menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Quang Anh

Đau đầu vì đăng kiểm

Tài xế Đặng Sánh đánh xe vào bãi đỗ của trung tâm đăng kiểm ở TP Bắc Giang đã thấy 10 xe xếp hàng dù lúc này mới là hơn 1h sáng, ngày 31/12.

Người đàn ông 35 tuổi ở huyện Tân Yên cho biết, hôm 30/12 đã đến đây nhưng đông quá không chờ được. Đến 7h sáng, xe anh đến lượt kiểm tra, kỹ thuật viên đăng kiểm chỉ ra hàng loạt lỗi như động cơ có dính dầu máy, cửa nguyên bản đã bị thay bằng cửa tự động... "Dùng cửa tự động nắng, mưa, khách lên xuống tiện hơn", anh Sánh giải thích.

Lần thứ hai xếp hàng, xe của anh được thông báo hàng loạt lỗi khác. Sánh liên hệ một số người bạn hỏi mượn hàng ghế nguyên bản cuối xe để lắp lại. "Làm lại đèn thì mắc lỗi không nguyên bản. Sơn xe, đề can dán trang trí, vỏ xe sứt, làm thêm ghế để hành lý... không được. Dầu máy bắn vào động cơ cũng không được. Kính xe bị nứt cũng phải thay", Sánh chỉ ra 6 lỗi mà các đăng kiểm viên yêu cầu xe của anh phải khắc phục.

5h chiều, anh Sánh mới được đánh xe về. "Thà cứ như trước, bôi trơn 200 nghìn đồng là 'trôi', vừa đỡ tốn thời gian, đỡ tốn tiền thay ra thay vào", anh nói.

Đau đầu vì đăng kiểm
Xe cuả anh Sánh được dán nhãn đăng kiểm sau ngày dài chờ đợi. Ảnh nhân vật cung cấp

Anh Hữu Quốc, chủ chiếc xe đã độ bi led đèn pha, lippo, xếp hàng từ ngày 30/12 đến 3/1, qua bốn trung tâm ở Gia Lâm và Long Biên mới được đăng kiểm. ''Ba lần trước tôi vẫn để đèn độ, lần thứ tư thay lại như nguyên bản mới qua'', anh nói.

Chấp hành, nhưng anh Quốc không đồng tình với quy định cấm nâng cấp đèn vì các xe đời cũ dùng bóng đèn halogen đi trời tối rất thiếu sáng, khó lưu thông nhất là trên đường đồi núi và nhiều xe tải.

Một số chủ xe khẳng định trước đây, những lỗi như xe anh Sánh và anh Quốc vừa mắc, các chủ xe chỉ cần "bôi trơn" cho nhân viên đăng kiểm, sẽ được bỏ qua.

Số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2022, cả nước có khoảng 5 triệu xe ôtô, tăng mạnh từ khoảng 3,3 triệu xe năm 2018. Đăng kiểm phương tiện là công việc thường xuyên và bắt buộc. Chu kỳ đăng kiểm của một chiếc xe phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại xe, thời gian sản xuất... nhưng phổ biến nhất là 12 tháng một lần, nên nhu cầu đăng kiểm ngày càng lớn. Năm 2018, toàn quốc có 172 trung tâm đăng kiểm, sau bốn năm đã có 280 trung tâm.

Đau đầu vì đăng kiểm
Chu kỳ kiểm định phương tiện giao thông đường bộ. Đồ họa: Tiến Thành

Ước tính của Bộ Công an, khoảng 70.000 phương tiện đã được bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công hoặc cho thuê phụ tùng không đảm bảo kỹ thuật. Khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường đã được cấp, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.

Trong một tháng qua, hàng loạt cán bộ đăng kiểm bị khởi tố, tạm giam. Công an Bắc Ninh, Bắc Giang, TP HCM và các tỉnh miền Tây đã khởi tố gần 80 người tại hơn 15 trung tâm để điều tra hành vi đưa, nhận hối lộ và các sai phạm trong đăng kiểm ôtô.

Đau đầu vì đăng kiểm
Tài xế Nguyễn Văn Tùng (phải) cho biết, dù xe còn mới nhưng đi đăng kiểm vẫn mất tiền bôi trơn. Ảnh nhân vật cung cấp

Theo chia sẻ của một số tài xế ở các tỉnh phía Bắc, việc "bôi trơn" đã có tiền lệ. Anh Nguyễn Văn Tùng (28 tuổi, Hà Nội), chủ xe của ba chiếc xe Camry sản xuất năm 2007, Camry năm 2015 và BMW năm 2013 kể, trước đây khi đưa xe vào đăng kiểm, anh thường đặt 200.000 đồng ở cần số hoặc chỗ để cốc.

"Đi đăng kiểm luật bất thành văn 200.000 đồng là ít nhất. Cứ đặt tiền trong xe, khám xe xong ra là thấy tiền mất rồi. Tôi đi đăng kiểm 3-4 trạm khác nhau rồi, đều vậy", anh nói.

Đau đầu vì đăng kiểm

Nguyễn Đức Hùng, 29 tuổi, đăng kiểm viên ở một trung tâm tại Hà Nội thừa nhận có chuyện nhận hối lộ để bỏ qua lỗi của các xe đi đăng kiểm nhưng không phải ở đâu cũng vậy.

Theo Hùng, tất cả phương tiện đều phải bảo dưỡng định kỳ theo quy định các hãng đưa ra để kịp thời phát hiện những sai lệch, nguy cơ xảy ra sự cố và sửa chữa, nhằm đảm bảo an toàn. Rất nhiều xe sản xuất từ những năm 2001-2002 được thay thế phụ tùng đúng quy định. ''Nhưng có nhiều người mua xe cũ, mang đi tân trang, sửa chữa, gặp thợ muốn bán được hàng nên khuyên 'độ cái này đi, thay đèn này sáng hơn', đến khi đi đăng kiểm bị bắt lỗi mới ngớ ra là không đúng luật'', anh nói.

Về trường hợp thay cửa như anh Sánh, theo nhân viên đăng kiểm, xe khách của các hãng đều có chốt an toàn và có búa thoát hiểm. Khi thay cửa, nếu chủ xe ra ngoài, trong xe còn khách mà gặp nguy hiểm họ không thể thoát ra, gây mất an toàn. Đó là lý do khiến cửa không đạt tiêu chuẩn kiểm định.

Anh Hùng cũng cho rằng quy trình kiểm định hiện nay chặt chẽ, nhưng nhiều chủ xe rất tinh quái, thiếu ý thức. ''Có những xe chúng tôi biết họ mượn phụ tùng để đi kiểm định, nhưng không thể bắt lỗi được. Xe vào kiểm định thì đúng nhưng kiểm định xong chạy ra ngoài đường đâu lại vào đấy. Nói chung luật dù chặt chẽ đến mấy mà ý thức người dân chưa tốt thì kiểm định không thể hiệu quả hết'', anh nói.

Tiến sĩ giao thông Phan Lê Bình (ĐH Tổng hợp Tokyo, Nhật Bản) cho biết, công tác đăng kiểm được thực hiện nhằm ba mục tiêu chính: đảm bảo tính năng an toàn cho xe ôtô; đảm bảo xe chạy dịch vụ vận tải tuân thủ đúng quy định về số chỗ trên xe, tải trọng được phép; đảm bảo chất lượng khí thải đạt tiêu chuẩn. "Nếu công tác đăng kiểm làm lỏng lẻo sẽ không đạt được ba mục tiêu trên, có thể gây mất an toàn khi tham gia giao thông, chất lượng không khí ở các thành phố như Hà Nội, TP HCM xấu đi", ông Bình nói.

Theo chuyên gia, phát sinh tình trạng đưa tiền, nhận hối lộ không thể chỉ đổ lỗi cho nhân viên đăng kiểm. Thực tế người sở hữu xe ôtô, các doanh nghiệp vận tải phải có nhu cầu được bỏ qua lỗi, không mất nhiều công chờ đợi nên mới đưa tiền. "Nếu xe mới, xe đạt chuẩn thường chẳng ai mất tiền hối lộ. Chỉ xe cơi nới, vi phạm mới nghĩ đến chuyện đút tiền", ông Bình nói.

TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc, tổng biên tập Nhà xuất bản giao thông, chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực giao thông cho rằng đơn vị đăng kiểm phải chịu trách nhiệm về các thông số kỹ thuật và môi trường của xe trong thời gian đăng kiểm.

"Khi chiếc xe gây tai nạn, cháy nổ... phải tìm nguyên nhân. Nếu lỗi do thiết bị, phụ tùng xe có vấn đề, phải tra xem đơn vị đăng kiểm nào kiểm duyệt cho xe đó và phạt thật nặng. Như vậy, các cơ quan đơn vị làm đúng phận sự của mình, không xảy ra sai phạm và người dân cũng sẽ không dám qua mặt", ông nói.

Luật sư Khanh Huỳnh, sống ở Mỹ cho biết, ở nước này các gara và chủ ôtô độ xe, thay đổi cấu trúc xe sẽ bị phạt rất nặng. Hầu hết các bang đều có luật cấm thay đổi cấu trúc xe cộ.

Người dân nào cũng biết một số điều cơ bản: không được độ gầm xe lên cao hay quá thấp, không được nhuộm kính xe màu tối, không được làm dàn loa xe quá to, không được thay đèn quá sáng, không lắp dàn đèn trên nóc xe tải, đèn phía trước không thể có màu...

Phương tiện ở Mỹ không cần đăng kiểm mà chỉ cần đăng ký ở Cục Phương Tiện giao thông (DMV). Khi xe lên tới một độ tuổi nhất định, cứ hai năm phải kiểm tra mức độ phát thải (SMOG), do doanh nghiệp được cấp phép làm và rất nhiều tiệm sửa ôtô làm việc này. Nơi nào có dịch vụ này cũng phải có bằng và chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt của chính phủ.

"Vì vậy đăng kiểm là không cần thiết, vì dù các đơn vị đăng kiểm có minh bạch và tuân thủ đúng luật, các chủ xe vẫn sẽ có cách qua mặt họ. Thay vào đó, luật giao thông nên tập trung vào việc bắt các sai phạm về cấu trúc xe và phạt từ chủ xe tới các gara độ xe", luật sư Khanh Huỳnh nói.

Để hạn chế tối đa tiêu cực trong kiểm định xe cơ giới, tới đây Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp hoàn thiện phần mềm nhận dạng xe bị lỗi, tăng cường công tác phúc tra kết quả kiểm định. Cục đã thành lập đoàn kiểm tra các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới trên toàn quốc từ ngày 1/1/2023.

Phó cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Vũ Hải cho biết, ngoài thanh kiểm tra, Cục sẽ rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn để siết chặt việc cấp phép, quản lý hoạt động của các trung tâm, đặc biệt là siết chặt thành lập trung tâm kiểm định xe cơ giới theo Nghị định 139/2018.

Ông Phan Lê Bình cho rằng các trung tâm đăng kiểm làm chặt chẽ, đúng quy trình, nhưng nên quản lý bằng thông số kỹ thuật, đừng quản lý bằng phụ tùng chính hãng hay không chính hãng.

Theo ông Bình, với những xe có tuổi đời 10 năm trở lên, tìm phụ tùng nguyên bản rất khó khăn, làm khó chủ xe, doanh nghiệp vận tải, đồng nghĩa làm ảnh hưởng đến ngành kinh doanh vận tải, gây tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế.

Chuyên gia kiến nghị, trong công tác kiểm tra các đơn vị đăng kiểm, cần thanh tra đột xuất, để tránh tham nhũng hoặc nhũng nhiễu. Việc này phải duy trì thường xuyên, chứ không phải chỉ theo phong trào, vì phong trào là nhất thời, chỉ thay đổi được một thời gian sẽ lại quay về như cũ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả