Đầu tư cổ phiếu, tài sản nhìn từ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine
Hôm 21/2, tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh công nhận tự do cho hai khu vực ly khai nằm về phía Đông của Ukraine. Ngay lập tức, các lệnh trừng phạt mới từ các quốc gia phương Tây đã được ban bố nhắm vào Liên bang Nga.
Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh, Australia, Canada và Nhật Bản đã lên tiếng về những kế hoạch trừng phạt nhằm vào các ngân hàng và những cá nhân Nga giàu có. Trong khi đó, phía Đức đã cho tạm dừng một dự án xây dựng đường ống khí đốt lớn xuất phát từ Nga. Đây được đánh giá là cuộc khủng hoảng an ninh tồi tệ nhất tại châu Âu trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Washington đã ban hành lệnh trừng phạt đối với 2 ngân hàng quốc doanh của Nga là VEB và Promsvyazbank, nghiêm cấm các ngân hàng này giao dịch các tài sản nợ trên thị trường Mỹ và châu Âu. Hai ngân hàng trên được coi là có mối quan hệ mật thiết với điện Kremlin và lực lượng quân đội Liên Bang, với hơn 80 tỷ USD giá trị tài sản.
Hôm 22/2, Anh cũng đưa ra thông báo về những lệnh trừng phạt áp dụng với 5 ngân hàng và 3 tỷ phú của Nga bao gồm Gennady Timchenko, Boris Rotenberg và Igor Rotenberg. Hai nhân vật nhà Rotenbergs là chủ sở hữu của SGM Group, công ty chuyên xây dựng cơ sở hạ tầng ngành dầu mỏ và khí đốt. Timchenko là chủ sở hữu công ty đầu tư tư nhân Volga Group. 5 ngân hàng là Rossiya Bank, IS Bank, General Bank, Promsvyazbank and Black Sea Bank.
Anh cũng cấm Nga bán nợ chính phủ tại London, theo lời Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh Liz Truss.
Liên minh châu Âu cũng phát đi thông báo hôm 22/2 rằng những biện pháp trừng phạt ban đầu của khối này sẽ nhắm vào 351 chính trị gia của Nga, những người ủng hộ việc Nga công nhận độc lập hai vùng ly khai phía đông Ukraine, bên cạnh đó là 27 quan chức và tổ chức khác hoạt động trong các lĩnh vực quốc phòng và ngân hàng.
Chỉ trong một vài ngày qua, mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng như nhiều quốc gia phương Tây liên tục leo thang. Và tình huống xấu nhất là một cuộc chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, cho dù ở thời điểm hiện tại, lãnh đạo các bên và các tổ chức quốc tế mong muốn căng thẳng sẽ được giải quyết thông qua đàm phán, chứ không phải là vũ trang.
Và ở thời điểm này, tiếng súng đã nổ.
Chiến tranh, ở bất cứ một cấp độ nào, không bao giờ là một sự kiện có thể xem nhẹ đối với bất cứ ai có liên quan. Trong bài báo này, chúng ta sẽ nhìn lại những tác động của một cuộc chiến tranh vũ trang lên danh mục đầu tư của mình, cho dù nó xảy ra cách xa chúng ta hàng ngàn km về mặt địa lý.
Chúng ta cũng sẽ có cái nhìn rõ hơn về quan điểm của thị trường trong bối cảnh một cuộc chiến nổ ra, về những gì đã từng xảy ra với thị trường trong quá khứ, và bằng cách nào chúng ta có thể bảo vệ "túi tiền" của chính mình.
CHIẾN TRANH VÀ DANH MỤC ĐẦU TƯ CỦA BẠN - CÁI NHÌN TỪ LỊCH SỬ
Như bạn có thể cảm nhận trong một vài tuần qua, thị trường đã có sự biến động mạnh gắn liền với những diễn biến xung quanh vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine.
Giai đoạn giảm điểm lớn nhất liên quan tới một cuộc chiến trong lịch sử diễn ra khi phát xít Đức chiếm đóng khu vực hiện nay là Cộng hòa Séc và Slovakia vào năm 1939, sau đó tấn công Pháp vào năm 1940. Chỉ số S&P 500 sau mỗi sự kiện đã giảm lần lượt 20,5% và 25,8% trong giai đoạn 22 ngày giao dịch sau khi sự kiện đó nổ ra.
Một năm sau những biến cố này, thị trường đã phục hồi lần lượt 19% và 9,2%, bù đắp lại phần nào những thiệt hại trước đó.
Trong trận chiến Trân Châu Cảng năm 1941, chỉ số S&P 500 đã giảm khoảng 11% chỉ một ngày ngay sau vụ tấn công của Nhật Bản. Như chúng ta đều biết, ngay hôm sau, Mỹ đã tuyên chiến với Nhật, và vào ngày 11/12 năm đó, Đức tuyên chiến với Mỹ.
Dù có không ít biến cố xảy ra, chỉ số S&P 500 lại bật tăng tới 15,3% tại thời điểm năm 1942.
Trong giai đoạn cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, chỉ số S&P 500 đã giảm tới hơn 17%. Và sau giai đoạn này, thị trường ghi nhận đà phục hồi chậm nhất kể từ thế chiến thứ 2.
Qua những sự kiện trên, chúng ta phần nào đã nhìn nhận ra xu hướng thị trường tại đây. Chiến tranh và xung đột thường gây ra một giai đoạn giảm điểm đột ngột. Nhưng thông thường, sự phục hồi lại diễn ra không lâu sau đó.
Bình quân, chỉ số S&P thường giảm khoảng 6,5% trong khoảng thời gian 3 tháng sau một cuộc xung đột vũ trang, và tăng khoảng 13% trong vòng 12 tháng sau đó.
Khi Liên minh Xô Viết tấn công Afghanistan vào năm 1979, thị trường có tới 12 phiên giảm điểm liên tiếp với tổng mức giảm rơi vào khoảng 3,8%. Khi Nga tuyên bố chủ quyền đối với Crimea vào năm 2014, thị trường đã sụt giảm 2%.
Lý do tại sao những căng thẳng địa chính trị lại có sức ảnh hưởng lớn và tại sao chúng ta phải chứng kiến sự biến động lớn tới như vậy? Đó chính là bởi xung đột vũ trang là một trong những rủi ro lạm phát lớn nhất trong giai đoạn sau thế chiến thứ 2.
Từ những dữ liệu trong quá khứ, chúng ta có thể phần nào cảm thấy an tâm rằng một cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, nếu có, sẽ không có những tác động quá lớn trong dài hạn về sự phát triển của thị trường nói chung. Thay vào đó, thị trường sẽ vẫn tiếp tục được dẫn dắt bởi Fed và những thay đổi chính sách liên quan tới lạm phát và lãi suất của cơ quan này.
PHẢN ỨNG TIÊU CỰC BƯỚC ĐẦU
Từ Tokyo, Moscow cho tới London, các thị trường chứng khoán thi nhau giảm điểm trong phiên giao dịch hôm 22/2 sau khi Nga đe dọa sẽ cho tiến quân qua biên giới với Ukraine.
Rủi ro về một cuộc chiến trên lãnh thổ châu Âu này đã gián tiếp làm gia tăng sự quan tâm của nhà đầu tư tới các "thiên đường trú ẩn an toàn" như vàng và đồng USD. Giá dầu Brent cũng vươn lên mức 100 USD/thùng.
Các chuyên gia thị trường và các nhà kinh tế học đang nỗ lực dự báo điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau khi mọi nỗ lực ngoại giao giữa Nga, liên minh châu Âu và Mỹ dường như rơi vào bế tắc.
"Một cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine sẽ là một thảm họa nhân đạo, và là mối đe dọa an ninh toàn cầu tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962", Holger Schmieding, nhà kinh tế học trưởng tại Berenberg, chia sẻ trong lá thư gửi tới khách hàng, theo ghi nhận của Fortune.com.
Và các nhà đầu tư đang mong cầu điều tồi tệ đó không xảy ra. Tuy nhiên, các thị trường đã có những phản ứng tương đối tiêu cực.
Chỉ số Stoxx Europe 600 đã giảm 0,8% ghi nhận tại thời điểm 4h sáng giờ ET ngày 22/2. Tại châu Âu, chỉ có đúng một lĩnh vực các cổ phiếu duy trì được màu xanh: đó chính là năng lượng. Các lĩnh vực khác như sản xuất ô tô, ngân hàng, du lịch, nghỉ dưỡng và công nghệ được giao dịch cầm chừng. Thị trường Mỹ cũng dần cảm nhận được sức nóng, với chỉ số Dow Jones giảm 350 điểm khi sau khi mở phiên.
Sau phát biểu trước công chúng của Tổng thống Putin hôm 24/2, thị trường chứng khoán tương lai của Mỹ cũng ngay lập tức phản ứng với thông tin này. Chỉ số Dow futures giảm 719 điểm, tương đương 2,2%, trong khi chỉ số S&P 500 futures giảm 2,1%. Nasdaq 100 futures giảm 2,5%.
Nhưng thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh nhất lại đến chính từ Nga.
Chỉ số MOEX, chỉ số chính tại Moscow, đã giảm hơn 7% ngay sau khi mở phiên. Tính trong hơn một tuần qua, chỉ số này đã giảm tổng cộng 15%, và gần 40% kể từ khi tổng thống Nga Putin ra lệnh cho tập hợp lực lượng quân đội tại biên giới Ukraine trong tháng 11/2021. Đà bán tháo trong ngày 21/2 đối với chỉ số MOEX là giai đoạn được đánh giá tồi tệ nhất trên thị trường chứng khoán quốc gia này kể từ năm 2014 sau cuộc khủng hoảng tại Crimea.
Đồng rúp của Nga cũng mất giá so với đồng USD. Giá cổ phiếu của Sberbank, một trong những mã cổ phiếu dẫn dắt thị trường, đã giảm tới gần 10% khi các nhà đầu tư tiếp tục "rút" tiền đầu tư của họ ra khỏi thị trường, trong bối cảnh căng thẳng leo thang.
Cổ phiếu các công ty công nghệ toàn cầu cũng bị ảnh hưởng từ làn sóng bán tháo của giới đầu tư, làm trầm trọng hơn đà giảm điểm của các cổ phiếu này vốn đã tồn tại từ trước thời điểm căng thẳng giữa Nga với phương Tây leo thang. Những cái tên nổi bật như Paypal, Twitter và Meta, công ty mẹ của Facebook, trên thực tế đang rơi vào thị trường giá xuống bởi các nhà đầu tư ngoảnh mặt với cổ phiếu tăng trưởng khi sự bất ổn trên thị trường gia tăng.
Hôm 21/2, chuyên gia chiến lược Jim Reid tới từ Deutsche Bank, đã đưa ra cảnh báo rằng những căng thẳng địa chính trị ở mức độ như hiện tại chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng lớn tới các loại hình tài sản rủi ro như chứng khoán. Dựa trên những số liệu ghi nhận trong quá khứ, ông dự báo rằng chỉ số S&P có thể rơi vào giai đoạn giảm điểm kéo dài tới 3 tuần lễ, với mức giảm từ 6% tới 8%.
Tiền điện tử cũng cho thấy đây không phải là một loại hình tài sản đầu tư an toàn như nhiều người vẫn nghĩ. Giá bitcoin đã có sự sụt giảm mạnh sáng 22/2, và rơi xuống mốc xung quanh 37.000 USD/bitcoin, giảm hơn 8% so với ngày 18/2 trước đó. Các đồng tiền số khác cũng không nằm ngoài xu hướng giảm điểm. Còn trong ngày 24/2, giá tiền điện tử "rơi rụng". Đồng bitcoin thậm chí lao về vùng 35.000 USD/BTC khiến giới đầu tư thất kinh.
"Quan điểm bitcoin là một loại hình tài sản trú ẩn an toàn đã hoàn toàn sụp đổ trong bối cảnh khả năng nổ ra một cuộc xung đột vũ trang là rất lớn. Mối quan hệ căng thẳng Mỹ - Nga cũng đang đẩy thị trường tài chính vào thế luôn phải phòng bị rủi ro", Midori Abe, chuyên gia phân tích thị trường tiền số tại Bitbank, chia sẻ với tờ Fortune hôm 22/2. Bà dự báo giá bitcoin sẽ dao động trong khoảng từ 32.000 USD tới 43.000 USD khi căng thẳng địa chính trị khiến cho các nhà đầu tư tích cực xả hàng.
GIÁ NGUYÊN LIỆU, NHIÊN LIỆU LIÊN TỤC LEO THANG
Nga là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn trên thế giới, và tâm lý lo ngại nguồn cung năng lượng toàn cầu bị gián đoạn đã thúc đẩy giá dầu tăng mạnh trong vài ngày trở lại đây. Giá dầu hiện tại đã vượt qua ngưỡng 100 USD, cao nhất trong vòng 7 năm qua và thậm chí có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Trong một báo cáo công bố hôm 21/2, Naeem Aslam, chuyên gia phân tích thị trường tại AvaTrade, đã viết rằng: "Mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể sẽ đẩy giá dầu lên cao hơn ngưỡng 100 USD/ thùng sớm hơn so với dự báo", theo ghi nhận của tờ AS.
"Đà tăng giá dầu sẽ phụ thuộc vào các lệnh cấm vận mà Mỹ và các đồng minh áp đặt lên Nga một khi quốc gia này tấn công quân sự Ukraine", ông tiếp tục.
So với các thị trường khác, thị trường dầu mỏ có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn trước những áp lực địa chính trị. Nhu cầu dầu mỏ sẽ vẫn ở ngưỡng cao vì thế giới đang rất cần loại nhiên liệu này nhằm phục vụ cho quá trình phục hồi sau đại dịch. Vì thế, đà tăng giá dầu khó có thể được kìm lại nếu như các bên không tìm ra một giải pháp toàn diện cho vấn đề biên giới Nga - Ukraine.
Fiona Cincotta, chuyên gia phân tích thị trường tài chính tại City Index, đã khẳng định với tờ AS rằng: "Trong bối cảnh Nga là quốc gia cung cấp dầu mỏ lớn, sự quan ngại về việc giá dầu tăng là hoàn toàn hiện hữu".
Vấn đề thực sự ở đây đó chính là sự lo lắng về điều kiện thị trường ở thời điểm hiện tại. Trên thị trường hàng hóa, căng thẳng tại Ukraine như đổ thêm dầu vào lửa sau khi đã xuất hiện không ít lo ngại liên quan tới tình hình lạm phát. Giá khí đốt tại châu Châu đã liên tục lập đỉnh trong thời gian vừa qua. Trong khi đó, các lệnh cấm vận áp dụng đối với Nga có thể sẽ có tác động vô cùng khó lường lên giá nguyên liệu thô, đặc biệt là kim loại.
"Các sàn giao dịch lớn hiện chỉ còn lượng cung đồng đủ phục vụ nhu cầu thị trường trong chưa đầy 1 tuần, nguồn cung nhôm (với giá hiện tại ở ngưỡng cao nhất trong vòng 13 năm) cũng đang ở ngưỡng rất thấp. Tác động của chiến tranh đối với các danh mục đầu tư có thể rất khó để đong đếm, nhưng chiến tranh chắc chắn sẽ làm trầm trọng hơn tình hình lạm phát, vốn đang rất cao ở thời điểm hiện tại.
Và giải pháp tốt nhất là không bên nào "bóp cò"...
NHÀ ĐẦU TƯ BẢO VỆ MÌNH RA SAO?
Thị trường thường quan tâm tới các vấn đề như dữ liệu kinh tế, lợi nhuận doanh nghiệp và giá trị tài sản. Nhưng chính trị cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư. Các cuộc khủng hoảng địa chính trị có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, ví dụ như một cuộc chiến tranh thương mại hoặc thậm chí là một cuộc xung đột vũ trang.
Như chúng ta đã thấy ngay ở thời điểm đầu năm 2022, mối quan hệ giữa Nga và Ukraine đã trở nên vô cùng căng thẳng. Và những cuộc khủng hoảng như vậy sẽ gây ra biến động rất lớn đối với thị trường. Nhưng điều gì khiến các nhà đầu tư lo ngại về những sự kiện như vậy? Và bằng cách nào họ có thể bảo vệ danh mục đầu tư của mình?
Nhìn chung, những rủi ro chính trị và địa chính trị có thể làm suy yếu các hoạt động kinh tế, kéo giảm lợi nhuận đầu tư và khởi xướng một làn sóng đầu tư tràn vào các loại hình tài sản trú ẩn an toàn. Nhưng ngay cả khi những cuộc khủng hoảng đó gây ảnh hưởng tới những quốc gia lớn và đe dọa thương mại giữa nhiều quốc gia, tác động của chúng có xu hướng không tồn tại trong một khoảng thời gian quá dài. Sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng năm 1941, chỉ số S&P 500 đã có sự phục hồi mạnh mẽ chỉ 12 tháng sau đó.
Chúng ta cũng cần ghi nhớ rằng sau thế chiến thứ 2, thị trường chứng khoán Mỹ trong mỗi thập kỷ có tới 7 năm tăng điểm. Điều này minh chứng cho việc các cuộc khủng hoảng địa chính trị hiếm khi có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngoại trừ trường hợp cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào những năm 70 của thế kỷ trước.
Tuy vậy, sự biến động trên thị trường trong ngắn hạn là điều không cần bàn cãi.
Vậy bằng cách nào các nhà đầu tư có thể tự bảo vệ mình trước những rủi ro địa chính trị?
Thật không may khi chúng ta không có một giải pháp nào phù hợp với mọi nhà đầu tư. Cách phòng hộ tốt nhất sẽ phụ thuộc vào bản chất của mỗi cuộc khủng hoảng, điều mà chúng ta khó có thể dự báo trước. Tuy nhiên, các nhà đầu tư có thể áp dụng một số nguyên tắc cơ bản sau đây:
Đầu tiên là đa dạng hóa thị trường đầu tư trên phương diện địa lý: Phần lớn các cuộc khủng hoảng địa chính trị sẽ ảnh hưởng tới một số quốc gia nhất định. Vì bạn không thể dự báo trước rằng các quốc gia nào sẽ bị ảnh hưởng, và mức độ ảnh hưởng ra sao, do đó, việc duy trì một danh mục đầu tư đa dạng thị trường là một trong những cách phòng hộ hiệu quả.
Cách thứ hai: Bạn nên cân nhắc tiếp cận với một số loại hình tài sản an toàn, trong đó phải kể đến vàng, đồng USD… Bạn cũng có thể đầu tư vào các quỹ phòng hộ nhằm mang lại sự yên tâm cho đồng tiền của mình.
Cách thứ ba, bạn hãy thử khám phá các phương pháp phòng hộ có khả năng tăng trưởng ngay cả khi các cuộc khủng hoảng có xu hướng hạ nhiệt. Phương án phòng hộ lý tưởng nhất là khoản đầu tư bạn kỳ vọng sẽ gia tăng giá trị trong dài hạn một khi cuộc khủng hoảng địa chính trị đó được giải quyết, nhưng vẫn có thể "lội ngược dòng" khi khủng hoảng đó diễn biến xấu đi.
Luôn tập trung về kết quả dài hạn chính là phương pháp thứ tư. Rủi ro địa chính trị thường không có tác động quá lâu dài. Do đó, bạn hãy cố tránh bị cuốn theo tâm lý hoảng loạn trên thị trường. Hơn thế nữa, các cuộc khủng hoảng luôn tiềm tàng và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, do đó, bạn hãy luôn giữ vững quan điểm này.
Và cuối cùng, bạn hãy xây dựng một phương án dự phòng để chống chọi lại với sự biến động trên thị trường. Ưu tiên là đảm bảo danh mục đầu tư được thiết kế sao cho sự biến động thị trường trong ngắn hạn không ảnh hưởng tới khả năng đạt được mục tiêu của bạn.
Chúng ta đều mong muốn điều tồi tệ nhất sẽ không xảy ra vì nó không chỉ là một thảm họa đối với thị trường mà còn là một thảm họa nhân đạo nghiêm trọng. Nhưng nếu mọi thứ không diễn ra như những gì chúng ta mong muốn, hãy tỉnh táo và đừng hoảng loạn. Vì biết đâu, những cuộc khủng hoảng địa chính trị như hiện tại lại là cơ hội để bạn đầu tư với một mức chi phí thấp hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận