menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Kim Oanh

Đầu tư nước ngoài năm 2019: Thận trọng trước các xu hướng mới

Không có quá nhiều biến động lớn, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã khép lại năm 2019 với kết quả chung cuộc khá ấn tượng.

Theo đó, tính đến ngày 20/12, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018. Những xu hướng dịch chuyển của dòng vốn ngoại, dù không lớn, cũng đang đặt ra yêu cần sớm hoàn thiện chính sách để tận dụng hiệu quả nguồn lực này.

Lo dự án nhỏ lan tỏa kém

Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, số lượng dự án đăng ký mới trên cả nước tăng tới 27,5% so với cùng kỳ năm 2018, với 3.883 dự án. Tuy nhiên, tổng vốn đăng ký cấp mới lại giảm 6,8% so với cùng kỳ, đạt 16,75 tỷ USD. Kéo theo đó, quy mô vốn đăng ký bình quân của dự án đã giảm từ 5,9 triệu USD năm 2018 xuống còn 4,3 triệu USD năm 2019.

Xu hướng li ti hoá quy mô của dự án FDI ngày càng rõ nét hơn. Xét trong quãng thời gian 10 năm, quy mô dự án mới đã sụt giảm gấp hơn 3 lần. Nếu như năm 2008, vốn bình quân của dự án FDI đăng ký mới là 19 triệu USD, thì tới năm 2014 chỉ còn xấp xỉ 10 triệu USD, sau đó tiếp tục giảm còn 7,7 triệu USD vào năm 2015.

Tương tự như vậy, quy mô điều chỉnh mở rộng vốn của các dự án cũng nhỏ dần đi. Tính chung trong cả năm qua, có 1.381 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn, tăng 18,1% về số lượng so với cùng kỳ năm 2018; song tổng vốn đăng ký điều chỉnh 5,8 tỷ USD, lại giảm 23,6% so với cùng kỳ. Như vậy, bình quân quy mô điều chỉnh mở rộng của các dự án là 4,2 triệu USD/lượt, nhỏ hơn mức bình quân của năm 2018 là 6,5 triệu USD/lượt, và không có dự án tăng vốn lớn như trong cùng kỳ năm 2018. Dự án điều chỉnh vốn lớn nhất trong năm qua là LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 410 triệu USD.

GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài lo ngại, quy mô vốn bình quân của cả dự án đăng ký mới và điều chỉnh vốn đều chỉ ở mức 4 triệu USD, trong khi còn có rất nhiều những dự án chỉ 1 triệu USD. Như vậy, rất khó có thể trông đợi vào việc chuyển giao công nghệ từ các DN đầu tư nước ngoài cho nền kinh tế, trong khi đây lại là định hướng mà Việt Nam đặt lên hàng đầu từ dòng vốn này trong giai đoạn tới.

Trên thực tế, các địa phương cũng khó có thể từ chối các dự án quy mô nhỏ, vì quy định hiện nay không cấm đăng ký vốn nhỏ, miễn là dự án không gây tác động xấu tới môi trường. Bên cạnh đó, hiện nay cũng chưa có định nghĩa rõ ràng về công nghệ cao, công nghệ nguồn và chưa có mức ưu tiên cụ thể để các địa phương có thể sàng lọc và lựa chọn dự án phù hợp.

Quản lý M&A còn đơn giản?!

Một xu hướng đáng chú ý khác là đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần có tiếp tục tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể trong năm 2019 có 9.842 lượt góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp 15,47 tỷ USD, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký.

Nếu như năm 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,2% tổng vốn đăng ký, thì năm 2018 con số này tăng lên 27,9%; và tới năm 2019 tiếp tục tăng lên chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký. Các NĐT nước ngoài tham gia góp vốn vào các DN trong nước chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 45,8% tổng giá trị và kinh doanh bất động sản với 17,8% tổng giá trị.

Ngay tại 2 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thì vốn nước ngoài đầu tư theo hình thức M&A cũng chiếm tỷ lệ áp đảo. Cụ thể, Hà Nội thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với 8,45 tỷ USD, chiếm 22,2% tổng vốn đầu tư; trong đó vốn thông qua M&A chiếm tới 76,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, đạt 6,47 tỷ USD. Tương tự như vậy, TP. Hồ Chí Minh đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn ngoại với gần 8,3 tỷ USD, chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư; trong đó vốn đầu tư theo phương thức M&A chiếm 67,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của thành phố, và chiếm 58,1% tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của cả nước.

Vốn nước ngoài vào Việt Nam theo hình thức M&A đang tăng lên rất nhanh và đã chiếm gần 50% tổng số vốn nước ngoài trong năm qua. Tuy nhiên đây cũng là vấn đề làm đau đầu các cơ quan quản lý tại địa phương. Bởi lẽ Luật Đầu tư vẫn quy định khá đơn giản về hình thức này, với trình tự thủ tục, hồ sơ đơn giản; NĐT không bắt buộc phải đăng ký đầu tư… Hoặc về quản lý dòng tiền, hiện không có quy định NĐT phải thực hiện góp vốn thông qua tài khoản theo quy định về quản lý ngoại hối, vì vậy không có cơ sở pháp lý để xem xét dòng tiền góp vốn của NĐT nước ngoài có thực chất hay không.

Một dấu hiệu khác cần cảnh báo là tốc độ giải ngân vốn đã chậm lại so với các năm trước. Trong năm 2019, ước tính các dự án FDI đã giải ngân 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018. Con số giải ngân này đã ghi dấu một kỷ lục mới và theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh suy giảm chung của dòng FDI toàn cầu, việc vẫn duy trì được mức tăng trưởng vốn thực hiện là thành quả đáng khích lệ. Tuy nhiên cần phải nhìn nhận rằng mức tăng đã suy giảm so với năm 2017 và 2018 (năm 2017 vốn thực hiện tăng 10,7% so với năm 2016, năm 2018 vốn thực hiện tăng 9,1% so với năm 2017).

Một chuyển biến khác trong tháng cuối năm là Hàn Quốc đã có bước bứt phá để dẫn đầu về nguồn vốn cam kết đầu tư vào Việt Nam, dù trong suốt 11 tháng đầu năm Hồng Kông luôn dẫn đầu. Cụ thể, vốn đăng ký đầu tư từ Hàn Quốc là 7,92 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư. Hồng Kông đứng thứ hai với 7,87 tỷ USD; Singapore đứng thứ ba với 4,5 tỷ USD. Đây cũng là năm đầu tiên sau nhiều năm, Nhật Bản không nằm trong top 3 NĐT nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Trong khi đó, đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 1,65 lần, từ Hồng Kông tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Tính chung trong năm 2019, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 35,86 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 33,8 tỷ USD không kể dầu thô. Như vậy, thặng dư thương mại từ khu vực đầu tư nước ngoài là nguồn bù đắp cho phần nhập siêu 25,9 tỷ USD của khu vực DN trong nước, khiến cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư 9,9 tỷ USD.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại