại Việt Nam và tích cực triển khai Chương trình hành động hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc phấn đấu từ nay đến hết năm 2022 sẽ nhập khẩu, phân phối hàng nông sản, thực phẩm chế biến tại Hàn Quốc đạt doanh số 120 tỷ đồng Việt Nam (5,2 triệu USD).
Các nhóm mặt hàng sẽ được đẩy mạnh nhập khẩu như hoa quả tươi (xoài, dừa, dứa, chuối, thanh long trắng và đỏ), hoa quả đông lạnh (mít, sầu riêng, vải…), rau củ quả, thủy hải sản, đồ uống, gia vị… phân phối thông qua các hệ thống siêu thị thực phẩm châu Á (Asian Mart) và các nhà phân phối Hàn Quốc. Dự kiến, khoảng 80% hàng hóa nhập khẩu được phân phối thông qua các Asian Mart với trên 200 siêu thị khắp Hàn Quốc. Các doanh nghiệp Việt kiều cũng đang đẩy mạnh đầu tư hệ thống logistic, kho lạnh, vận hành sàn thương mại điện tử… nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao giá trị hàng nông sản Việt và giảm thiểu rủi ro đối với một số mặt hàng có tính thời vụ, đồng thời từng bước khẳng định thương hiệu để thâm nhập các chuỗi siêu thị lớn như Lotte, Emart, Home Plus…và các sàn thương mại điện tử lớn ở Hàn Quốc như Coupang, Gmarket…
Đồng hành với doanh nghiệp, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cam kết sẽ làm việc với các đơn vị liên quan, các địa phương để kết nối các nhà cung cấp trong nước uy tín và năng lực, hỗ trợ tư vấn đẩy mạnh mức độ nhận dạng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam, hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại Hàn Quốc góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu và dần khẳng định thương hiệu nông sản Việt.
Trước đó, ngày 18/5 vừa qua, thông qua "Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương 2021" do Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh Hải Dương tổ chức, hai doanh nghiệp nói trên đã được kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu quả vải uy tín của tỉnh và đang làm các thủ tục để đưa quả vải đông lạnh Việt Nam sang Hàn Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận