Dầu chứng kiến tuần giảm giá mạnh nhất trong nhiều tháng
Dầu giảm giá trong phiên giao dịch đầy biến động ngày thứ Sáu. Cả hai hợp đồng dầu đều chứng kiến tuần sụt giảm mạnh nhất trong nhiều tháng trước nỗi lo sợ ngày càng lớn về suy thoái sau loạt số liệu kinh tế yếu kém từ Trung Quốc, châu Âu và Mỹ.
Hợp đồng dầu thô WTI tại Mỹ giảm 44 xu xuống 71.02 USD/thùng, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Hợp đồng dầu thô Brent hạ 5 xuống 76.10 USD/thùng.
“Bất kỳ mối lo ngại nào về nguồn cung cũng không quan trọng bằng mối lo ngại về nền kinh tế”, nhận định của nhà phân tích Robert Yawger tại Mizuho.
Giá dầu đã tìm thấy được một số yếu tố hỗ trợ và đã tăng hơn 1% vào đầu phiên sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới có thể cắt giảm sản lượng để đáp trả việc áp giá trần đối với xuất khẩu dầu thô của nước này.
Tuy nhiên, đà tăng nhẹ hơn dự báo của chỉ số giá sản xuất tại Mỹ trong tháng 11 và thông tin về việc tái vận hành một phần của đường ống Keystone đã xóa sạch đà tăng này và khiến giá của các hợp đồng dầu thô giảm hơn 1 USD. Được biết, đường ống Keystone đã bị tạm ngừng vận hành vào đầu tuần này sau sự cố rò rỉ 14,000 thùng dầu tại Kansas.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 11 tăng nhẹ hơn dự báo trước sự nhảy vọt của chi phí dịch vụ.
Đà tăng này có thể gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy mạnh việc nâng lãi suất, qua đó càng làm gia tăng nỗi lo sợ về một cuộc suy thoái, nhà phân tích Yawger nhận định.
Cả hai hợp đồng dầu thô đều bốc hơi khoảng 10% trong tuần qua. Đây là tuần sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 4 đối với hợp dồng dầu tương lai WTI của Mỹ và từ đầu tháng 8 đối với hợp đồng dầu Brent.
Cả Yawger và Walter Zimmerman, Trưởng Bộ phận Phân tích Kỹ thuật tại ICAP, cảnh báo nếu giá dầu thô tại Mỹ rớt mốc 70 USD/thùng, hợp đồng này có thể rơi tự do vào phạm vi 60 USD/thùng trong các phiên tới.
Đáng chú ý, lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020, cấu trúc thị trường đối với các hợp đồng WTI đã chuyển sang tình trạng Bù hoãn mua (contango) trong năm tới, với việc các hợp đồng giao ngắn hạn rẻ hơn so với một năm sau đó. Tương tự, các hợp đồng Brent cũng chuyển sang tình trạng Bù hoãn mua (contango) trong 6 tháng tới.
Bù hoãn mua (contango) là dấu hiệu cho thấy thị trường ít lo lắng về tình trạng nguồn cung hiện tại do nhu cầu suy yếu, và khuyến khích các nhà giao dịch dự trữ dầu.
Các nhà kinh tế cho biết, sự gia tăng của số ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc có thể đè nén đà tăng trưởng của nền kinh tế trong vài tháng tới mặc dù nước này đã nới lỏng một số biện pháp phong tỏa.
Các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters dự báo nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào tình trạng suy thoái ngắn và nhẹ trong năm tới. Các dự báo đều cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào ngày 14/12.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có thể nâng lãi suất tiền gửi thêm 50 điểm cơ bản lên 2% vào tuần tới, thậm chí khi nền kinh tế eurozone được cho là đã rơi vào suy thoái.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận