Đầu tư... nhầm tên
Cứ tưởng những người chơi chứng khoán là rất cẩn thận, mua cổ phiếu nào là đã nghiên cứu đủ loại thông tin về cổ phiếu đó. Ai ngờ hiện tượng mua cổ phiếu do nhầm tên là khá phổ biến, đẩy những công ty bị nhầm vào chỗ dở cười dở khóc.
Gần đây nhất là việc nhầm lẫn giữa cổ phiếu Clubhouse, một mạng xã hội dựa trên giọng nói đang nổi lên và ClubHouse, một hãng truyền thông tiếp thị chuyên nhắm đến các người nổi tiếng trên mạng xã hội. Trong khi ứng dụng Clubhouse đang phát triển nhanh như thổi, giá trị thị trường tăng vọt gấp 10 lần so với lần định giá cách đây sáu tháng thì hãng ClubHouse vẫn bình bình không có gì đặc biệt. Thế nhưng do nhiều nhà đầu tư nhầm hai cổ phiếu này với nhau nên giá cổ phiếu ClubHouse tiếp thị tăng đến cả 1.000% từ đầu năm đến nay. Clubhouse mạng xã hội chưa niêm yết, còn ClubHouse tiếp thị niêm yết với mã CMGR, thị giá tăng từ 225 triệu đô la vào đầu tháng 1 nay lên đến 2,5 tỉ đô la vào ngày 17-2.
Trước đó, khi nhiều người từ bỏ ứng dụng nhắn tin WhatsApp của Facebook nhảy qua ứng dụng Signal có mã hóa hai đầu do lo ngại chuyện bảo mật, trị giá của Signal tăng vọt cùng với số lượng người dùng đột biến. Đó là chuyển động đương nhiên của thị trường nhưng cổ phiếu của Signal Advance, một công ty không liên quan gì đến nhắn tin qua mạng cũng tăng vọt theo một cách kỳ lạ. Signal Advance là một hãng sản xuất thiết bị nhỏ, cổ phiếu giao dịch trên thị trường OTC, ít ai biết. Chỉ do trùng tên với ứng dụng Signal mà cổ phiếu của Signal Advance tăng như tên lửa: giá vào ngày 6-1 chỉ là 60 xu thì đến ngày 11-1 tăng thành 70,85 đô la. Tự nhiên một công ty không có đồng doanh thu nào trong năm 2015 và 2016 nay bỗng có giá trị đến hơn 3 tỉ đô la.
Đôi lúc việc nhầm lẫn dẫn tới xáo động thị trường nên cơ quan quản lý chứng khoán phải can thiệp như lần mọi người nhầm giữa Zoom Video, công ty có ứng dụng Zoom cho phép mọi người tổ chức họp trực tuyến với Zoom Technologies. Zoom Technologies chỉ có trị giá chừng 31 triệu đô la so với 40 tỉ đô la của Zoom Video - nhưng do nhà đầu tư vội vàng không xem mã cổ phiếu nên tranh nhau mua, đẩy giá Zoom Technologies lên gấp 3 lần trong vòng mấy tuần ngắn ngủi. Cuối cùng Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ phải tạm ngưng giao dịch Zoom Technologies để tránh thiệt hại cho nhà đầu tư.
Không chỉ nhầm lẫn do cổ phiếu của một công ty nào đó có sự phát triển đột biến như Zoom hay Signal, nhiều nhà đầu tư cũng nhầm vì nhiều lý do khác nhau, nhiều nhất là do mã cổ phiếu bị nhầm với tên công ty. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Thị trường Tài chính, 25% công ty có tên hay mã giao dịch gần giống nhau có sự chuyển động giá cổ phiếu như nhau và giao dịch do nhầm tên chiếm đến 5% tổng giao dịch trên thị trường. Ví dụ nhiều người khi thấy mã cổ phiếu FORD cứ tưởng đây là cổ phiếu của hãng xe hơi nổi tiếng trong khi thật ra đó là mã cổ phiếu của hãng Forward Industries chuyên thiết kế và phân phối sản phẩm trong ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng. Mã của hãng Ford xe hơi là “F”.
Các nhà nghiên cứu theo dõi 254 cặp công ty có tên hay mã gần giống nhau, có thể gây nhầm lẫn với nhà đầu tư, ví dụ như BBBY (Bed Bath & Beyond) và BED (Bedford Property Investors).
Họ thấy một tỷ lệ lớn các cặp này biểu lộ khối lượng giao dịch như nhau, có nghĩa khi nhà đầu tư tăng giao dịch cổ phiếu công ty lớn vì lý do nào đó thì cổ phiếu công ty nhỏ gần trùng tên cũng tăng tương ứng. Họ theo dõi các thời điểm như công bố kết quả kinh doanh, mua bán sáp nhập hay bổ nhiệm nhân sự mới, ghi nhận khối lượng giao dịch 10 phút sau đó trong giai đoạn từ năm 1993-2013.
Các nhà nghiên cứu cho biết ý tưởng cho công trình này xuất phát từ một nhầm lẫn xảy ra vào năm 2013 khi Twitter công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng để chuẩn bị niêm yết. Thế là cổ phiếu của công ty Tweeter Home Entertainment tăng vọt 1.800% chỉ vì giới đầu tư tưởng đó là tên của mạng xã hội Twitter.
Việc nhầm lẫn cũng thường xảy ra khi cổ phiếu liên quan có sự can thiệp của các hãng lớn, có tên tuổi. Chẳng hạn khi Google vừa tuyên bố mua lại hãng Nest Labs với giá 3,2 tỉ đô la, giá cổ phiếu có mã NEST tăng vọt nhưng đây không phải là mã của hãng Nest Labs. Lạ một điều là mã NEST thuộc về công ty Nestor Inc, đã gần như phá sản từ năm 2009 vì chủ đã bán hết tài sản, cổ phiếu không giao dịch, giá chỉ còn vài xu. Thế mà do sức hút của cái tên Google, giá cổ phiếu Nestor tăng 1.900% trước khi sụt lại như cũ.
Việc đầu tư do nhầm tên như thế ắt còn diễn ra dài dài, nhất là với sự tham gia của giới đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, tìm cách làm giàu nhanh chóng qua thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận