Đầu tư vào công nghệ khí hậu tăng vọt
Đầu tư vào các công ty phát triển công nghệ chống lại khủng hoảng khí hậu đạt 87,5 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng 210% so với cùng kỳ năm ngoái, theo nghiên cứu của PwC.
Trong báo cáo ra hôm thứ Tư, công ty dịch vụ tài chính PwC cho biết trong mỗi một đô la (100 cent) vốn mạo hiểm, 14 cent chảy vào công nghệ khí hậu, theo CNBC.
PwC nhắc đến năm giải pháp công nghệ hàng đầu: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, công nghệ xử lý chất thải thực phẩm, sản xuất hydro xanh và thực phẩm thay thế/protein phát thải ít khí nhà kính.
Hãng cho biết năm lĩnh vực này chỉ nhận được 25% vốn đầu tư vào công nghệ khí hậu giai đoạn 2013 đến tháng 6/2021, mặc dù công nghệ trong những lĩnh vực này chiếm tới hơn 80% tiềm năng giảm phát thải vào 2050.
Theo PwC, phần lớn tiền đầu tư vào công nghệ khí hậu, khoảng 58 tỷ đô la, chảy vào các công ty vận tải và phương tiện vận tải, trong đó có các công ty tập trung vào xe điện tay ga, ô tô điện và taxi bay.
Quy mô trung bình của một thỏa thuận công nghệ khí hậu tăng gần gấp bốn lần, lên 96 triệu USD trong nửa đầu 2021, từ mức 27 triệu USD một năm trước đó. Số lượng các nhà đầu tư công nghệ khí hậu tích cực tăng từ dưới 900 trong nửa đầu 2020 lên hơn 1.600 trong nửa đầu 2021.
Các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) công nghệ khí hậu đã huy động được 25 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021, chiếm hơn 1/3 tổng số vốn tài trợ cho công nghệ khí hậu trong giai đoạn này.
Trong khi tăng trưởng tổng thể đang tăng lên, số lượng các khoản đầu tư giai đoạn đầu, vòng hạt giống và vòng series A vào công nghệ khí hậu hầu như vẫn trì trệ kể từ 2018. PwC cho rằng cần tài trợ thêm cho các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu trẻ có tiềm năng trở thành các công ty trị giá 1 tỷ USD hoặc thậm chí 10 tỷ USD.
Hôm thứ Ba, công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu của Pháp Sweep thông báo rằng họ đã huy động được 22 triệu USD vòng gọi vốn series A với Balderton Capital, một công ty đầu tư vốn mạo hiểm có trụ sở tại London, là nhà đầu tư chính. Balderton Capital cũng đã hỗ trợ ứng dụng điều hướng đô thị Citymapper, công ty xe điện tay ga Voi và dịch vụ xe theo yêu cầu Virtuo.
Xét về vị trí địa lý, các công ty công nghệ khí hậu của Mỹ đang thu hút nhiều vốn đầu tư mạo hiểm nhất, với 56,5 tỷ USD chảy vào các công ty khởi nghiệp ở nước này từ đầu năm đến 30/6. Các công ty công nghệ khí hậu Trung Quốc huy động được số tiền cao thứ hai, với 9 tỷ USD.
Thế giới có 10 năm để giảm 1/2 lượng khí thải nhà kính nếu muốn có cơ hội đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Emma Cox, phụ trách mảng khí hậu toàn cầu tại PwC Anh, nhận định: “Đổi mới rất quan trọng trong đối phó với thách thức và tin tốt là đầu tư vào công nghệ khí hậu đang tăng lên đáng kể”.
“Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi thấy rằng có tiềm năng để phân luồng tốt hơn và khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ có tiềm năng giảm phát thải lớn nhất trong tương lai. Điều này đặt ra câu hỏi tại sao lại bỏ lỡ những lĩnh vực này - nhà đầu tư đang bỏ lỡ cơ hội giá trị hay có vấn đề về khuyến khích cần sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách? ”
Trong các thập kỷ qua, nhiều nhà đầu tư đã chọn không ủng hộ các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu vì lo rằng nhóm này có thể không mang lại lợi nhuận tài chính phù hợp. Theo PwC, có một khoảng thời gian tăng trưởng nhanh chóng từ 2013 đến 2018, nhưng đầu tư vào công nghệ khí hậu lại đi ngang từ 2018 đến 2020. Nguyên nhân là do xu hướng kinh tế vĩ mô và đại dịch.
Tuy nhiên, đầu tư đã tăng trở lại mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2021 khi các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) được chú ý và các công ty cam kết thực hiện chiến lược phát thải ròng bằng 0.
Tại hội nghị công nghệ Web Summit ở Lisbon, Bồ Đào Nha, đầu tháng 11, chủ tịch Microsoft Brad Smith, nói với CNBC lĩnh vực công nghệ nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu sẽ thu hút nhiều đầu tư và sản sinh ra những “kỳ lân”.
“Những công ty phát kiến công nghệ mới giúp giải quyết các vấn đề khí hậu như loại bỏ phát thải carbon, thu giữ và lưu trữ carbon, nhiên liệu hàng không bền vững, lưu trữ pin thời lượng dài sẽ là những kỳ lân. Chúng sẽ là những tên tuổi quen thuộc vào năm 2050”. “Kỳ lân” (unicorn) là thuật ngữ mô tả những công ty khởi nghiệp do tư nhân nắm giữ với giá trị hơn 1 tỷ USD.
Larry Fink, CEO và Chủ tịch của Blackrock, công ty quản lý đầu tư có trụ sở ở New York, nói ông tin rằng "1.000 kỳ lân ra đời trong tương lai sẽ không phải là một công cụ tìm kiếm hay một công ty truyền thông. Chúng sẽ là những doanh nghiệp phát triển nhiên liệu hydro xanh, nông nghiệp xanh, thép xanh và xi măng xanh”.
Bill Gates, đồng sáng lập Microsoft, trước đó khẳng định niềm tin có một lượng tiền đáng kể được tạo ra từ công nghệ khí hậu. “Sẽ có 8 Teslas, 10 Teslas. Sẽ có các công ty dạng Microsoft, Google, Amazon bước ra từ không gian này”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận