Đầu tư chứng quyền có tiềm ẩn rủi ro cao?
Chứng quyền có bảo đảm (CW) là công cụ tài chính có mức độ rủi ro cao, nên nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ và cân nhắc các rủi ro trước khi thực hiện giao dịch sản phẩm mới này.
Ví dụ nhà đầu tư mua chứng quyền HPG khi đáo hạn.
Theo công bố của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), hiện có 26 mã cổ phiếu đủ điều kiện làm chứng khoán cơ sở cho sản phẩm CW, bao gồm CII, CTD, DHG, DPM, EIB, FPT, GMD, HDB, HPG, MBB, MSN, MWG, NVL, PNJ, REE, ROS, SBT, SSI, STB, TCB, VHM, VIC, VJC, VNM, VPB và VRE.
Cho đến thời điểm này, sản phẩm CW khi ra đời dự định sẽ thu hút được phần đông nhà đầu tư tham gia giao dịch. CW sẽ mang tới cơ hội cho nhà đầu tư được giao dịch với tỷ lệ đòn bẩy cao hơn nhiều so với giao dịch ký quỹ hiện tại. Theo đó, quy mô vốn bỏ ra ban đầu thấp, không phải chịu chi phí lãi vay margin, rủi ro thua lỗ gói gọn trong phần quyền phí bỏ ra ban đầu.
Theo ông Dương Văn Chung- Giám đốc Công ty Chứng khoán MBS khu vực miền Bắc, cho tới thời điểm này, có 7 công ty chứng khoán được cấp phép chào bán 9 mã chứng quyền. Theo quy định, CW có kỳ hạn từ 3- 24 tháng. Các công ty chứng khoán trong đợt phát hành đầu tiên chủ yếu tập trung vào kỳ hạn 3 tháng, bên cạnh kỳ hạn 6 tháng, phát hành theo tỷ lệ 1:1 (1 chứng quyền đổi 1 cổ phiếu cơ sở). Tỷ lệ chuyển đổi các mã còn lại thấp nhất là 5: 1 (5 chứng quyền đổi 1 cổ phiếu). Việc tỷ lệ chuyển đổi thấp giúp số lượng CW phát hành nhiều hơn so với cùng một khối lượng cổ phiếu cơ sở…
Để sở hữu CW, nhà đầu tư có thể dễ dàng đăng ký mua CW vào thời điểm các công ty chứng khoán chào bán tại thị trường sơ cấp hoặc mua trên thị trường thứ cấp sau khi CW được niêm yết trên sàn HoSE. Ngoài ra, nhà đầu tư không bị hạn chế về tỷ lệ sở hữu, trừ khi không được giao dịch ký quỹ đối với CW.
CW luôn được đảm bảo giao dịch và thanh toán bởi tổ chức phát hành. Không có trường hợp nhà đầu tư không thể bán lại CW đã mua cho công ty chứng khoán đã phát hành ra CW đó.
Ông Chung cho biết, đòn bẩytài chính trong đầu tư CW làm cho mức sinh lời của nhà đầu tư được gia tăng rất mạnh nếu thị trường diễn biến đúng như kỳ vọng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu thị trường không như dự đoán, nhà đầu tư có thể thua lỗ lớn hơn rất nhiều so với việc đầu tư trên thị trường chứng khoán cơ sở, thậm chí nhà đầu tư có khả năng mất toàn bộ số vốn đầu tư ban đầu đã được sử dụng mua CW.
Nếu chứng khoán cơ sở bị tạm dừng giao dịch hoặc hủy niêm yết thì CW cũng bị tạm dừng giao dịch hoặc hủy niêm yết.
Khác với chứng khoán cơ sở, CW luôn có vòng đời hữu hạn. Do đó vào thời điểm đáo hạn, nhà đầu tư sẽ không được tiếp tục nắm giữ CW như đầu tư cổ phiếu mà sẽ được thanh toán tiền hoặc mất khoản phí mua chứng quyền ban đầu.
Ngoài ra, giá CW thường xuyên thay đổi và chịu tác động từ nhiều yếu tố như lãi suất, cổ tức, cung- cầu… Điều này khiến cho chênh lệch giá CW giữa các thời điểm mua và bán của nhà đầu tư không phải lúc nào cũng tạo ra lợi nhuận như kỳ vọng.
Đặc biệt, rủi ro đầu tư chứng quyền có thể phát sinh khi tổ chức phát hành bị phá sản hoặc gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư khi CW đáo hạn. Do vậy, để sở hữu CW, nhà đầu tư nên thận trọng và cân nhắc trước khi xuống tiền mua CW...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận