24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Thái Minh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đầu tư chứng khoán thế nào trong 'mùa' đại dịch Corona?

Tính từ phiên giao dịch đầu năm Canh Tý (3/2) đến thời điểm hiện tại, vốn hóa VN-Index đã bốc hơi hơn gần 8,6 tỷ USD. Dữ liệu này phần nào cho thấy sức công phá khủng khiếp của đại dịch virus Corona tới thị trường chứng khoán. Vậy trong bối cảnh này, nhà đầu tư cần có chiến lược giao dịch thế nào?

Chốt phiên giao dịch 11/2, VN-Index tăng 3,94 điểm, tương đương 0,42% đạt 934,67 điểm. Các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến thị trường là BID, CTG và VPB khi đóng góp vào chỉ số lần lượt 1,99; 1,25 và 0,57 điểm tăng. Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index là VNM, GAS và HPG khi lấy đi của chỉ số lần lượt 0,91; 0,67 và 0,60 điểm.

Dù vậy, nếu xét từ phiên đầu năm Canh Tý (22/1) đến nay, VN-Index đã giảm tổng cộng 5,73%, vốn hóa vốn hóa VN-Index đã bốc hơi hơn gần 8,6 tỷ USD.

Các con số này phần nào cho thấy sức công phá khủng khiếp của đại dịch virus Corona tới thị trường. Vậy trong bối cảnh này, nhà đầu tư cần có chiến lược giao dịch thế nào?Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán Mirae Asset về vấm đề này.

Sau những ngày đầu giao dịch hậu Tết Nguyên đán liên tục trồi sụt, thị trường chứng khoán đã dần có sự cân bằng và hồi phục, bất chấp nỗi lo về dịch bệnh virus nCoV vẫn chưa qua. Ông đánh giá thế nào về diễn biến hiện tại của thị trường?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Sự hồi phục và cân bằng lại trong vài phiên gần đây của thị trường chỉ mang tính ngắn hạn tạm thời vì những hệ quả của Đại Dịch chưa được phản ánh hết vào các ngành và tình hình chung của nền kinh tế mà chỉ tác động trực tiếp tới hàng không, du lịch, dịch vụ ăn uống (F&B) hay nhà hàng khách sạn mà thôi.

Vì vậy diễn biến cân bằng này sẽ khó duy trì lâu và về cuối quý sẽ có sự phản ánh rõ nét hơn những hệ quả này. Mới đây Bộ Kế Hoạch Đầu tư vừa đưa ra 2 kịch bản GDP đều suy giảm khá nặng nề là điều không khó dự đoán. Ở góc độ phân tích và dự phóng định giá hay đánh giá tác động nhóm ngành thì cần thêm dữ liệu đổ về và lượng hoá rõ ràng trong khoản 1 tháng tới mà thôi!

Đầu tư chứng khoán thế nào trong 'mùa' đại dịch Corona?
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới CTCP Chứng khoán Mirae Asset
Một yếu tố cần lưu ý là từ phiên hậu Tết Nguyên Đán đến hiện tại (phiên 11/2), khối ngoại chủ đạo bán ròng và chỉ mua ròng duy nhất 2 phiên (3/2 và 7/2). Điều này cho thấy dòng tiền (vốn từng chủ đạo nâng đỡ thị trường) vẫn đang dè dặt? Quan điểm của ông thế nào?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Khi có một sự kiện mang tính bất ngờ hoặc dự phóng thành một rủi ro hệ thống thì hành động phòng vệ của các nhà đầu tư tổ chức là tương đối dễ hiểu, họ thường sẽ đảo danh mục qua nhóm cổ phiếu phòng thủ và tăng lượng tiền mặt lên để tăng sức đề kháng phòng ngừa rủi ro cho danh mục, nên việc họ bán ròng trong giai đoạn này không có gì khó hiểu và chúng ta phải chấp nhận việc đó nhưng một phần tất yếu của trạng thái hiện tại.

Quan điểm của tôi cho rằng họ cũng như nhà đầu tư nội là đang đợi số liệu thống kê để dự phóng và điều chỉnh lại các mô hình đầu tư mà họ đã chạy trước đó. Tuỳ khẩu vị rủi ro, chiến lược của từng quỹ mà giao dịch của họ sẽ phản ánh theo, nhưng phần lớn tôi vẫn nghiêng về độ bán ròng ít nhất trong quý 1 này của ngoại khối!

Sau nhiều phiên tăng điểm ấn tượng, nhóm cổ phiếu ngành dược đang bị chốt lời mạnh. Ông đánh giá thế nào về triển vọng nhóm này?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Ngành dược thường là nhà đầu tư nói chung về các công ty sản xuất thuốc đại diện, chứ thật ra phân ngành thì nó có sản xuất dược phẩm, thiết bị y tế và cơ sở khám chữa và chăm sóc (bệnh viện, phòng khám..). Việc chia ra phân ngành như vậy để thấy mức độ tác động về cung cầu sản phẩm trực tiếp của ngành. Với ngành dược hiện tại chúng ta thấy các loại kháng sinh hay thuốc để chữa corona đều đặc trị và gần như các công ty dược Việt Nam đều không cung ứng được, chỉ có ngành vật tư y tế và cơ sở khám chữa thật sự tăng cầu đột biến. Tuy nhiên nhóm này ko có niêm yết (listing) trên thị trường chứng khoán hiện tại. Vì vậy phản ứng tăng giá của nhóm dược thiên về tâm lý suy đoán và ngắn hạn là chính.
Nhiều công bố cho thấy dịch virus sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế và nhiều nhóm ngành. Quan điểm của cá nhân ông đánh giá thế nào? Nhóm ngành nào sẽ chịu tác động tiêu cực nhất và mức độ ảnh hưởng ra sao?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Như đã đề cập, đây là tổng quát cho cả nền kinh tế chứ không riêng gì các nhóm ngành niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện tại: hàng không, dịch vụ ăn uống, công ty lữ hành, nhà hàng khách sạn là tác động trực tiếp nhất bởi lượng khách du lịch ngưng đột ngột.

Nhóm bị tiêu cực thứ 2 đó là nông sản với thời gian lưu trữ ngắn như thanh long, sầu riêng, dưa hấu, khoai… bị ách tắc tại cảng thông quan cũng như tụt cầu nghiêm trọng từ Trung Quốc buộc phải quay lại tiêu thụ ở thị trường nội địa và giảm giá để tiêu thụ (các vụ giải cứu nông sản đang diễn ra).

Các ngành bị tác động một cách dài hạn hơn như dệt may, công nghiệp điện, điện tử, giày da… vì phụ thuộc nguồn cung nguyên vật liệu và máy móc thiết bị từ thị trường Trung Quốc đột ngột tắc nghẽn do bên họ cũng tạm ngưng sản xuất. việc bổ sung nguồn cung cấp khác sẽ gặp các vấn đề về giá cả, vận chuyển, và chất lượng hàng hoá…

Về nhóm ngành được lợi (có nêu ở câu trả lời số 3) đó là nhóm vật tư y tế, cơ sở điều trị thăm khám là tác động trực tiếp nhất, ngoài ra đi kèm theo đó là một số ngành về tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, nhu yếu phẩm … (nhu cầu tích trữ lương thực thực phẩm đề đối phó dài hạn hơn với dịch bệnh do sự hạn chế di chuyển và lo ngại lây lan)

Về quan điểm đầu tư trong giai đoạn hiện tại, ông có lời khuyên gì với nhà đầu tư?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Một cách tổng thể thì đây tiếp tục là một "black swan" (Thiên Nga Đen) của thị trường, điều này nói lên rằng mọi dự đoán trước đó gần như đều bất ngờ, vì vậy ko thể nói rằng tôi đã dự như thế này, tôi đã làm như thế kia mà chiến lược hiện tại sẽ là thích nghi với trạng thái mới của thị trường và điều chỉnh lại chiến lược một cách hợp lý nhất ưu tiên về phòng thủ.

Bức tranh vĩ mô tổng thể nói gì thì nói vẫn sẽ là sự sụt giảm nặng nề về GDP trong quý 1 và có thể lan qua tới quý 2 nếu tình hình kiểm soat dịch bệnh cải thiện chậm.

Việc cần làm hiện tại của nhà đầu tư là cần rà soát lại danh mục và chiến lược hiện tại của mình xem trạng thái như thế nào, nếu ở mức đòn bẩy quá cao cần điều chỉnh, chi tiết hơn nên xem danh mục có thuộc những nhóm ngành ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp hay không, rà soát lại nguồn lực để có thể bổ sung vốn bình quân hoặc thay đổi chiến lược từ ngắn hạn sang dài hạn để chờ đợi sự phục hồi tổng thể của Vĩ mô và ngành vì thường sau mỗi đợt dịch thì thị trường luôn phục hồi cao hơn nhờ sự gia tăng sản xuất, các chính sách hỗ trợ từ chính phủ để phục hồi trạng thái bình thường của nền kinh tế, bên cạnh đó là các dịch vụ và sản phẩm sáng tạo thích nghi ra đời… Sau cơn mưa trời lại sáng!

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả