Đầu tư PPP: “Bài toán khó” không của riêng Việt Nam
Đầu tư theo hình thức PPP vẫn đang là bài toán khó” không chỉ với Việt Nam, mà ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước phát triển.
Hiện nay tỷ lệ thành công – thất bại với mô hình này đang ở mức 50-50, vì vậy việc học hỏi kinh nghiệm từ cả 2 phía là rất quan trọng để Việt Nam tìm ra mô hình đầu tư phù hợp nhất trong bối cảnh hiện tại. Vừa qua, các chuyên gia quốc tế cũng đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm để hỗ trợ Việt Nam hoá giải rủi ro đầu tư PPP.
Thành công từ bối cảnh tương đồng với Việt Nam
Mang những câu chuyện về kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư tới Việt Nam, đại diện Công ty Luật Kim & Chang (Hàn Quốc) cho biết, nguồn vốn Chính phủ bỏ ra cho các dự án PPP trong giai đoạn vừa qua chỉ chiếm khoảng 1/3, còn lại kêu gọi từ khu vực tư nhân.
Nhìn lại 25 năm thực hiện Luật PPP, đã có 651 dự án được thực hiện với số vốn 1.000 tỷ won, tương đương khoảng gần 100 tỷ USD, chủ yếu trong xây dựng đường cao tốc và đường sắt (chiếm 98%)… giúp Hàn Quốc sớm có được các cơ sở hạ tầng quan trọng, đồng thời gia tăng hiệu quả đầu tư thông qua các sáng tạo của khu vực tư nhân. Thu hút đầu tư theo hình thức PPP cũng như một chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế quốc gia, góp phần giúp Hàn Quốc vượt qua khủng hoảng kinh tế, giảm tỷ lệ nợ của Chính phủ.
Điều đáng nói là các chuyên gia Hàn Quốc chia sẻ, bối cảnh thu hút vốn đầu tư PPP của nước này khá tương đồng với Việt Nam. Theo đó, những năm 1980 kinh tế Hàn Quốc bắt đầu phát triển rất nhanh chóng với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chất bán dẫn, kéo theo nhu cầu đầu tư của các ngành liên quan bắt đầu tăng lên. Chính sách phát triển quốc gia phúc lợi dẫn tới, nguồn ngân sách đầu tư các công trình phúc lợi tăng cao. Nhu cầu sử dụng cơ sở hạ tầng giao thông của người dân cũng tăng cao, nhưng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này không được đảm bảo và buộc phải tính tới việc huy động vốn tư nhân.
“Khi thực hiện dự án PPP, Chính phủ cũng gặp phải những áp lực từ dư luận xã hội, nhiều khi không đồng thuận vì cho rằng chi phí dự án cao, NĐT được quá nhiều ưu đãi… Để đạt được đồng thuận, cách tốt nhất là kiểm soát tốt, chọn dự án hiệu quả cao, tăng tính cạnh tranh trong thực hiện dự án…”, đại diện Công ty Luật Kim & Chang cho hay.
Hơn thế phải đảm bảo chia sẻ rủi ro để NĐT yên tâm bỏ vốn. Vì vậy pháp luật về PPP của Hàn Quốc được sửa đổi năm 1998 cho phép áp dụng bảo lãnh doanh thu tối thiểu. Hàn Quốc cũng chấp nhận cả những dự án PPP do NĐT đề xuất bên cạnh dự án do Chính phủ lập danh mục. Nhà nước tham gia hỗ trợ các dự án PPP để duy trì phí sử dụng ở mức phù hợp. Vốn hỗ trợ được xác định trong từng hợp đồng thông qua đàm phán, riêng trong lĩnh vực đường sắt có thể chiếm 50% tổng mức đầu tư.
Các chuyên gia Hàn Quốc chia sẻ, trong bước đầu tiên thực hiện dự án, nước này lo ngại vấn đề cân đối ngân sách nếu phải kêu gọi vốn nước ngoài, song rất may trong quá trình thực hiện, chỉ cần huy động vốn trong nước. Vì vậy, khuyến nghị đưa ra cho Việt Nam là nếu thực hiện dự án PPP mà phải kêu gọi vốn nước ngoài thì sẽ có những vấn đề phức tạp nhất định.
“Tóm lại, 2 yếu tố quan trọng nhất khi thực hiện dự án PPP là làm thế nào giảm thiểu hoặc chia sẻ rủi ro; làm thế nào kêu gọi các nguồn vốn dài hạn thực hiện dự án”, đại diện công ty Luật Kim & Chang kết luận.
Thất bại dù tiềm lực mạnh
Ở chiều ngược lại, trường hợp của nước Đức lại cho thấy một góc nhìn khác về PPP. Mặc dù thuộc nhóm quốc gia phát triển với tiềm lực kinh tế vững mạnh, song nước Đức lại không mấy thành công khi thực hiện mô hình PPP. GS-TS. Roland Fritz - nguyên Chánh án Tòa Hành chính Frankfurt đánh giá, PPP là một mối quan hệ khó khăn ở Đức.
Đơn cử, mục tiêu Chính phủ Liên bang đặt ra năm 2005 là nâng tỷ lệ PPP trong tổng đầu tư công lên thành 15%. Tuy nhiên đến năm 2019, mức đạt được thấp hơn mục tiêu rất nhiều, với tỷ lệ PPP chỉ vào khoảng 2%. Từ năm 2002 đến 2016, đầu tư công cho xây dựng đạt 461 tỷ Euro, trong khi tổng đầu tư PPP lại chỉ đạt 9 tỷ Euro.
Thực tế cũng cho thấy, tại Đức các ưu điểm của mô hình PPP chỉ thực hiện được ở các công trình có quy mô khá nhỏ. Các nhược điểm chiếm phần nhiều ở các công trình lớn, với nhiều khó khăn ở chi phí giao dịch, tính toán lợi tức dựa trên hiệu quả bị bóp méo và dễ bị thao túng, đội chi phí… Năm 2014, cơ quan Kiểm toán Nhà nước Liên bang đã thực hiện kiểm toán 6 dự án đường cao tốc được thực hiện theo hình thức PPP, kết quả cho thấy có tới 5 dự án tốn kém thêm hơn 1,9 tỷ Euro so với thực hiện thông thường.
“Tóm lại, đầu tư theo mô hình PPP là hệ thống rất phức tạp, chi phí cao, không đạt các mục tiêu thời hạn, không minh bạch trong thiết kế hợp đồng, thời gian thủ tục trọng tài kéo dài nếu phát sinh tranh chấp”, TS. Roland Fritz kết luận.
Các chuyên gia trong nước cho rằng, đối với các mô hình đầu tư PPP, việc đảm bảo nguồn vốn lớn trong thời gian dài hạn là rất khó khăn. Vì vậy, đối với hầu hết các quốc gia đã thành công, trong thời gian đầu để kêu gọi vốn lớn thì tất cả các cơ quan tài chính, hệ thống ngân hàng phải phối hợp với nhau mới cung cấp được nguồn vốn đủ lớn. Bên cạnh đó, còn phải có các chính sách hỗ trợ và ưu đãi thuế của Chính phủ làm “bệ đỡ” để các tổ chức cung cấp tài chính vững tin vào hiệu quả của dự án.
TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý, kinh nghiệm từ các quốc gia thành công cho thấy, trong quá trình thực hiện dự án PPP, Nhà nước phải luôn chia sẻ rủi ro với NĐT thông qua hợp đồng đã ký. Cái được lớn nhất trong dự án PPP là sau thời gian thực hiện hợp đồng thì NĐT được hoàn vốn, còn Nhà nước có cơ sở hạ tầng để phục vụ xã hội theo yêu cầu của mình.
Như vậy, trong hợp đồng PPP, Nhà nước bình đẳng với DN nên phải có trách nhiệm bảo mật thông tin của hợp đồng. Ngoài ra theo ông Kiên, bối cảnh chúng ta xây dựng dự án Luật PPP hiện nay khác với các quốc gia đi trước như Hàn Quốc, do đó có nhiều hình thức hợp đồng cần được cân nhắc áp dụng cho phù hợp với bối cảnh riêng của Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận