Đầu tư dự án BOT trên đường hiện hữu: Đi mắc núi, về mắc sông
Có tới 14 dự án BOT đầu tư trên đường hiện hữu đã phải dừng triển khai theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ. Nhưng dự án thì vẫn phải thực hiện, vậy đâu là giải pháp?
Mạnh tay “cắt” dự án BOT ở đường hiện hữu
Một thông tin đáng chú ý vừa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thay mặt Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là chủ trương không đầu tư đối với các dự án BOT trên đường hiện hữu đã được thực hiện quyết liệt.
Cụ thể, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã dừng 14 dự án BOT có tiêu chí “trên đường hiện hữu”. Trong đó, có 4 dự án BOT đã ký hợp đồng và đang triển khai; 10 dự án đã phê duyệt đề xuất dự án hoặc đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi (bao gồm 8 dự án đường bộ và 2 dự án đường thủy nội địa, hàng hải).
“Việc dừng triển khai dự án nâng cấp, cải tạo theo hình thức BOT đối với các tuyến đường hiện hữu đang được Bộ GTVT thực hiện quyết liệt”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Trên thực tế, từ năm ngoái, đã có khá nhiều thông tin về việc Bộ GTVT đề xuất dừng thực hiện một số dự án BOT giao thông. Chẳng hạn, các dự án Chợ Mới - Bắc Kạn; nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 30, 31; cải tạo tuyến qua đèo Mimosa…
Việc dừng triển khai các dự án BOT trên tuyến đường hiện hữu xuất phát từ chủ trương của Quốc hội và Chính phủ. Tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ: “Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, chỉ áp dụng đối với tuyến đường mới để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu”.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, việc Quốc hội chủ trương không đầu tư các dự án BOT trên tuyến đường hiện hữu xuất phát từ việc đã có khá nhiều bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện các dự án BOT. Tháng 9/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi công bố kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT đã nhấn mạnh rằng, nhiều dự án giao thông đầu tư theo hình thức này là dự án cải tạo, nâng cấp được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo (như các tuyến quốc lộ và đường Hồ Chí Minh), nên hạn chế sự lựa chọn của người dân.
“Một số dự án BOT nâng cấp, cải tạo các tuyến đường độc đạo đã khiến dư luận bức xúc”, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho biết.
Bởi vậy, theo các chuyên gia, việc dừng đầu tư các dự án như vậy là cần thiết để tránh lặp lại những bất cập trước đây đối với các dự án BOT.
Vướng núi, mắc sông, đâu là lối ra?
Tuy nhiên, vướng mắc cũng bắt đầu nảy sinh. Sau khi có quyết định dừng thực hiện các dự án BOT của Bộ GTVT, các địa phương có tuyến đi qua liên tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đầu tư công, do các tuyến này đã xuống cấp, ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân.
Để giải quyết tình huống đó, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An từ hình thức đối tác công - tư (PPP) sang hình thức đầu tư công sử dụng ngân sách nhà nước và đã được Quốc hội chấp thuận tại Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018.
Nhưng trong bối cảnh nguồn lực nhà nước hạn hẹp hiện nay, sẽ chỉ có một số dự án cấp bách có thể giải quyết theo hướng trên. Vậy các dự án khác sẽ phải xử lý ra sao?
Để giải quyết vấn đề này, khi xây dựng Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất việc chỉ áp dụng hợp đồng PPP có cơ chế thu phí từ người sử dụng với dự án đầu tư, xây dựng mới và dự án mà người dân có hơn một lựa chọn khi sử dụng dịch vụ. Còn các dự án nâng cấp, cải tạo thì sẽ áp dụng loại hợp đồng Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư dựa trên chất lượng dịch vụ yêu cầu tại hợp đồng dự án, mà không thu phí từ người sử dụng.
Cụ thể, Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức PPP đã đề xuất bổ sung hai loại hợp đồng là BTL (hợp đồng xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ) và BLT (hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao).
Đây là hướng đi mới cho việc đầu tư các dự án giao thông trên tuyến đường hiện hữu. Tuy nhiên, bài toán này trên thực tế cũng không dễ giải, bởi hành lang pháp lý cho PPP mới đang trong giai đoạn dự thảo. Thêm nữa, trong bối cảnh hiện nay, cũng rất khó để cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện việc Nhà nước mua lại các dự án BTL hay BLT mà nhà đầu tư đã thực hiện.
Quy định về hợp đồng BTL và BLT trong Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức PPP
Hợp đồng xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ (BTL) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
Hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (BLT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; hết thời hạn cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận