24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trọng Vinh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đấu giá biển số ô tô: Tiền thu được sẽ phân bổ thế nào?

Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương…

Theo đó, Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất biển số được lựa chọn đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký mà cơ quan đăng ký dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm.

Giá khởi điểm của biển số được chia thành hai loại: Vùng 1, gồm Hà Nội và TP.HCM, được tính theo công thức Gkđ = Glp x 2. Vùng 2, các tỉnh còn lại, Gkđ = Glp x 10. Trong đó, Gkđ là giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá, đơn vị tính là Việt Nam đồng; Glp là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương đó.

Người trúng đấu giá được quyền ký hợp đồng với cơ quan, tổ chức đấu giá để xác lập quyền đối với biển số trúng đấu giá; được sử dụng biển số trúng đấu giá; khi chuyển nhượng xe, được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu (biển số đi theo người).

Đáng chú ý, Bộ Công an cho biết Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 chưa quy định về sử dụng tiền thu được từ đấu giá biển số, cơ chế trích lại % số tiền thu được từ đấu giá biển số cho ngân sách địa phương.

Hiện nay, Bộ Công an đang thực hiện thu lệ phí đăng ký số tiền hàng năm rất lớn, theo thống kê năm 2020 thu 3.892 tỉ Việt Nam đồng, 6 tháng đầu năm 2021 thu 1.797 tỉ Việt Nam đồng và toàn bộ số tiền này đều nộp vào ngân sách nhà nước; trong khi nguồn chi phí cho việc thu lệ phí đăng ký, cấp biển số do ngân sách nhà nước bố trí theo quy định của pháp luật còn rất thấp.

Bộ Công an cho rằng thu được số tiền từ đấu giá, lệ phí đăng ký xe và phân bổ hợp lý giữa trung ương và địa phương để đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phục vụ công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách để phát triển kinh tế - xã hội.

Do vậy, dự thảo này đề xuất số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.

Bộ Công an nhận định việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá sẽ giúp chuyển đổi từ biển số đi theo xe sang biển số đi theo người, rất thuận lợi cho việc xác định chủ xe là ai, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Việc đấu giá biển số cũng đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để chủ phương tiện có quyền lựa chọn biển số xe theo sở thích, song hành với hệ thống đăng ký xe bằng hình thức ngẫu nhiên hiện nay.

Cùng đó là khai thác có hiệu quả biển số (tài sản công) để tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ đấu giá biển số, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phục vụ công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách để phát triển kinh tế - xã hội.

Liên quan đến đề xuất này, trước đó, năm 1993, Bộ Công an chỉ đạo Công an Hải Phòng nghiên cứu và tổ chức thí điểm đăng ký, cấp biển số, thu lệ phí biển số xe tự chọn. Sau 2 tháng triển khai thực hiện đã có 94 trường hợp tự chọn biển số trên tổng số 198 xe đăng ký (đạt 47%).

Bộ Công an đã tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm, có công văn báo cáo và được Thủ tướng đồng ý cho triển khai việc thu phí biển số xe tự chọn trên toàn quốc. Tuy nhiên sau đó dư luận có nhiều ý kiến trái chiều nên việc này bị dừng lại.

Năm 2008, Công an Bình Dương, Nghệ An, Khánh Hòa, Kiên Giang, Tiền Giang, Bắc Ninh, Sơn La và Hà Nội báo cáo Bộ Công an xin ý kiến về việc đấu giá biển số xe. Sau khi trao đổi thống nhất với các bộ, Bộ Công an tiếp tục có công văn báo cáo và được Thủ tướng đồng ý nghiên cứu.

Các đơn vị chức năng đã dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn việc đấu giá quyền sử dụng biển số xe, lấy ý kiến tham gia nhiều lần của các bộ, ngành và địa phương nhưng không được ban hành do vướng mắc về cơ sở pháp lý.

Đến năm 2010, Bộ Công an ban hành Thông tư số 36/2010 quy định về đăng ký xe; trong đó quy định biển số xe 5 số thay thế loại biển 4 số và có dấu chấm ở hàng số thứ 3 nên cũng đã làm thay đổi quan niệm về số đẹp, dãy số đẹp.

Ngày 30/9/2011, Bộ Tài Chính có văn bản báo cáo và Thủ tướng đồng ý cho tạm dừng việc đấu giá biển số.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả