Đầu tư Forex gắn mác công nghệ siêu lợi nhuận: Đa cấp, lừa đảo
Đầu tư Forex (đầu tư ngoại hối) đa cấp, ứng dụng kiếm tiền online không hề mới, nhưng việc nhà đầu tư vẫn liên tục sập bẫy cho thấy, sức hút của mô hình này là rất lớn và đánh trúng vào tâm lý tham làm giàu một cách nhanh chóng của nhiều người, bất chấp rủi ro...
Đầu tư Forex (đầu tư ngoại hối) đa cấp, ứng dụng kiếm tiền online không hề mới, nhưng việc nhà đầu tư vẫn liên tục sập bẫy cho thấy, sức hút của mô hình này là rất lớn và đánh trúng vào tâm lý tham làm giàu một cách nhanh chóng của nhiều người, bất chấp cảnh báo. Và mới nhất là vụ hàng trăm người dân “dở khóc dở cười” tố cáo đến các cơ quan chức năng khi sàn đầu tư Coolcat bị “sập”.
Những chiếc bánh ngọt nhưng đầy vị đắng
Những ngày qua, hàng trăm người tham gia đầu tư trên sàn giao dịch Coolcat tại Việt Nam (một dạng sàn giao dịch vàng, tiền ảo và USD được cam kết bảo hiểm 100% vốn) như ngồi trên lửa khi ứng dụng này không thể truy cập được. Những người đại diện của sàn cũng biến mất, không thể liên lạc. Những người tham gia đầu tư loại hình này cho biết, khi đầu tư vào Coolcat app nhà đầu tư sẽ có thu nhập từ 2 nguồn chính là: Thu nhập khi giao dịch và nhận hoa hồng đại lý.
“Có 6 gói bảo hiểm được giới thiệu với các mức tiền đầu tư từ 1,3 triệu đồng cho đến 213 triệu đồng, tương ứng sẽ nhận lại mức lợi nhuận hằng ngày từ 18.000 đồng cho đến mức cao nhất là 6.200.000 đồng” - chị V một nạn nhân cho biết. Vì tin tưởng vào những lời tư vấn đường mật của môi giới nên chị V đã chuyển tiền vào một số tài khoản cá nhân được cho là những người đại diện của Coolcat tại Việt Nam.
Cho đến nay chị đã đầu tư hơn 200 triệu đồng và cũng đã được trả lãi thời gian qua. Rồi vào ngày 16.4.2021, bỗng nhiên hệ thống thông báo bảo trì hệ thống ngân hàng thanh toán do lượng rút tiền quá nhiều. Khách hàng tin tưởng và chờ đợi nhưng cho đến chiều tối ngày 16.4 thì khách hàng hoàn toàn không truy cập vào trang này được nữa và biết mình đã bị lừa đảo. Đây không phải là lần đầu tiên những người tham gia theo hình thức này bị sập bẫy. Vào cuối năm 2020, hàng trăm người đầu tư vào mạng lưới các sản phẩm công nghệ của một hệ thống có tên Công nghệ FNet Work (FNET) cũng đang lao đao.
Cụ thể, FNet bắt đầu xuất hiện vào tháng 3.2020 và được giới thiệu là mạng xã hội 4.0 nằm trong chuỗi dự án hệ sinh thái về công nghệ mang tên Fnetwork. FNeT đưa ra "bánh vẽ" về một hệ sinh thái đầy hấp dẫn thu hút nhà đầu tư với các nền tảng công nghệ cao. Tuy nhiên, mô hình phát triển của công ty này lại “đậm chất” đa cấp bằng cách xây dựng mạng lưới bán cổ phần và huy động vốn, trả hoa hồng trực tiếp, gián tiếp cho nhà đầu tư theo mô hình chóp nón.
Mô hình trả thưởng của FNeT "đậm chất" đa cấp khi trả thưởng tới 10 tầng với tổng số hoa hồng lên tới 35%. Sau đó, hệ thống này liên tiếp đưa ra thêm nhiều dự án mới để gọi vốn liên tục từ các nhà đầu tư với những hứa hẹn trên trời về lợi nhuận. Rồi đỉnh điểm đến tháng 11.2020, 2 website của FNet hoàn toàn dừng hoạt động, các nhà đầu tư không còn nhận được lợi tức sau khi đầu tư tiền vào công ty này và đã nhiều lần liên lạc với ban lãnh đạo công ty nhưng không có phản hồi. Các website của FNET đã hoàn toàn dừng hoạt động và ban lãnh đạo công ty cũng bặt vô âm tín. Những người tham gia đầu tư cũng đang tố cáo đến các cơ quan chức năng.
Bao nhiêu bài học đắng vẫn không đủ
Anh Vương Ng - ngụ tại tỉnh Long An là một nạn nhân của việc đầu tư theo các ứng dụng kiếm tiền trên mạng - cho biết, được một người bạn giới thiệu và do tò mò anh Ng cũng vào xem thử, vì sao lại kiếm được tiền, thì mới biết đó là app để vào like, đăng ký YouTube, chia sẻ facebook, gọi là "làm nhiệm vụ" và sẽ được trả tiền. Để kiếm được tiền thật thì phải nạp tiền theo các mức vip từ vip0 - vip3, từ 300.000 - 5.000.000 đồng.
“Tôi đã thử nạp vào 1.000.000 đồng để làm nhiệm vụ và quả thực đã rút được tiền. Sau hai tuần tôi kiếm đủ vốn 1.000.000 đồng, đã ham mê, tôi nạp luôn 5.000.000 đồng để lên vip 3. Từ khi tham gia app, tôi cũng được mời vào nhóm chat những người tham gia và khi thấy nhiều người cũng nạp tiền để lên vip 5,6 thì tôi "liều mình" nạp 100 triệu đồng để lên vip7, với hy vọng sau 10 ngày hoàn vốn, dù app có sập thì cũng kiếm được chút ít. Nhưng dự tưởng của tôi sụp đổ, ngay sau khi tôi nạp 100 triệu đồng thì ngày hôm sau tất cả người chơi được thông báo hệ thống đang bị rà soát nên không rút được tiền.
Và hai ngày sau thông báo muốn rút tiền phải nạp vào 20% tiền đã nạp vip, ba ngày sau thông báo nạp 50%, ba ngày sau nữa thông báo nạp 100% tiền đã nạp vip thì mới được hoàn lại tiền. Đã có nhiều người chơi app bị lừa tiền cũng không biết làm cách nào để lấy lại được tiền. Bản thân tôi dù bị cảnh cáo là lừa đảo cũng vẫn ham hố, nên chỉ biết trách mình ngu dại, cũng không mong lấy lại được tiền” - anh Vương Ng nói trong cay đắng.
Có thể nói, hiện nay các chiêu thức lừa đảo đầu tư tài chính đang nhiều như nấm sau mưa, nhắm đến những người chỉ quan tâm đến lợi nhuận được quảng cáo mà không chịu trang bị kiến thức, thiếu sự cảnh giác, không tìm hiểu kỹ. Điều dễ nhận thấy của các sàn lừa đảo này ở Việt Nam, là "bao lỗ, bao cháy tài khoản, cam kết lợi nhuận"…
Văn phòng tại Việt Nam của các sàn này thường nằm kín đáo trong các tòa nhà cao tầng, không có biển hiệu, chỉ có vài bộ bàn ghế tạm bợ và có thể biến mất chỉ trong một vài giờ...
Nhận diện đầu tư lừa đảo không khó
Theo ông Nguyễn Duy Phương - Giám đốc phân tích cao cấp quỹ đầu tư DG Investment - dù biến tướng cỡ nào, bất kể dùng loại công nghệ gì để vận hành mô hình Ponzi (ở bất cứ các phiên bản), việc nhận diện các hình thức lừa đảo tài chính, Ponzi không hề khó. Đó là những lời hứa trả lợi nhuận cực cao, vài phần trăm đến vài chục, vài trăm phần trăm không phải một năm mà một tháng, thậm chí là trong… một tuần. Các mô hình ủy thác cho sàn, cho dự án, cho “chuyên gia” được các dự án lừa đảo dựng lên. Họ nói nếu bạn không có khả năng đầu tư, hãy gửi cho họ và họ có chuyên gia đầu tư "bách phát bách đúng", bao lỗ. Đến khi số tiền nhận đủ nhiều, dĩ nhiên sàn tuyên bố… phá sản, và đối tượng ôm tiền bỏ chạy.
Ngoài ra, một số hình thức lừa đảo bằng cách hứa hẹn trả lãi cao, nhưng không phải bằng tiền mặt. Họ sẽ phát hành một dạng chứng khoán của dự án (hoặc công ty) hay một loại token, tiền điện tử cho người tham gia, dù nhà đầu tư phải tham gia bằng tiền thật. Số tiền hoặc chứng khoán này sẽ không rút được hoặc chỉ được giao dịch trên sàn nội bộ do chính chủ dự án đặt ra. Nghĩa là tiền lời đó chỉ có trên… giấy. Bao giờ thời gian đầu, việc trả tiền lời cũng được thực hiện như cam kết.
Ví dụ, nhà đầu tư nộp 100 triệu đồng được hứa trả 10%/tháng, sau đó chủ sàn sẽ trả lãi đều đặn 6-7 tháng trước khi biến mất. Trong thời gian này, nhà đầu tư sau khi nhận tiền tươi sẽ có niềm tin để quảng cáo, chiêu dụ thêm bạn bè, người thân vào hệ thống của họ một cách vô thức. Các đối tượng cũng bao lỗ, bao cháy tài khoản, dù thực tế chưa nhà đầu tư nào được đền bù vì cháy tài khoản.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Nhã, các mô hình quảng cáo siêu lợi nhuận luôn có yếu tố lừa đảo, bởi vì không có mô hình kinh doanh đầu tư đúng nghĩa nào có thể sinh lãi 3-4%/ngày, tức cả nghìn phần trăm/năm. Để ngăn chặn các hình thức lừa đảo tiền ảo đa cấp đội lốt 4.0 đang nở rộ, các bộ, ngành cần phải đưa ra khung khổ pháp lý phù hợp. Các cơ quan chức năng phải nâng cao năng lực giám sát, phát hiện các hình thức lừa đảo ngày càng lắt léo, phức tạp dạng này, đồng thời mạnh tay xử lý, có chế tài nghiêm khắc để góp phần răn đe và dập tắt những manh nha lợi dụng tình thế khó khăn, cũng như lòng tham của người khác để trục lợi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận