Đầu tư vào cổ phiếu thanh khoản thấp: Tính kỹ đường lùi
Không ít nhà đầu tư gặt hái quả ngọt khi bản lĩnh đổ vốn vào nhóm cổ phiếu có thanh khoản cực thấp, nhưng cũng có nhà đầu tư ngậm ngùi vì bị “kẹt hàng”.
Trong tháng 8, cổ phiếu TCD (của Công ty cổ phần Tracodi) vụt sáng khi tăng từ mức xấp xỉ mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) lên vùng 2x. Tuy vậy, xem xét lịch sử giao dịch của cổ phiếu này, có thể thấy, không nhiều nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận tốt.
Khi thị giá lình xình ở quanh mệnh giá, khối lượng giao dịch cổ phiếu TCD rất thấp, chỉ vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên.
Nhìn vào thanh khoản như vậy, dù các chỉ số tài chính của TCD khá hấp dẫn, như EPS 4 quý gần nhất đạt trên 4.000 đồng/cổ phiếu, định giá P/E chưa đến 6 lần, thấp xa so với mức trung bình của VN-Index, nhưng ít nhà đầu tư nào dám “ôm” vào.
Đến khi thị giá TCD chạy lên vùng 13.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản cũng chỉ đạt từ 100.000 - 200.000 đơn vị/phiên. Và khi giá cổ phiếu này chạy dần về vùng 20.000 đồng/cổ phiếu thì thanh khoản mới tăng mạnh lên gần 1 triệu đơn vị/phiên, cho phép nhà đầu tư cá nhân mua - bán nhộn nhịp hơn.
Phân tích cơ cấu cổ đông của Tracodi, có thể thấy rõ, lượng cổ phiếu TCD lưu hành rất thấp, hiện chỉ vào khoảng 20% cổ phần.
Chưa kể, hơn 32 triệu cổ phiếu mà doanh nghiệp này mới phát hành riêng lẻ hồi đầu năm bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
Mặt khác, cổ phiếu chủ yếu do cổ đông lớn BCG sở hữu, cổ đông nội bộ cầm, việc mua, hay bán đều phải công bố thông tin, nên thực chất, lượng cổ phiếu lưu hành của TCD được dự đoán chỉ vào khoảng vài triệu cổ phiếu.
Cùng với biến động giá tăng mạnh, TCD cũng nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xin cấp phép phát hành tăng vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1, với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu bán thành công, Tracodi sẽ huy động được khoảng 872 tỷ đồng.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc TCD trở thành cổ phiếu đại chúng hơn khi đồng thời cổ phiếu phát hành chiến lược hết phong tỏa, cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu được tự do chuyển nhượng.
Khi cổ phiếu lưu hành tăng lên 50%, cuộc chơi của TCD sẽ do thị trường quyết định, giá cổ phiếu sẽ chủ yếu phụ thuộc vào tiềm năng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Nói về cổ phiếu thanh khoản thấp, giá tăng cao trong thời gian qua, không thể không nhắc đến hai cổ phiếu thuộc “họ” Sunshine Group, đó là SSH và SCG. Cả hai mã này đều đăng ký giao dịch trên UPCoM, tăng trần liên tục sau khi lên sàn với thanh khoản vài trăm cổ phiếu mỗi phiên. Khi đã đạt mức giá gấp đôi so với giá khởi điểm, lượng giao dịch tăng lên, cổ phiếu giảm giá mạnh rồi lại tăng trở lại. Những pha kéo, xả như vậy khiến một bộ phận nhà đầu tư liều lĩnh gia nhập cuộc chơi với tính toán sẽ chạy đúng sóng để thu lời.
Mới xuất hiện trên thị trường hơn nửa năm, nhưng Louis đã tập hợp được quanh mình họ cổ phiếu với những cái tên như TGG, AGM, BII, tới đây là SMT…
Những cổ phiếu này thanh khoản lẹt đẹt, thị giá nằm dưới xa mệnh giá, nhưng dưới bàn tay phù phép của các “tay to”, giá cổ phiếu chạy vùn vụt, thanh khoản cũng tăng kéo theo một bộ phận nhà đầu tư tham gia.
Bỏ vốn vào những cổ phiếu “ruồi” như vậy, nếu may mắn có thể “ăn lãi” bằng lần, nên khi cổ phiếu có dấu hiệu “chạy” là nhiều nhà đầu tư không bỏ lỡ cơ hội “lên tàu”.
Nói về nhóm cổ phiếu mang tính chất đầu cơ này, chuyên gia chứng khoán Đào Phúc Tường nhận xét, thời gian qua, nhiều cổ phiếu là công cụ để niêm yết cửa sau, đa phần các cổ phiếu này có giá thị trường loanh quanh ở vùng 3.000 - 4.000 đồng/cổ phiếu, nhưng nhờ “một phút hoá rồng”, có khi chạy hẳn lên 7.000 - 9.000 đồng/cổ phiếu, xét về tỷ suất lợi nhuận thì rất cao.
Dù vậy, vẫn có yếu tố không lường trước được nên nhà đầu tư cần nghiên cứu rất kỹ, chờ cổ phiếu hút được dòng tiền thì mới nên giải ngân.
Cũng theo ông Tường, những nhà đầu tư có giá trị tài khoản 50 - 70 tỷ đồng ít chú ý đến các cổ phiếu này vì thanh khoản thấp, nhưng với nhà đầu tư có tài khoản dưới 2 tỷ đồng thì đây là nhóm có thể mang lại lợi nhuận cao.
“Một cổ phiếu giải ngân từ 100 - 200 triệu đồng thì cũng ổn”, ông nói.
Những nhà đầu tư lớn khi mua những cổ phiếu có thanh khoản thấp thường phải chiết khấu giá 20% (so với cổ phiếu thanh khoản tốt) cả chiều mua và bán để loại trừ rủi ro thanh khoản. Ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment
Trong khi đó, ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment cho hay, cổ phiếu thanh khoản thấp cũng có những cổ phiếu tốt, tăng trưởng. Dù vậy, với những nhà đầu tư lớn như, khi mua những cổ phiếu này thường phải chiết khấu giá 20% (so với cổ phiếu thanh khoản tốt) cả chiều mua và bán để loại trừ rủi ro thanh khoản.
Rủi ro thanh khoản đối với nhiều nhà đầu tư là kinh nghiệm xương máu. Một nhà đầu tư có quy mô giá trị tài sản ròng (NAV) hơn 100 tỷ đồng kể, bà mua cổ phiếu LAF (của Công ty cổ phần Lafoco) cách đây nhiều năm với giá 13.000 đồng/cổ phiếu.
Khi ấy, nhóm nhà đầu tư có liên quan với ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Chứng khoán SSI nắm đa số cổ phần.
Họ gom dần cổ phiếu và đến nay, ngoài nhóm nhà đầu tư này, chỉ còn bà nắm cổ phần lớn ở LAF. Nhóm nhà đầu tư kia nhiều lần đặt vấn đề mua lại lô cổ phiếu của bà nhưng lại chỉ trả giá rất bèo, bằng ½ mức giá bà đã mua và cũng bằng 1/2 so với thị giá cổ phiếu trên sàn.
Oái ăm là họ nhốt thanh khoản lại để hiện giờ mỗi phiên giao dịch chỉ có vài trăm cổ phiếu, hoặc 1.000 - 2.000 cổ phiếu/phiên. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất của cổ phiếu LAF (tính đến ngày 26/8/2021) là 1.199 đơn vị. Với thanh khoản nhỏ giọt như vậy, nếu muốn bán hết số cổ phần đang nắm giữ theo phương thức khớp lệnh trên sàn, nhà đầu tư trên sẽ mất cả năm trời.
Mà những cổ phiếu dạng như vậy không có tính thị trường nên khả năng tăng giá hay giảm giá hoàn toàn trong tay nhóm cổ đông chi phối doanh nghiệp. “Đúng là bỏ thì thương, vương thì tội”, nhà đầu tư này than thở.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận