Dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang đấu tranh để tái cân bằng nền kinh tế
Trong bài viết đăng trên tờ Financial Times ngày 18/1, Giáo sư Michael Pettis, chuyên ngành tài chính tại Đại học Bắc Kinh và là thành viên cấp cao của Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua, cho rằng thặng dư của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng khi Bắc Kinh đấu tranh để kiềm chế nợ và đẩy mạnh tiêu dùng trong nước.
Ngày 14/1 vừa qua, Trung Quốc đã báo cáo thặng dư thương mại hàng tháng lớn nhất trong lịch sử là 94,5 tỷ USD. Mặc dù tiêu dùng đình trệ, song trong hai năm qua, thặng dư thương mại hàng tháng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới liên tục lập các mức cao kỷ lục.
Tuy nhiên, mặc dù thặng dư thương mại tăng vọt có thể là điều may mắn khi xảy ra đúng vào thời điểm Trung Quốc cần cân bằng lượng tiêu thụ đang trì trệ, điều này lại có thể gây hiểu lầm về mối quan hệ giữa tiêu dùng nội địa và thương mại.
Trái ngược với nhiều giả định, thặng dư thương mại ngày càng tăng của Trung Quốc không phải là dấu hiệu của năng lực sản xuất, cũng không phải là bằng chứng của văn hóa tiết kiệm. Thay vào đó, đây là hệ quả của khó khăn lớn mà Trung Quốc đã gặp phải trong việc tái cân bằng nền kinh tế trong nước và kiềm chế nợ tăng cao.
Điều này là do chính những điều kiện để giải thích cho tiêu dùng nội địa trì trệ cũng được dùng để giải thích cho sự tăng trưởng nhanh chóng trong xuất khẩu của Trung Quốc so với nhập khẩu. Điều này đúng không chỉ với Trung Quốc mà còn với tất cả các quốc gia có thặng dư thương mại dai dẳng.
Cho dù đó là những nền kinh tế có mức lương cao như Đức và Nhật Bản hay những nền kinh tế có mức lương thấp hơn như Trung Quốc và Việt Nam, thì khả năng cạnh tranh quốc tế của những nước này chủ yếu dựa trên mức lương thấp mà người lao động nhận được so với năng suất.
Tuy nhiên, chính mức lương thấp so với năng suất đã hạn chế khả năng của các hộ gia đình tiêu thụ một phần đáng kể những gì được sản xuất. Ở tất cả các quốc gia này, các hộ gia đình nhận được tỷ trọng Tổng sản phẩm quốc nội thấp (GDP) hơn so với các đối tác thương mại của họ, đó là lý do tại sao các nước này cũng tiêu thụ một tỷ trọng thấp hơn.
Đây không phải lúc nào cũng là một điều xấu. Vào những năm 1980, việc kiềm hãm tiêu dùng cho phép Bắc Kinh hướng một lượng lớn các nguồn tài nguyên mới sản xuất vào các lĩnh vực đầu tư cấp thiết. Kết quả là tăng trưởng nhanh chóng và bền vững khi Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất mà nước này cần gấp.
Tuy nhiên, điều này đã thay đổi cách đây khoảng 10-15 năm, khi Trung Quốc bắt đầu đầu tư nhiều vào phát triển bất động sản và cơ sở hạ tầng. Đó là khi khoản nợ được sử dụng để tài trợ cho đầu tư tăng nhanh hơn lợi ích kinh tế của khoản đầu tư đó, cuối cùng khiến đất nước có gánh nặng nợ tăng nhanh nhất trong lịch sử.
Bắc Kinh đã nhìn ra giải pháp cho vấn đề này trong nhiều năm. Để kiểm soát tình hình nợ tăng cao và khoản đầu tư phi sản xuất mà nước này tài trợ, Trung Quốc phải cân bằng lại việc phân phối thu nhập sao cho tăng trưởng chủ yếu do tiêu dùng tăng, như trường hợp của hầu hết các nền kinh tế khác. Tuy nhiên điều này đòi hỏi một sự tái cấu trúc kinh tế khó khăn về mặt chính trị, trong đó phần lớn hơn trong tổng thu nhập – tương đương khoảng 10 đến 15 điểm phần trăm GDP – sẽ được chuyển từ các chính quyền địa phương sang các hộ gia đình Trung Quốc.
Đây là lý do tại sao thặng dư thương mại là vấn đề quan trọng. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã cố gắng làm chậm tốc độ gia tăng nợ bằng cách giảm đầu tư phi sản xuất vào bất động sản và cơ sở hạ tầng. Năm nay, như chúng ta đã thấy với Evergrande, Trung Quốc đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản.
Nếu một phần tăng lên trong tổng thu nhập của Trung Quốc thuộc về các hộ gia đình bình thường, thì việc giảm đầu tư của các nhà phát triển bất động sản có thể được cân bằng bởi sự gia tăng tiêu dùng. Tuy nhiên đó không phải là những gì đã xảy ra.
Xuất khẩu tăng thường là một điều tốt, nhưng đối với các quốc gia có thặng dư thương mại tăng như Trung Quốc thì không. Trong trường hợp này, đây là những triệu chứng của sự mất cân đối sâu sắc và dai dẳng trong phân phối thu nhập trong nước. Cho đến khi đất nước có thể đảo ngược sự mất cân bằng này thì những khoản thặng dư lớn chỉ là hậu quả của những nỗ lực kiểm soát nợ của chính phủ và vì vậy chúng sẽ vẫn tồn tại.
Điều này cũng rất quan trọng đối với một thế giới đang phải vật lộn với nhu cầu yếu. Để Trung Quốc có thặng dư gần 5% GDP, phần còn lại của thế giới phải thâm hụt tương đương 1% GDP.
Khi Trung Quốc vật lộn với khoản nợ ngày càng lớn và khó khăn trong việc tái cân bằng thu nhập trong nước, phần còn lại của thế giới sẽ phải tiếp tục hấp thụ thặng dư thương mại ngày càng tăng của nước này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận