24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nhật Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đầu tư vàng khó thua lỗ?

Hoạt động đầu tư vàng thường nhằm vào lý do chính yếu như công cụ trú ẩn khi kỳ vọng lạm phát gia tăng, hoặc đa dạng hóa danh mục đầu tư khi bất ổn kinh tế gia tăng. Vì vậy trong gần 7 tháng năm 2020, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 24% kể từ đại dịch Covid-19, và cùng thời điểm này giá vàng trong nước cũng tăng 21,8%.

Vàng thế giới trong xu hướng tăng

Bất ổn kinh tế toàn cầu gây ra những lo ngại về suy thoái kinh tế thế giới, là lý do một số nền kinh tế trụ cột như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu… đẩy giá vàng liên tục gia tăng.

Nếu tính từ khi Donald Trump làm tổng thống với chính sách “công bằng trong thương mại quốc tế” với Mỹ, đã tạo ra những bất ổn trong kinh tế, kéo giá vàng tăng 58,7%/3,5 năm, tương đương 16,8%/năm.

Đó là bằng chứng cho thấy nhà đầu tư toàn cầu luôn xem vàng là công cụ đầu tư được thêm vào danh mục đầu tư, nhằm đa dạng hóa danh mục nắm giữ. Điều đó đã làm cầu về vàng tăng cao, đưa đến sự gia tăng giá vàng thế giới.

Những diễn biến gần đây khi đại dịch Covid-19 tái nhiễm ở một số quốc gia được cho đã kiểm soát được dịch bệnh, lại càng gây lo ngại những bất ổn suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra cao hơn. Trong khi đó, nhiều quốc gia vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh như Mỹ, đã làm mối lo ngại của kinh tế Mỹ suy thoái càng cao và sự suy yếu của đồng USD cũng là lý do củng cố cho giá vàng đi lên.

Tiếp nối đại dịch Covid-19, vấn đề Hồng Kông tiếp tục được đưa vào tâm điểm chú ý của nhà đầu tư vàng, khi những biện pháp trừng phạt Trung Quốc của nhóm G7, đặc biệt Mỹ càng làm bất ổn kinh tế leo thang. Không chỉ những nền kinh tế của nước trừng phạt và các nước bị trừng phạt, nguy cơ suy thoái tác động lan truyền sang các nền kinh tế dễ bị tổn thương khác.

Việt Nam là một trong số các quốc gia có cầu vàng rất lớn trong nền kinh tế, lo ngại cho tác động này đã khiến người dân tiếp tục mua vàng. Cầu vàng càng mạnh, chênh lệch giá mua bán vàng được niêm yết (spread) càng lớn.

Một số tác nhân gây ra lo ngại khác đến từ những sự kiện: (1) Ngân hàng Venezuela kiện Ngân hàng Anh không trao trả 1 tỷ USD bằng vàng cho đất nước này, khi Tòa án Anh đưa phán quyết không trao trả vàng trị giá 1 tỷ USD cho ngân hàng Venezuela , với lý do không công nhận ông Maduro là thổng thống nước này. (2) 83 tấn vàng giả từ Trung Quốc do Công ty Kinggold Jewelry được 1 quân nhân trong Quân đội Giải phóng Nhân dân là Jia Zhihong, hợp tác với Ngân hàng Trung Quốc, lấy số vàng này làm bảo chứng cho 14 chi nhánh tài chính của Trung Quốc vay…

Nhìn vào hoạt động của Quỹ vàng thế giới SPDR thời gian qua liên tục mua vào, cũng sẽ thấy sự lo ngại cho những bất ổn đó. Kể từ đầu năm 2020, tổng lượng vàng mua ròng của quỹ này đạt 295,35 tấn. Tính đến 7-7, quỹ này đang dự trữ số vàng lên đến 1.199,36 tấn, mức kỷ lục kể từ đợt suy thoái kinh tế 2008-2009. Điều này cho thấy tổ chức này đang tìm kiếm các tài sản an toàn nhằm tránh rủi ro trước bất ổn kinh tế thế giới hiện nay.

Kịch bản giảm giá vàng chờ thời gian

Những quan ngại về giá vàng giảm cũng thể hiện trên thị trường thế giới, như vấn đề giảm phát trong kinh tế, hay có sự gián đoạn trong thị trường giao ngay vàng vật chất và thị trường vàng giấy (thị trường phái sinh).

Song rủi ro từ sự gián đoạn này được đánh giá là khá thấp nhưng không có nghĩa không tồn tại. Đứng trước những khó khăn trong kinh tế, một số quốc gia cần sử dụng lượng vàng dự trữ đang được gửi tại các quốc gia lớn như Mỹ, Anh. Nếu điều này xảy ra có tính hệ thống, sẽ đưa đến sự thiếu hụt về vàng vật chất đảm bảo cho công cụ vàng giấy.

Tuy nhiên, lý do khác cho những lo ngại này đến từ sự suy thoái kinh tế đi kèm với giảm phát nền kinh tế toàn cầu. Tỷ lệ thất nghiệp đang rất cao dù việc giãn cách xã hội đã được dỡ bỏ phần lớn trong các nền kinh tế. Đi kèm với thất nghiệp cao là tình trạng tỷ lệ nợ lớn gây ra sự suy giảm kép trong tiêu dùng.

Những hoạt động kích thích nền kinh tế đang được nhiều chính phủ các nền kinh tế lớn đưa ra vẫn chưa thấy tác động tích cực của nó… lại gây ra những lo ngại trong dài hạn về nguy cơ giảm phát. Nếu điều này diễn ra, vàng sẽ có kịch bản tồi tệ như bao hàng hóa khác.

Như vậy, nếu nhìn về kịch bản giảm giá của vàng, nhà đầu tư có thể ước lượng được xác suất xảy ra cho kịch bản giảm giá vàng khá thấp, để đặt cược cho kịch bản tăng giá của vàng.

Cơ hội giá vàng trong nước thẳng tiến

Vậy kịch bản nào cho giá vàng Việt Nam? Bỏ qua tác động từ giá vàng thế giới, nhìn vào việc quản lý thị trường vàng của NHNN. Theo đó, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định rõ vai trò điều tiết thị trường vàng của NHNN khi nhập khẩu vàng vật chất của thế giới để sản xuất ra vàng miếng bán ra thị trường trong nước.

Bỏ qua những biến động bất lợi trong ngắn hạn của giá vàng thế giới, người mua vàng đã có lợi nhuận 21,8% trong 7 tháng qua.

Về phía các công ty kinh doanh vàng, đặc biệt là kinh doanh vàng miếng, liệu có giảm giá bán theo giá thế giới trong khi ảnh hưởng đến toàn bộ lượng vàng tồn kho đang kinh doanh, thậm chí lượng tồn kho đang có giá vốn cao?Câu hỏi được đặt ra sau hành động mua vàng của NHNN: giá vàng thế giới quay đầu giảm giá, nghĩa là lượng vàng tồn kho đã bị lỗ. Vậy với trách nhiệm giải trình, NHNN có chấp nhận bán ra số vàng đã mua theo giá thế giới, hay chấp nhận sự chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước với giá thế giới?

Như vậy, về yếu tố hành vi, gần như toàn bộ hệ thống kinh doanh vàng sẽ không mua vàng từ NHNN với giá thấp. Hoặc do giá trị định giá trên lượng tồn kho vàng đang nắm giữ, các công ty kinh doanh vàng sẽ không thể giảm giá vàng trong nước, làm xuất hiện chênh lệch giá vàng cao trong nước so với thế giới.

Nếu có bằng chứng cho thấy chênh lệch giá vàng trong nước cao hơn thế giới gây ra áp lực lên tỷ giá ngoại tệ, NHNN sẽ bình ổn thị trường này một cách chính danh hơn. Thay vì cũng xuất ra ngoại tệ mua vàng thế giới để bán lại cho nhu cầu người dân với giá thấp gây thua lỗ trong hoạt động vàng nhằm thu hẹp chênh lệch với giá thế giới, NHNN sẽ xuất ngoại tệ để bình ổn tỷ giá nếu có tác động bất lợi từ chênh lệch này.

Bên cạnh đó, việc duy trì hoạt động của thị trường vàng truyền thống theo Nghị định 24, vô hình chung NHNN đã tạo ra cơ hội kiếm tiền cho các công ty kinh doanh vàng miếng bằng chênh lệch giá mua bán trong cùng thời điểm do chính vàng mình sản xuất ra.

Thay vì thiết lập sàn giao dịch vàng miếng được chuẩn hóa từ Nghị định 24, NHNN sẽ thu phí giao dịch thông qua hoạt động mua và bán của chính nhà đầu tư tham gia. Nay khoản phí này được tồn tại dưới dạng chênh lệch mua bán để vào tay các trung gian kinh doanh vàng miếng.

Chính vì bản chất của Nghị định 24 đã đưa đến hành xử cho những người mua vàng. Giá vàng càng cao họ càng mua, miễn là xu hướng cơ bản vẫn hỗ trợ cho giá thế giới tăng. Do vậy, bằng việc nhận định xu hướng giá vàng thế giới trong trung hạn tăng, bất chấp những dao động bất lợi trong ngắn hạn, người mua vàng sẽ ít bị lỗ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả