Dấu hiệu cho thấy Nga đang bế tắc tại Ukraine
Theo bài phân tích của tác giả Milan Vodička đăng trên trang mạng idnes.cz ngày 3/3, đoàn xe quân sự tưởng chừng như kéo dài vô tận của Nga hướng về Kiev gần như đã phải đứng yên trong chiều 2/3, ngày thứ bảy kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine mở màn. Đó chính là hình ảnh cụ thể cho tình thế bế tắc của quân đội Nga trên chiến trường hiện nay: người Nga dường như không biết tiếp theo sẽ phải đi đâu.
Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố phát động một ‟chiến dịch quân sự đặc biệtˮ hôm 24/2, thực chất là một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn đầu tiên của một quốc gia chống lại một quốc gia khác ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, người đứng đầu Điện Kremlin cũng khẳng định đã ra lệnh tuyên bố phải chiến thắng trước ngày 2/3. Tuy nhiên, khi tới thời hạn trên, cụ thể là đến chiều 2/3, tình hình trên chiến trường cho thấy người Nga vẫn chưa thu được gì. Quân đội Nga, sau nhiều năm hiện đại hóa với những khoản đầu tư khổng lồ và được đánh giá là đã ở cùng trình độ với phương Tây, lại thể hiện một cách kém cỏi trên chiến trường Ukraine. Điều này khiến ngay cả giới chuyên gia quân sự khi phân tích tình hình hiện tại cũng phải đau đầu vì không biết nên coi trọng chủ nghĩa áp đảo, hay xem xét liệu đây có phải là một chiến thuật nghi binh đánh lừa đối thủ cực kỳ tinh vi của quân đội Nga hay không?
Những chiếc xe tăng, xe quân sự Nga liên tục phải dừng lại do hết dầu, hết đạn, thậm chí hết cả lương thực, thực phẩm dành cho binh sỹ. Nhiều lính Nga còn trẻ, thiếu kinh nghiệm thực chiến, có vấn đề về bản lĩnh và tinh thần chiến đấu, đã tìm cách gây hỏng hóc cho xe tăng của mình để không phải chiến đấu. Những binh sỹ này không biết mình đang ở đâu và tại sao lại ở đó, phải nhờ người dân địa phương chỉ đường, và có phần giống như những đứa trẻ mắc lỗi ở trường học. Những hình ảnh video quay trên chiến trường Ukraine cho thấy hàng đoàn dài xe quân sự của Nga bị tấn công, phá hủy, thể hiện rõ sự bất lực của các binh sỹ và chỉ huy cấp cao của quân đội Nga.
Người Nga dường như đã kỳ vọng cuộc chiến này sẽ là một đòn tấn công thần tốc tới thủ đô Kiev của Ukraine. Tình báo Anh trước đó đã nắm được một báo cáo mật về Ukraine do FSB (Tổng cục An ninh Liên bang Nga), cơ quan kế thừa KGB lừng danh, chuẩn bị theo đúng phong cách truyền thống để báo cáo lên Bộ Chính trị dưới thời Liên Xô cũ. Bản báo cáo này đánh giá người dân Ukraine nói chung không hài lòng với giới lãnh đạo đất nước. Đây có thể là lý do đã khiến Nga cho rằng người dân Ukraine sẽ cảm thấy được giải phóng khi xuất hiện xe tăng Nga tại Kiev. Tuy nhiên, Nga đã kích động một điều mà họ hiểu rõ hơn ai hết: tinh thần chiến đấu từng được hun đúc trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Tại thủ đô Kiev, quân Ukraine đã đào các dãy chiến hào và hầm trú ẩn, giống như cảnh tượng người Ukraine trên khắp mọi miền đất nước chuẩn bị chiến đấu chống lại phát xít Đức trong những ngày đầu Đức tấn công Liên Xô. Điều này gợi ra một viễn cảnh rằng ngay cả sau khi thất bại trong cuộc chiến hiện nay, nơi đây vẫn có thể sẽ biến thành một cơn ác mộng Afghanistan khác đối với người Nga. Trong khi đó, mặc dù các thành phố của Ukraine đang bị đe dọa bao vây, nhưng thực ra chính Nga mới đang bị bao vây, cô lập trên toàn cầu do tấn công Ukraine. Ngay cả một số quốc gia trung lập cũng đã phản đối Nga, trong khi biểu tình phản đối cũng diễn ra ở Tehran (Iran), còn Trung Quốc đang đứng ngoài cuộc. Điều đó có nghĩa là trên bình diện quốc tế, cuộc tấn công Ukraine là một thất bại của Nga.
Các chuyên gia hiện vẫn đang tranh cãi về việc liệu Nga có sử dụng ưu thế vượt trội để bao vây Kiev hay chinh phục thủ đô của Ukraine ngay lập tức. Tuy nhiên, đó chỉ là những toan tính trên lý thuyết, bởi các chuyên gia cũng chỉ rõ với những số liệu cụ thể rằng để thực hiện một cuộc tấn công trên chiến trường, đòi hỏi bên tấn công phải có ưu thế gấp 3 lần về lực lượng, trong khi để tấn công trong thành phố, ưu thế này sẽ phải gấp 6 lần. Nhưng Nga đang không có được ưu thế lớn như vậy. Do đó, Nga chỉ có thể bao vây và pháo kích - như thực tế lịch sử tàn phá thủ phủ Grozny của Chechnya đã cho thấy – bởi khi không thể tiến thêm lên phía trước, giải pháp của quân đội Nga sẽ là pháo kích vào thành phố. Để so sánh, trong cuộc chiến tại Nam Tư cũ, số lượng đạn pháo dội vào Sarajevo trong những ngày tồi tệ nhất của cuộc bao vây thành phố này là 3.500 quả mỗi ngày, trong khi tại Grozny lên đến 4.000 quả, nhưng tính theo mỗi giờ.
Chính vì vậy, cho dù hiện tại cuộc chiến vẫn diễn ra và chưa thể dự đoán kết quả, song có thể dễ dàng liên tưởng đến những bài học Grozny hay trước đó là Afghanistan, khi người Nga đang phải đối mặt với thực tế là không biết phải làm gì tiếp theo tại Kiev.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận