Đầu tư condotel đảo chiều, nóng xu hướng lên rừng?
Trong khi bất động sản nghỉ dưỡng, gồm có condotel có xu hướng 'ảm đạm', nhiều chuyên gia nhận định, condotel tập trung vào các khu vực rừng núi giàu tiềm năng.
Condotel biển "ảm đạm"
Theo Bộ Xây dựng, trên cả nước có 147 dự án với 17.884 căn hộ du lịch (condotet), 4.178 biệt thự du lịch và 94 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép; 53 dự án với 200 căn hộ du lịch, 1.001 biệt thự du lịch đã hoàn thành.
Công suất thuê phòng khách sạn bình quân trong quý IV không có sự cải thiện, tính trong cả năm 2020 chỉ đạt khoảng 30-40% (giảm mạnh so với năm 2019). Giá cho thuê phòng khách sạn bình quân toàn thị trường cũng giảm nhiều chỉ đạt khoảng 40% so với năm 2019.
Trước đó, số liệu thống kê của Bộ phận R&D DKRA Vietnam cho biết, trong tháng 11/2020 phân khúc biệt thự biển ghi nhận 39 căn mở bán đến từ 1 dự án tại tỉnh Bình Thuận (thuộc giai đoạn tiếp theo của dự án trước đó), tăng 56% so với tháng trước. Tuy nhiên, theo DKRA thì tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 28% với khoảng 11 căn, bằng 73% so với tháng 10/2020.
Thị trường ảm đạm nữa đến từ phân khúc condotel, khi theo ghi nhận của DKRA, trong tháng 11/2020 phân khúc condotel toàn phía Nam chỉ chào đón 1 dự án mở bán (thuộc giai đoạn tiếp theo của dự án trước đó), cung cấp ra thị trường 102 căn. Và tỷ lệ tiêu thụ thấp chỉ đạt 15% (khoảng 15 căn).
Trước đó, tháng 6/2020 toàn thị trường bất động sản biển phía Nam chỉ có 8 sản phẩm mở bán với 1 sản phẩm được bán ra thành công, tháng 7 và 8/2020 thì không có sản phẩm nào được bán và cũng không có tiêu thụ…
Nguyên nhân chủ yếu đến từ khung pháp lý cho loại hình condotel vẫn chưa rõ ràng. Bên cạnh đó là ảnh hưởng của dịch bệnh khiến ngành du lịch nghỉ dưỡng đóng băng; tâm lý e ngại, mất niềm tin của khách hàng vì một số dự án nghỉ dưỡng không chi trả cam kết lợi nhuận như thỏa thuận ban đầu.
Condotel hết thời hướng biển, nóng xu hướng lên rừng
Đánh giá về thị trường bất động sản năm 2020, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản vừa trải qua một năm đầy biến động khi dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường.
Giai đoạn đầu năm, thị trường tê liệt, nhiều dự án ngưng trệ, sàn giao dịch ngừng hoạt động, hạ tầng du lịch đóng băng. Tuy vậy, nhiều dự án vẫn về đích đúng hạn. Nguồn cung mới đạt gần 60.000 sản phẩm, đạt 87,6% so với năm 2019.
Nhìn nhận năm 2020 đầy khó khăn nhưng những dấu hiệu lạc quan cuối năm qua đã mở ra nhiều triển vọng cho năm 2021. Theo dự báo của ông Đính, kinh tế Việt Nam có thể giữ nhịp và đạt tốc độ tăng trưởng theo kế hoạch là 6%, dẫn đến nhu cầu mua nhà và đầu tư tăng trở lại.
"Năm 2021, thị trường bất động sản sẽ phát triển bền vững hơn; tập trung vào phát triển hạ tầng du lịch. Phân khúc bất động sản du lịch không chỉ tập trung hướng biển mà còn tập trung vào các khu vực rừng núi giàu tiềm năng. Năm 2021, giá nhà có thể tăng trên 10% so với năm 2020", ông Đính nói.
Bên cạnh đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, năm 2021 là năm của bất động sản cao cấp chỉ mang tính chất tương đối, vì với sự tháo gỡ chính sách thì nhà ở vừa túi tiền mới là phân khúc được các đơn vị hướng tới. Thành phố Thủ Đức, thành phố Phú Quốc được thành lập sẽ là cú hích cho thị trường bất động sản phía Nam.
Đại diện HoREA cũng nhấn mạnh đến xu hướng ly tâm khi nhiều nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư các tỉnh. Theo ông, điều quan trong là các doanh nghiệp cần phải lựa chọn được địa bàn, người lãnh đạo địa phương là người có tâm nhìn, tâm huyết, lựa chọn những địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội, có nhiều nơi đang có nhiều tiềm năng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận