Đấu giá đất Thủ Thiêm: Chuyên gia nói điều bất ngờ khi Tân Hoàng Minh và Bình Minh bỏ cọc
Liên quan đến đấu giá đất Thủ Thiêm, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, giả sử cả 4 doanh nghiệp trong đó có Tân Hoàng Minh và Bình Minh, trúng đấu giá đều "bỏ cuộc" thì đất vẫn còn đó, Nhà nước không mất tiền, ngược lại còn được tiền, thậm chí rất nhiều tiền.
Liên quan đến đấu giá đất Thủ Thiêm, như Dân Việt đã đưa tin, Cục thuế TP.HCM xác nhận, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh (DN Bình Minh) đã có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có Cục thuế TP.HCM có nội dung "xin không tiếp tục thực hiện dự án tại lô đất đã trúng đấu giá ở Thủ Thiêm".
Trước đây, doanh nghiệp này đã vượt qua 140 lượt gọi giá với 13 doanh nghiệp khác để trúng đấu giá lô đất với số tiền 5.026 tỷ đồng - gấp 6,9 lần so với giá khởi điểm.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, ngoài Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (trực thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) có văn bản xin bỏ cọc, thì chỉ có Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh thương mại Bình Minh là đơn vị thứ hai xin "không tiếp tục thực hiện dự án trên lô đất trúng đấu giá ở Thủ Thiêm". 2 doanh nghiệp còn lại - theo Cục thuế TP.HCM đến hạn nhưng chưa đóng tiền.
Liên quan đến vấn đề này, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế.
Vụ đấu giá đất Thủ Thiêm: Doanh nghiệp bỏ cọc là quyết định "đau đớn", Nhà nước được tiền
Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc và đến nay thêm một doanh nghiệp là DN Bình Minh xin không tiếp tục thực hiện dự án trên lô đất trúng đấu giá ở Thủ Thiêm?
- Người ta trúng đấu giá xong người ta bỏ hay xin không tiếp tục thực hiện dự án và mất cọc là chuyện bình thường. Điều đó đã được thiết kế trong quy định về đấu giá. Hay nói cách khác, khi tổ chức đấu giá và có người trúng đấu giá đã lường trước đến chuyện bỏ cọc, vì vậy mới có quy định đặt cọc.
Không phải cứ trúng đấu giá nhưng các doanh nghiệp cùng nhau bỏ cọc thì coi vụ đấu giá đất đó như là "trò đùa" giống như suy nghĩ của một số người. Theo tôi, đó là tư duy hoàn toàn không đúng.
Trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm này, theo quy chế, ngày 6/2 các doanh nghiệp phải đóng lệ phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất (đợt 1). Tuy nhiên, ngoài 2 doanh nghiệp là Tân Hoàng Minh và DN Bình Minh, tôi cho rằng, nhiều khả năng 2 doanh nghiệp còn lại cũng sẽ bỏ cọc.
Giả sử cả 4 doanh nghiệp trúng đấu giá lần này đều bỏ cuộc thì đất vẫn còn đó chờ cuộc đấu giá lần sau, ngân sách Nhà nước vẫn được bổ sung thêm hơn 1.000 tỷ đồng từ tiền đặt cọc. Như vậy, dù trong trường hợp này thì Nhà nước không mất tiền, ngược lại còn được tiền, thậm chí rất nhiều tiền.
Nói như ông, ngân sách vẫn hưởng lợi vậy còn doanh nghiệp bỏ cọc hay xin không tiếp tục dự án thì sao, thưa ông?
- Doanh nghiệp mất rất nhiều, cả vô hình và hữu hình.
Thứ nhất, các doanh nghiệp này đã bỏ ra rất nhiều công sức để tham gia đấu giá như Tân Hoàng Minh hay Bình Minh,… tốn thời gian, tốn công sức.
Hai là, những doanh nghiệp này cũng phải lo một khoản tiền lớn, như Tân Hoàng Minh là gần 600 tỷ đồng, Bình Mình đâu đó khoảng hơn 100 tỷ đồng.
Ba là, tất cả những người đi đấu giá nghiêm túc đều mong muốn là trúng đấu giá chứ không phải không trúng và như vậy mỗi một bước giá họ đều phải tính toán chứ không phải "thích sao bỏ vậy" bởi điều này còn ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Tôi lấy ví dụ như trường hợp của Tân Hoàng Minh, khi quyết trả giá cao như vậy thì gần như doanh nghiệp đã phải đảo lộn toàn bộ tính toán của họ không chỉ với lô đất đó là mà kế hoạch của cả tập đoàn.
Doanh nghiệp "cực chẳng đã" mới bỏ cọc chứ nếu không doanh nghiệp nào mong muốn bỏ ra bao nhiêu công sức, tiền của nhưng bây giờ vừa mất trắng cả mấy trăm tỷ, vừa chịu cả tai tiếng,…Tóm lại, thiệt hại của doanh nghiệp là rất nhiều kể cả vô hình và hữu hình, nên quyết định như thế là quyết định "đau đớn".
Doanh nghiệp đều bỏ cọc thì ngân sách vẫn được rất nhiều tiền, nhưng nhiều người cho rằng, cái giá phải trả rất đắt đó là rối loạn, thổi giá bất động sản, ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính hay nhiều người cho rằng vụ trúng đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua làm rối loạn, thổi giá hay nhiễu loạn thị trường bất động sản – theo tôi là "nói bừa". Họ phải chứng minh được thông qua đấu giá đó thổi giá thị trường là thổi thế nào, nhiễu loạn thị trường thế nào và ai được lợi?, Liệu có doanh nghiệp như Tân hoàng Minh hy sinh mình để thổi giá, nhiễu loạn thị trường chung để làm gì? Những người đằng sau giấu mặt được hưởng lợi từ thổi giá đất, nhiễu loạn thị trường là ai và làm thế nào có thể "xui khiến" được doanh nghiệp làm như thế?. Chúng ta phải phân tích cụ thể từng vấn đề này.
Cá nhân tôi cho rằng, không có bằng chứng, căn cứ gì việc đấu giá đất Thủ Thiêm như thế làm rối loạn thị trường cả.
Đây là trường hợp đấu giá đặc biệt, đất Thủ Thiêm là đất đặc biệt và mảnh đất trúng đấu giá là mảnh đất đặc biệt.
Doanh nghiệp cần thận trọng khi bỏ giá, tránh trường hợp "say mồi"
Ông đã từng chia sẻ, đấu giá đất công khai, minh bạch như ở Thủ Thiêm lần này chứng tỏ lợi ích không thể chối cãi khi giao hoặc chuyển quyền sử dụng đất công. Cuộc đấu giá diễn ra công khai với hàng chục lần nâng giá đấu quyết liệt cho thấy hơi thở của thị trường đang thổi vào một lĩnh vực nhiều năm nay vẫn còn tranh tối tranh sáng giữa cơ chế xin - cho với cơ chế thị trường đích thực. Vậy để đấu giá đất thực sự phát huy được hiệu quả như ông nói thì cần phải lưu ý vấn đề gì, thưa ông?
- Thứ nhất, chúng ta cần rà soát lại tất cả các vấn đề xung quanh câu chuyện đấu giá đất, đảm bảo công khai, minh bạch. Ai có đủ điều kiện muốn tham gia phải được tham gia. Tổ chức đấu giá phải cạnh tranh lành mạnh, tránh như một số nơi đấu giá thậm chí dùng cả xã hội đen vào để gây áp lực để thắng trong đấu giá.
Hai là, định giá khởi điểm phải tính toán chính xác hơn. Giá khởi điểm và giá trúng đấu giá chênh nhau đến 8 lần như câu chuyện đấu giá đất tại Thủ Thiêm cho thấy, định giá khởi điểm là có vấn đề.
Ba là, tỷ lệ cọc có thể tăng lên 30 – 40% chẳng hạn, tôi lấy ví dụ thế cũng sẽ hạn chế chuyện bỏ cọc.
Chẳng hạn, khi định giá khởi điểm sát hơn, tỷ lệ cọc 30% - 40%, khi doanh nghiệp bỏ bọc họ sẽ thiệt hại một khoản tiền lớn. Do đó, doanh nghiệp phải rất thận trọng khi đấu giá. Khi trúng đấu giá rồi họ cũng phải rất thận trọng khi bỏ cọc, tự nhiên "ném" đi hàng trăm tỷ như thế?
Cuối cùng, phải rà soát lại quy trình từ lúc chống đấu giá đến thanh toán, hiện nay là 3 tháng – theo tôi tương đối dài. Ngày xưa tiềm lực doanh nghiệp còn yếu thì khoảng thời gian này là phù hợp nhưng bây giờ nhiều DN tham gia, tài chính mạnh có thể tính đến việc rút ngắn khoảng thời gian này, ví dụ như 1 tháng buộc họ phải có phương án tài chính ngay khi trúng đấu giá thực hiện các nghĩa vụ. Trong trường hợp bất khả kháng người ta bỏ cọc mình có thêm thời gian để tổ chức đấu giá lại.
Đối với doanh nghiệp thì sao, điều gì quan trọng nhất khi tham gia đấu giá, thưa ông?
- Với doanh nghiệp theo tôi thận trọng là yếu tố quan trọng nhất khi tham giá vào trúng đấu giá vì nếu không thiệt hại không chỉ là tài chính mà còn là uy tín.
Ngoài việc phải cạnh tranh lành mạnh, doanh nghiệp cần thận trọng hơn trong vấn đề bỏ giá, tránh trường hợp "say mồi" lao đầu vào đấu giá đến khi bỏ bọc mất đi một khoản tiền lớn. Đồng thời, doanh nghiệp phải có phương án tài chính cho mỗi bước giá của mình.
Vâng xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận