Đẩy mạnh mua thép từ Việt Nam, Ấn Độ... Trung Quốc đang toan tính gì?
Việc Trung Quốc đẩy mạnh thu mua thép từ nước ngoài phải chăng là dấu hiệu báo trước cho một chiến lược dài hơi trong lĩnh vực sản xuất của nước này?
Thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng qua, lượng sắt thép Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam tăng vọt gấp 19 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong 4 thị trường nhập khẩu sắt thép lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan là 2 thị trường thu mua lớn nhất.
Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy Trung Quốc không chỉ mua nhiều thép từ Việt Nam, mà lượng thép xuất khẩu từ các quốc gia khác về Trung Quốc cũng tăng vọt thời gian qua, điển hình như Ấn Độ. Bất chấp căng thẳng chính trị giữa Bắc Kinh và New Delhi, Trung Quốc đã mua 1,3 triệu tấn thép từ Ấn Độ, mức giao dịch lớn nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm tài khóa 2015 - 2016.
Trong khi nhiều lĩnh vực lao đao trước dịch COVID-19, ngành thép dường như vẫn đang nắm vững tay chèo qua thời kỳ này.
Sản lượng sản xuất thép của Trung Quốc đã phá kỷ lục, với 90 triệu tấn trong 3 tháng qua, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước bất chấp toàn cầu sụt giảm. Con số này đẩy thị phần thép của Trung Quốc chiếm lĩnh trên toàn cầu lên mức 62%.
Sản xuất nhiều như vậy, nhưng trong tháng 6, Trung Quốc cũng lần đầu tiên trở thành nhà nhập khẩu ròng kim loại này trong hơn 1 thập kỷ. Thành quả này đến từ việc Bắc Kinh đã đưa ra chính sách nới lỏng tiền tệ, mạnh tay chi tiêu cho xây dựng cơ sở hạ tầng sau đại dịch. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu tăng nóng đối với sản phẩm thép. Chưa kể, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng như đồ gia dụng và ô tô đã nâng giá thép tấm lên mức cao nhất trong 2 năm.
Theo Nikkei, giá thép cuộn cán nóng của châu Á, được sử dụng bởi các nhà sản xuất ô tô và thiết bị điện, đã tăng 20% so với tháng 4. Tuy nhiên không phải nhà cung cấp nào cũng được hưởng lợi từ giá thành thép tăng hiện nay. Bởi trên thực tế, chỉ có 2% sản lượng thép tiêu thụ tại Trung Quốc là từ nhập khẩu.
Các chuyên gia lo sợ rằng, một khi nhu cầu nội địa được đáp ứng, thép xuất khẩu giá rẻ từ Trung Quốc có thể tràn ra, khiến thị trường thép trên toàn cầu rung chuyển.
"Chúng tôi sẽ cẩn thận theo dõi sản lượng xuất khẩu thép từ Trung Quốc", đại diện hãng sản xuất thép Nippon Steel (Nhật Bản) nhận định.
Để xoa dịu những lo ngại về nguy cơ dư thừa nguồn cung thép, Chính phủ Trung Quốc đang muốn điều phối sản lượng thông qua nhóm 10 doanh nghiệp thép quốc doanh hàng đầu. Nước này đặt mục tiêu cuối năm sẽ đưa tỷ trọng của nhóm này lên 60% từ mức 37% hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận