Đấu thầu gói thầu EPC xây nhà máy nước Hòa Liên (Đà Nẵng): BDCC tố chủ đầu tư loại nhà thầu không đúng quy định của pháp luật
Tổng Cty Xây dựng Bạch Đằng – CTCP (BDCC) vừa có đơn kiến nghị phản đối lần 3 vì bị loại ở bước đánh giá tính hợp lệ của đơn dự thầu khi tham gia đấu thầu Gói thầu thiết kế, cung cấp thiết bị và xây lắp công trình (EPC) có giá hơn 1.031 tỷ đồng thuộc dự án Nhà máy nước Hòa Liên (Đà Nẵng).
Công văn kiến nghị lần 3 của BDCC gửi cơ quan chức năng TP Đà Nẵng
Gói thầu EPC nói trên sử dụng ngân sách TP Đà Nẵng, được đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng trực tiếp mời thầu.
Nội dung chính của Gói thầu là lập thiết kế bản vẽ thi công Nhà máy nước Hòa Liên công suất 120.000 m3/ngày đêm; cung cấp lắp đặt thiết bị công nghệ; thi công xây dựng nhà máy, trạm bơm, tuyến ống và đập dâng... Gói thầu được đóng/mở thầu vào chiều ngày 16/9/2019 với sự tham gia của 5 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT).
Trong HSDT của Liên danh Tổng Cty Xây dựng Bạch Đằng – Cty CP VIWASEEN 3 – Cty CP Đầu tư và xây dựng số 18 – Cty CP nước và môi trường Việt Nam (Liên danh BDCC - VIWASEEN 3 – LICOGI 18 – VIWASE) có nộp Giấy ủy quyền ngày 28/8/2019, Điều lệ Tổng Cty xây dựng Bạch Đằng và thỏa thuận liên danh.
Giấy ủy quyền với nội dung ông Vũ Quang Bảo – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Cty Xây dựng Bạch Đằng ủy quyền cho ông Nguyễn Văn An ký thỏa thuận liên danh với 3 thành viên còn lại của Liên danh trong quá trình tham gia đấu thầu Gói thầu EPC nói trên. Văn bản ủy quyền cũng nêu, người được ủy quyền chỉ thực hiện các công việc trong phạm vi ủy quyền với tư cách đại diện hợp pháp của Tổng Cty Xây dựng Bạch Đằng (giấy ủy quyền có hiệu lực từ ngày 5/9/2019 – 20/2/2020).
Điều lệ Tổng Cty Xây dựng Bạch Đằng quy định Tổng Giám đốc có quyền hạn và trách nhiệm thực hiện các quy chế nội bộ của Tổng Cty Xây dựng Bạch Đằng.
Thỏa thuận liên danh được ký ngày 28/8/2019. Theo đó, 4 thành viên của Liên danh BDCC - VIWASEEN 3 – LICOGI 18 – VIWASE thống nhất ủy quyền cho Tổng Cty Xây dựng Bạch Đằng làm thành viên đứng đầu liên danh, đại diện cho liên danh ký đơn dự thầu; ký các văn bản, tài liệu để giao dịch với Bên mời thầu; thực hiện bảo lãnh dự thầu cho cả liên danh; ký đơn kiến nghị trong trường hợp nhà thầu có kiến nghị…
Ngày 30/9/2019, chủ đầu tư có văn bản gửi Liên danh BDCC - VIWASEEN 3 – LICOGI 18 – VIWASE thông báo kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật Gói thầu EPC trên. Theo đó, chỉ duy nhất Liên danh Cty CP Xây dựng số 5 – Cty TNHH Đầu tư xây dựng KCON – Cty CP Tư vấn, Đầu tư và xây dựng công nghiệp HPC – Cty CP Đầu tư phát triển nước và môi trường Đại Việt được chọn. Còn 4 nhà thầu bị loại, trong đó có Liên danh BDCC - VIWASEEN 3 – LICOGI 18 – VIWASE vì bị đánh giá là đơn dự thầu không hợp lệ do người ký đơn dự thầu là ông Nguyễn Văn An – Tổng Giám đốc Tổng Cty Xây dựng Bạch Đằng không phải là đại diện hợp pháp của nhà thầu.
Sau khi chủ đầu tư có kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật Gói thầu EPC nói trên, Tổng Cty Xây dựng Bạch Đằng đã bổ sung quy chế nội bộ về quản trị Tổng Cty, trong đó Điều 38 của Quy chế quy định Tổng Giám đốc được “ký hồ sơ dự thầu và các văn bản liên quan trong quá trình đấu thầu”. Đồng thời, Tổng Cty xây dựng Bạch Đằng xin tham vấn ý kiến của cơ quan chức năng và liên tiếp gửi đơn kiến nghị tới chủ đầu tư đề nghị xem xét lại việc loại nhà thầu này ở bước đánh giá về tính hợp lệ của đơn dự thầu vì cho rằng, việc loại nhà thầu của chủ đầu tư là vội vàng và không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn một mực bảo lưu ý kiến của mình.
Ngày 15/10/2019, chủ đầu tư đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu EPC nói trên với Liên danh Cty CP Xây dựng số 5 – Cty TNHH Đầu tư xây dựng KCON – Cty CP Tư vấn, Đầu tư và xây dựng công nghiệp HPC – Cty CP Đầu tư phát triển nước và môi trường Đại Việt với giá trị trúng thầu 1.031.333.945.323 đồng.
Một số chuyên gia đấu thầu cho rằng, việc ông Nguyễn Văn An ký đơn dự thầu, ký các tài liệu trong HSDT Gói thầu EPC nói trên là đúng quy định về thỏa thuận Liên danh và trong thời gian đánh giá HSDT, nhà thầu có thể gửi bổ sung tài liệu làm rõ nhằm chứng minh tính hợp pháp của người ký đơn dự thầu theo quy định tại Khoản 2, Điều 16, Nghị định 63/2014/NĐ-CP.
Theo Điều 16, Nghị định 63/2014/NĐ-CP, ngoài trường hợp nhà thầu được phép gửi tài liệu làm rõ về tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của mình thì bên mời thầu cũng có trách nhiệm yêu cầu nhà thầu làm rõ HSDT. Thế nhưng, từ lúc đóng/mở thầu đến lúc thông báo kết quả đánh giá về hồ sơ đề xuất kỹ thuật, chủ đầu tư không yêu cầu Tổng Cty Xây dựng Bạch Đằng làm rõ tư cách hợp lệ của đơn dự thầu.
Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên, Đà Nẵng.
Theo đại diện Tổng Cty Xây dựng Bạch Đằng, tháng 2/2019, Liên danh Tổng Cty Xây dựng Bạch Đằng và Cty CP Xây dựng số 5 đã được lựa chọn trúng Gói thầu 1.13 thuộc dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng thông qua đấu thầu quốc tế (giá trúng thầu 447,368 tỷ đồng; thời gian thực hiện hợp đồng là 12 tháng). Gói thầu sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu cũng có nội dung ủy quyền tương tự như Gói thầu EPC của dự án Nhà máy nước Hòa Liên.
Như vậy, việc lựa chọn nhà thầu của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng liệu đã đúng quy định, có đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu? Mong rằng UBND TP Đà Nẵng sớm xem xét chỉ đạo để tránh thất thoát ngân sách thành phố và đảm bảo sự minh bạch trong đấu thầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận