Đầu tư hơn nửa tỉ USD cho xe buýt điện thông minh
Dự án sẽ đầu tư sản xuất, vận hành hệ thống xe buýt chạy bằng điện và thiết kế phù hợp với hạ tầng giao thông TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung.
20.000 xe buýt điện sản xuất trực tiếp tại TP.HCM
Đó là dự án đầu tư Hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt điện thông minh - BRT Smart Bus, kết nối IOT của Công ty Công nghệ DATAM giới thiệu tại Hội thảo “Trao đổi xúc tiến đầu tư và chuyển giao công nghệ xe buýt điện thông minh tại TP.HCM” mới đây.
Theo đó, dự án sẽ đầu tư sản xuất, vận hành hệ thống xe buýt được chạy bằng điện, được thiết kế phù hợp với hạ tầng giao thông Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, giúp cho người dân thành phố có phương tiện công cộng thông minh, thuận tiện và thân thiện với môi trường.
Xe buýt điện DATAM là loại xe cỡ trung, có thể chở được tổng cộng 17 người (bao gồm lái xe, một ghế dành riêng cho người tàn tật và 15 chỗ ngồi khác). Xe có chiều rộng 1,49 m và cần một làn riêng khoảng 1,5 m để vận hành, chỉ chiếm khoảng 60% chiều rộng đường của làn xe buýt thông thường.
Công nghệ sản xuất xe buýt điện sẽ được chuyển giao để trực tiếp sản xuất tại TP.HCM, với mức giá chỉ bằng 20% so với xe buýt hiện nay, tiết kiệm rất lớn nguồn lực đầu tư ban đầu của thành phố và đảm bảo cho các công ty vận tải được bảo hành sửa chữa tại chỗ. Nhờ vậy, hình thành thêm một ngành công nghiệp mới, tạo ra nhiều việc làm và phát triển công nghệ xanh cho thành phố, hướng đến xuất khẩu xe buýt điện thông minh cho các nước trong khối ASEAN. Dự án cũng sử dụng Hệ thống đèn đường chiếu sáng LED năng lượng mặt trời thông minh, camera AI, wifi AP…
Đại diện DATAM thông tin dự án có tổng vốn đầu tư 525 triệu USD từ nguồn vốn Quỹ khí hậu Xanh (GCF). Trong đó dự kiến đầu tư 300 triệu USD để sản xuất 20.000 xe buýt điện và 225 triệu USD dành để trang bị đèn đường LED năng lượng mặt trời thông minh tích hợp camera AI, wifi miễn phí. Trong giai đoạn đầu, chi phí đầu tư thí điểm cho một tuyến đường 2 chiều với khoảng cách 30 km là khoảng 10 triệu USD.
Ông James Lee, Chủ tịch DATAM cho biết: “Mục tiêu của dự án đầu tư BRT Smart Bus nhằm giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng; giúp người dân thành phố và khách du lịch, người nước ngoài đang đầu tư, sinh sống, làm việc tại TP.HCM được tiếp cận, sử dụng phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường; chuyển đổi phương tiện di chuyển cá nhân như xe máy, ô tô sang đi xe buýt điện nhanh bằng công nghệ 4.0 giúp kết nối, di chuyển nhanh trong thành phố”.
Giải bài toán kẹt xe, ô nhiễm môi trường
Theo ông Lê Hải Phong Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP.HCM: Dù thành phố đã và đang nỗ lực tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhưng tốc độ phát triển hạ tầng giao thông mới chỉ đạt 2%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng phương tiện mỗi năm là 10%.
Khả Hòa |
Hiện trạng giao thông thành phố ùn tắc nghiêm trọng, ước tính gây thiệt hại khoảng 1,5 tỉ USD mỗi năm, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Không chỉ thế, ùn tắc giao thông kéo theo ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó 70% nguyên nhân là phát thải carbon từ các phương tiện giao thông. Chính vì vậy, giải quyết được bài toán kẹt xe và phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt điện nhanh là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả vượt trội, cơ bản giảm được ô nhiễm môi trường, giúp thành phố thực hiện được mục tiêu tăng trưởng xanh.
"Việc xã hội hóa đầu tư và ứng dụng công nghệ thông minh là một yêu cầu cấp thiết nhằm khai thác hiệu quả hạ tầng hiện tại, kết nối kinh tế số, số hóa hệ thống dữ liệu. Từ đó có các giải pháp căn cơ từng bước giảm ùn tắc giao thông góp phần đưa TP.HCM trở thành điểm đến hấp dẫn và an toàn" - đại diện Sở GTVT TP.HCM nhận định.
Hệ thống giao thông công cộng hiện có 3.000 xe buýt vận hành trên 152 tuyến, chỉ đủ đáp ứng 9,5% nhu cầu của người dân. Số lượng xe buýt đáp ứng đủ nhu cầu giao thông của người dân theo tính toán khoảng 21.000 xe.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận