24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Duyên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đầu tư gì để kiếm bộn tiền sau Tết?

Cho rằng nền kinh tế trong năm 2023 vẫn còn nhiều biến số khó lường, chuyên gia phân tích tài chính Nguyễn Hồng Điệp đã đưa ra 5 kênh đầu tư với mức độ ưu tiên khác nhau để các nhà đầu tư tham khảo.

Trên trang cá nhân của mình, ông Nguyễn Hồng Điệp cho biết, trước khi đến với các kênh đầu tư, hay còn gọi là xây dựng chiến lược đầu tư, chúng ta hãy xem xét các tham số của bài toán kinh tế hiện nay.

Về thế giới: biến số đầu tiên là FED (tôi đặt là F). Bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 thế giới trong năm 2022 đã phải đối phó với lạm phát phi mã. Những con số kỷ lục ở các nước Âu Mỹ đã được ghi nhận. Tuy nhiên, cuối năm 2022 lạm phát đã có dấu hiệu đạt đỉnh và đi xuống, đặc biệt tại Mỹ. Công cụ để kiềm chế lạm phát chủ yếu là tăng lãi suất, thi hành chính sách hút tiền về. FED đã đẩy lãi suất lên cao nhất trong vòng 30 năm. Câu hỏi được đặt ra là liệu lãi suất có tiếp tục tăng cao nữa hay không, liệu mức lãi suất cao như thế sẽ giữ trong bao lâu, khi nào FED sẽ hạ lãi suất, tức là động thái nới lỏng tiền tệ, bơm tiền trở lại. Không ai có thể trả lời chính xác các câu hỏi này, kể cả Jerome Powell, nhưng chúng ta hãy tư duy theo hướng đi kèm với lãi suất cao, thắt chặt tiền tệ kéo dài, sẽ là nguy cơ suy thoái. Mà suy thoái và giảm phát còn nguy hiểm gấp bội lần lạm phát. Cho nên chắc chắn FED cũng sẽ phải tính toán để cân bằng và không xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu.

Biến số vĩ mô thế giới thứ hai là tình hình chiến sự Nga-Ucraine (biến số U): sau khi không đạt được mục tiêu tốc chiến tốc thắng, Nga đang bị suy yếu và bị phản công trên toàn mặt trận. Thế nhưng Ucraine cũng chưa đủ sức lực để quét sạch quân xâm lăng ra khỏi bờ cõi. Khả năng cao là cuộc chiến này còn dai dẳng kéo dài nhiều năm, cho đến khi có những biến cố về kinh tế chính trị trong từng nước sẽ làm cán cân lệch hẳn về một bên. Chiến tranh sẽ tiếp tục làm ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng, khí đốt, lương thực. Biến số U này sẽ gây ra tác động không nhỏ trong từng giai đoạn ngắn hạn của giá một số loại hàng hóa.

Cũng của phần thế giới còn có một biến số quan trọng là Trung quốc (biến số C): sau 2 năm đóng cửa với thế giới bên ngoài vì đại dịch, cũng như để củng cố các vấn đề nội tại chính trị trong nước, Trung quốc đã bắt đầu mở cửa từ đầu 2023. Trung quốc là nền kinh tế số 2 thế giới, đông dân và hùng mạnh, cũng như rất nhiều tham vọng lớn. Biến số C sẽ gây ra những ảnh hưởng sâu rộng toàn cầu ở nhiều lĩnh vực như BĐS, XNK, công nghệ hay những điểm nóng chính trị mới.

Về trong nước thì biến số đầu tiên là cuộc chiến chống tham nhũng đang được dấy lên ở phân lớp cấp cao (biến số L). Tuy nhiên, những thông tin đổi mới sẽ không gây sốc cho thị trường hay gây hại cho nền kinh tế Việt nam.

Biến số thứ hai là chính sách (biến số S): việc siết lại hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp như trong thời gian qua là cần thiết, nhưng cần phải để khoảng hở thời gian xử lý, cũng như không đánh đồng. Hiện tại, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP. Do đó, chúng ta rất khó lường trước những chính sách mới sẽ ra trong năm nay, nhưng hy vọng không có cái nào mang tính đột ngột, phanh gấp như trước đây.

Biến số thứ ba là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của NHNN (biến số N): như chúng ta đã biết, lần đầu tiên sau nhiều năm NHNN đã tăng lãi suất cơ bản 2 lần liên tiếp vào cuối 2022. Việc này đã đẩy lãi suất huy động của các NHTM tăng cục bộ lên rất cao, một vài thời điểm lên đến 11%. Lãi suất huy động cao gián tiếp đẩy lãi suất cho vay lên đến mức mà hầu hết các doanh nghiệp chịu không nổi. Tuy vậy, trong thông điệp mới nhất của NHNN đã cho thấy khả năng năm 2023 lãi suất sẽ không tăng, nửa cuối năm có thể xem xét giảm. Về chính sách tài khóa năm mới thì sẽ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công ngay từ những tháng đầu của năm 2023. Ngoài ra cũng sẽ xem xét áp dụng những gói hỗ trợ thuế và lãi suất đối với những mảng của nền kinh tế.

Biến số thứ tư là sự đổi mới thị trường chứng khoán, tiền đề cho nâng hạng thị trường vào năm 2025 (biến số M): sau quá nhiều năm lỡ hẹn, khả năng cao năm 2023 chúng ta sẽ nhìn thấy hệ thống mới KRX. Sẽ có nhiều bước tiến về rút ngắn thời gian T+, quản lý chặt chẽ hơn trong giao dịch, chống thao túng. Ngoài ra, có thể sẽ có những cải tiến lớn về room, đặc biệt là room của dòng ngân hàng.

Như vậy chúng ta đã có đầy đủ các biến số để đưa vào bài toán đầu tư năm 2023. Tùy theo xác suất chọn của mỗi người, sẽ ra kết quả (chiến lược đầu tư) khác nhau. Tôi xin được giới thiệu chiến lược dưới góc nhìn cá nhân như sau:

1. Kênh vàng: vàng thế giới đang ở vùng đỉnh, dù FED chậm tăng lãi suất lại sẽ làm giá vàng khó giảm do đồng dollar suy yếu, nhưng nếu mua vàng trong nước để "giữ làm của" thì khả năng năm nay không có lợi. Tôi đánh giá đây là kênh yếu nhất.

2. Kênh ngoại tệ: xu hướng đồng dollar đang suy yếu làm cho vấn đề tỷ giá của Việt nam tương đối "dễ thở". Trừ khi những biến số F, C hay N có biến động đột biến, còn không thì găm giữ ngoại tệ trong năm nay không phải là hành vi khôn ngoan. Tôi sẽ không ưu tiên kênh này.

3. Kênh gửi tiết kiệm: theo quan điểm cá nhân, NHNN đang mua vào $ để tăng dự trữ ngoại hối, gián tiếp bơm một lượng tiền nhất định ra thị trường, cung cấp thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Điều này sẽ làm lãi suất tiết kiệm giảm dần. Cộng với yếu tố lạm phát ổn định, cho nên nếu gửi tiết kiệm với lãi suất 8% sẽ khá hấp dẫn và thực dương. Tôi sẽ chọn kênh này với kỳ hạn 12 tháng tại thời điểm hiên nay, vì sau này khả năng sẽ khó có lãi suất tốt như vậy.

4. Kênh bất động sản: trong khoảng 6 tháng gần đây, tình hình BĐS rất chậm và khó khăn. Khả năng khởi sắc của kênh này trong nửa đầu năm 2023 khá mong manh. Tuy nhiên, thanh khoản kém nhưng giá trong thời gian qua giảm rất ít. Với tâm lý trọng đất đai của dân Việt, rất khó để kỳ vọng có đợt bán tháo trong năm 2023. Cho nên đây là kênh dự phòng, có nghĩa là nên để ra mọi số tiền nhất định để phòng khi có cơ hội mua rẻ "hàng ngộp" thì ra tay.

5. Kênh chứng khoán: năm 2022 hầu hết mọi quỹ đều lỗ, còn nhà đầu tư cá nhân thì ai giỏi lắm hòa vốn, còn không thì mất hết thành quả của 2 năm 2020-2021. Ngày 16/11/2022 VN-index đã chạm mốc 873 điểm. Có nhiều cơ sở để tin rằng đây là đáy của thị trường chứng khoán Việt nam trong nhiều năm tới. Những gì xấu nhất của vĩ mô thế giới và trong nước đã bộc lộ ra và phản ánh vào thị trường khi đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất thế giới năm 2022.

Chứng khoán không thể thiếu dòng tiền, cho nên đây chính là biến số quan trọng (biến số T) để thị trường hồi phục trong năm 2023. Tôi sẽ ưu tiên cho kênh này với tỷ trọng cao, nhưng vẫn hành xử thận trọng trong từng giai đoạn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả