24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trương Thanh Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dấu chấm hết cho thời kỳ hoàng kim của Thung lũng Silicon?

Sự sụp đổ của tiền điện tử, làn sóng sa thải tại Meta và Twitter đang làm rung chuyển ngành công nghệ. Nó gợi lại những ký ức về vụ sụp đổ dot-com 20 năm trước.

Trong tuần qua, các công ty ở Thung lũng Silicon đã sa thải 20.000 nhân viên, sự gia tăng nhanh chóng của việc cắt giảm việc làm và 'đóng băng' tuyển dụng đã diễn ra trong ngành công nghệ trong nhiều tháng.

Twitter, Meta, nền tảng thanh toán Stripe, công ty dịch vụ phần mềm Salesforce, công ty gọi xe Lyft và danh sách ngày càng nhiều các công ty nhỏ hơn đều sa thải tỷ lệ công nhân ở mức hai con số. Điều đó có nghĩa là hàng chục ngàn kỹ sư, nhân viên bán hàng và nhân viên hỗ trợ tại một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất và được trả lương cao nhất của đất nước đã mất việc làm. Trong khi đó, các công ty khác bao gồm Google và Amazon gần đây đã cho thấy tình trạng tuyển dụng chậm lại và đóng băng. Một báo cáo của New York Times hôm thứ Hai cho biết Amazon đang lên kế hoạch sa thải khoảng 10.000 nhân viên.

Việc sa thải kể trên đang củng cố thực tế đang diễn ra ở Thung lũng Silicon rằng thị trường giá lên trong thập kỷ qua giúp tạo dựng một khối lượng tài sản khổng lồ cho các nhà đầu tư công nghệ, người lao động và nền kinh tế rộng lớn hơn đã hoàn toàn chấm dứt.

Lise Buyer, một nhà phân tích, CEO và nhà đầu tư công nghệ lâu năm, đề cập đến vụ sụp đổ dotcom của thế kỷ 20: “Tuyển kỹ sư, tuyển kỹ sư và tuyển kỹ sư nữa xong rồi đột nhiên các công ty dội một gáo nước lạnh vào mặt họ”.

Giám đốc điều hành tại các công ty thực hiện cắt giảm nhân sự thì đổ lỗi cho nhiều yếu tố có mối liên hệ với nhau – tuyển dụng quá nhiều trong thời kỳ đại dịch, hoạt động thương mại điện tử chậm lại và mọi người dành ít thời gian trực tuyến hơn khi các sự kiện trực tiếp quay trở lại. Các CEO công nghệ đã cảnh báo về một cuộc suy thoái sắp xảy ra trong nhiều tháng, nói với nhân viên của họ rằng điều kiện làm việc sẽ khó khăn hơn và làm chậm đáng kể tốc độ tăng trưởng nhanh mà họ đã đạt được trong nhiều năm.

Khi nói đến các công ty công nghệ mới hơn, lãi suất thấp trong thập kỷ qua đã cho phép các nhà đầu tư mạo hiểm dễ dàng huy động tiền và rót vào các công ty mới thành lập — ngay cả khi những người sáng lập của họ không có kế hoạch vững chắc để thực sự kiếm được tiền.

Trong thời kỳ đại dịch, động lực đó đã trở nên cao quá mức. Đồng thời, các công ty công nghệ lớn hơn đã mở rộng nhanh chóng để tận dụng lợi thế của việc mọi người dành nhiều thời gian hơn trên mạng. Giá cổ phiếu công nghệ tăng vọt, thúc đẩy niềm tin và các khoản thanh toán dựa trên cổ phiếu cho người lao động.

Nhưng giờ đây, Cục Dự trữ Liên bang đang ráo riết tăng lãi suất để chống lạm phát, các nhà đầu tư mạo hiểm đang trở nên keo kiệt hơn với các khoản đầu tư của họ, buộc các công ty phải tập trung vào lợi nhuận hơn là tăng trưởng. Những gã khổng lồ công nghệ cũng đang làm như vậy, khi doanh thu giảm buộc họ phải cắt giảm chi phí.

Việc sa thải diễn ra chỉ một năm sau khi Thung lũng Silicon đạt đến đỉnh cao, với việc định giá các công ty công nghệ lớn lên tới hàng nghìn tỷ USD, mức lương ở mức cao nhất mọi thời đại và tiền không ngừng đổ vào túi của các nhà đầu tư cũng như người lao động. Bây giờ, hàng chục ngàn công nhân đang tìm kiếm việc làm.

Marc Weil đã tự học cách viết code khi mới 9 tuổi và đã làm việc trong lĩnh vực công nghệ tại nhiều công ty khác nhau từ năm 2010, thậm chí có thời điểm anh còn thành lập công ty khởi nghiệp của riêng mình. Tuần này, vị Giám đốc kỹ thuật 35 tuổi tại Stripe là một trong số hàng nghìn người mất việc.

Weil nói: “Năm này qua năm khác và nền kinh tế công nghệ ngày càng lớn mạnh mà không có dấu hiệu kết thúc. Mọi người trong lĩnh vực công nghệ đã được cảnh báo bởi những người sống trong vài thập kỷ qua rằng điều này sẽ kết thúc. Và thế là giờ kết thúc”.

Weil đã mua một ngôi nhà chỉ ba tuần trước khi bị sa thải. Nhưng anh ấy không quá lo lắng về việc tìm một công việc mới, nhờ vào mạng lưới mà anh ấy đã xây dựng hơn 10 năm ở thung lũng Silicon. Anh ấy quan tâm nhiều hơn đến các đồng nghiệp trẻ của mình.

Dấu chấm hết cho thời kỳ hoàng kim của Thung lũng Silicon?

Người phát ngôn của Lyft, Twitter, Facebook, Amazon và Google đã không trả lời yêu cầu bình luận. Người phát ngôn của Stripe đã đề cập đến một bài đăng trên blog mà Giám đốc điều hành của công ty đã viết về việc sa thải nhân viên.

CEO Patrick Collison cho biết trong bài đăng: “Chúng tôi đang phải đối mặt với lạm phát dai dẳng, cú sốc năng lượng, lãi suất cao hơn, ngân sách đầu tư giảm và nguồn vốn khởi nghiệp thưa thớt hơn”. Người phát ngôn của Salesforce, Annie Vincent, cho biết công ty đang hỗ trợ những nhân viên bị sa thải.

Trong 10 năm qua, các công ty Big Tech đã thống trị nền kinh tế Mỹ bao gồm Apple, Amazon, Google và Microsoft đều phá vỡ mốc định giá nghìn tỷ USD, trở thành những tổ chức có giá trị nhất trong lịch sử hiện đại. Họ cạnh tranh với các công ty khởi nghiệp được đầu tư mạo hiểm như Uber, WeWork, Airbnb và Stripe để tìm kiếm tài năng kinh doanh và công nghệ, tăng lương, chi phí sinh hoạt.

Nhưng trong năm qua, các vết nứt đã bắt đầu hình thành trong sự thống trị đó. Các nhà lãnh đạo của các công ty bắt đầu cảnh báo về việc cắt giảm, và các công ty như Google, Microsoft và Facebook đã lặng lẽ tiến hành cắt giảm tuyển dụng. Trong suốt mùa hè, khi tâm lý kinh tế thay đổi qua lại giữa tích cực và tiêu cực, các công ty cũng đưa ra những thông điệp trái chiều.

Vài tuần qua, sự lo ngại trở nên sâu sắc hơn, khi một làn sóng báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy ngay cả những công ty vững chắc nhất như Amazon và Google cũng đang gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu như những gì làm được trong vài năm qua.

Dấu chấm hết cho thời kỳ hoàng kim của Thung lũng Silicon?
Ảnh: Bloomberg

Giá cổ phiếu của Facebook và Amazon đã giảm hơn 20% khi họ báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý vào tuần cuối cùng của tháng 10. Dự báo của Amazon cho kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất thấp hơn những gì các nhà phân tích mong đợi và các nhà đầu tư của Facebook bắt đầu rời bỏ công ty sau khi giám đốc điều hành Mark Zuckerberg nói rõ rằng ông dự định tiếp tục thua lỗ khi công ty tập trung vào việc xây dựng một đế chế “siêu ngược” mới với "vũ trụ ảo”.

Microsoft và Google, các công ty có giá trị lớn thứ 3 và thứ 4 trên thế giới sau Apple và Saudi Aramco, cũng báo cáo tăng trưởng doanh thu chậm lại, cho thấy nhu cầu về quảng cáo kỹ thuật số và phần mềm đám mây đang giảm.

Tuần trước, Twitter dưới thời chủ sở hữu mới là Elon Musk đã sa thải khoảng một nửa trong số 7.500 nhân viên của công ty. Musk cho biết hôm thứ Năm rằng công ty sẽ cần tìm các nguồn doanh thu mới nếu không nó sẽ không “sống sót qua suy thoái kinh tế sắp tới”.

Tuyên bố kể trên được đưa ra một ngày sau khi Zuckerberg cho biết “suy thoái kinh tế vĩ mô” là một trong những lý do khiến anh cần sa thải 11.000 nhân viên, tương đương 13% lực lượng lao động của Meta. Đây đánh dấu là đợt cắt giảm việc làm trên diện rộng đầu tiên trong lịch sử 18 năm của công ty.

Stripe đang cắt giảm 14% nhân viên, thị trường bất động sản Zillow 5% và ứng dụng gọi xe Lyft 13%.

Theo Layoffs.fyi, một công cụ theo dõi sa thải do nhà sáng lập công nghệ Roger Lee điều hành, đợt sa thải trong tuần nâng tổng số nhân viên công nghệ bị sa thải vào năm 2022 lên hơn 120.000 người.

Những nhân viên công nghệ trước đây hoàn toàn tự tin vào khả năng tìm việc nhờ kỹ năng của mình giờ đây sẽ phải cạnh tranh việc làm với hàng nghìn người khác.

Sarah Cho, 23 tuổi, tốt nghiệp UCLA năm nay và chỉ mới bắt đầu công việc đầu tiên với tư cách là giám đốc sản phẩm tại Lyft được vài tháng thì cô nhận được thông báo sa thải. Điều đáng nói là, việc cắt giảm có thể vẫn chưa kết thúc.

Việc cắt giảm tương phản với các chỉ số kinh tế quan trọng khác, cho thấy một bức tranh hỗn hợp về nền kinh tế. Lạm phát không cao như kỳ vọng của các nhà phân tích trong tháng 10, làm dấy lên hy vọng rằng các đợt tăng lãi suất của Fed có thể hoạt động như dự kiến ​​và có thể không cần phải tăng thêm. Toàn bộ nền kinh tế đã tạo thêm 261.000 việc làm trong tháng 10 và trên toàn quốc, các công ty được chính phủ phân loại là thiết kế hệ thống máy tính đã thực sự tạo thêm một số việc làm.

Các nhà kinh tế từ Goldman Sachs cho biết họ kỳ vọng tiền lương của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng vào năm 2023, mặc dù giá nhà có thể giảm, theo một lưu ý ngày 6/11 cho khách hàng. Các nhà kinh tế của Barclays dự đoán một cuộc “suy thoái nhẹ” vào năm tới, ngân hàng cho biết trong một báo cáo nghiên cứu ngày 9/11.

Dấu chấm hết cho thời kỳ hoàng kim của Thung lũng Silicon?

Tuy nhiên, tình trạng sa thải ở Thung lũng Silicon sẽ có tác động ngày càng lớn, Julia Pollak, nhà kinh tế trưởng tại ZipRecruiter, một trang web tìm kiếm việc làm, cho biết. Các công ty công nghệ chi rất nhiều tiền cho các dịch vụ công nghệ khác, chẳng hạn như điện toán đám mây hoặc nền tảng truyền thông, cũng như quảng cáo kỹ thuật số.

Điều đáng nói là, việc cắt giảm có thể vẫn chưa kết thúc.

Julia Pollak, nhà kinh tế trưởng tại ZipRecruiter, một trang web tìm kiếm việc làm cho biết: “Chúng ta gần như chắc chắn sẽ thấy nhiều hơn nữa. Các công ty công nghệ sẽ chịu áp lực ngày càng lớn trong việc cắt giảm chi phí và có lãi sớm hơn”.

Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC), đến năm 2020, ngành công nghệ chiếm khoảng 10,2% GDP của Mỹ. Sự phát triển dường như vô tận của các công ty như Amazon, Google, Microsoft, Facebook, Netflix, Tesla, Salesforce và những công ty khác đã làm tăng tài khoản hưu trí của hàng triệu người Mỹ khi các công ty công nghệ chiếm thị phần ngày càng lớn trên thị trường chứng khoán. Các công ty công nghệ chiếm gần 30% tổng giá trị của S&P 500 trong tháng 3.

Trong thời kỳ đại dịch, các công ty công nghệ thậm chí còn phát triển nhanh hơn khi mọi người dành nhiều thời gian hơn trên mạng, mua nhiều máy tính và máy chơi trò chơi điện tử hơn, đồng thời chuyển phần lớn hoạt động mua sắm của họ từ các nhà bán lẻ tại cửa hàng sang thương mại điện tử. Các công ty công nghệ đã tận dụng sự thay đổi đó, đầu tư hàng tỷ đô la vào việc thuê nhân công mới và xây dựng các trung tâm dữ liệu mới để tận dụng những gì được coi là sự thay đổi chỉ có một lần trong đời. Nhưng khi các hạn chế về đại dịch được nới lỏng và hầu hết mọi người quay trở lại thói quen trước đại dịch, thì việc đặt cược rằng hành vi đó sẽ bị thay đổi vĩnh viễn đã không còn nữa.

Việc sa thải nhân viên trong tuần này đã cắt giảm đáng kể số lượng nhân viên ở Thung lũng Silicon, nhưng hầu hết các công ty lớn vẫn có nhiều nhân viên hơn so với năm 2019. Tuy nhiên, “sự đảo ngược nhanh chóng của xu hướng dẫn đến việc tuyển dụng và đầu tư quá nhiều đang gây ra một tác động lớn về mặt tinh thần”, theo Buyer - một nhà phân tích công nghệ trong thời kỳ sụp đổ dotcom và gần đây đã tư vấn cho các công ty về việc cấu trúc các đợt chào bán lần đầu ra công chúng cho biết.

“Đó là lý do tại sao tâm trạng rất sốc và thất vọng”, cô nói.

Dấu chấm hết cho thời kỳ hoàng kim của Thung lũng Silicon?

Trong nhiều năm, các công nhân công nghệ lành nghề đã nhảy việc giữa các công ty, tận dụng công việc này để nhận mức lương cao hơn ở công việc khác. Đối với các kỹ sư mới bắt đầu, không có gì lạ khi nhận được đề nghị 200.000 USD một năm cộng với tiền thưởng khi ký hợp đồng từ các công ty công nghệ lớn. Các công ty công nghệ cung cấp các đặc quyền như bữa ăn được phục vụ miễn phí, mát-xa, dắt chó đi dạo và giặt là tại chỗ, cộng với số ngày nghỉ không giới hạn. Với rất nhiều công nhân bị sa thải gần đây trên thị trường, điều đó sẽ thay đổi.

Rene Ronquillo, 37 tuổi, đã thăng tiến từ tài xế Lyft lên công việc toàn thời gian tại công ty với tư cách là nhà tuyển dụng. Anh cho rằng rất nhiều công nhân sẽ phải cắt giảm lương hoặc tìm những công việc dưới mức kinh nghiệm của họ nếu muốn có một công việc mới trong môi trường này.

Dấu chấm hết cho thời kỳ hoàng kim của Thung lũng Silicon?

Semil Shah, một đối tác chung của công ty đầu tư mạo hiểm Haystack, ước tính có thể có 25.000 đến 50.000 nhân viên công nghệ không có việc làm trên thị trường việc làm trong vài tháng tới. Tiền lương sẽ giảm và mọi người sẽ nhận những công việc mà họ có thể không cân nhắc trước đó.

Về lâu dài, cú sốc hiện tại có thể là một điều tốt, Shah nói. Trong nhiều năm, các công ty khởi nghiệp đã phải vật lộn để cạnh tranh với các công ty công nghệ lớn hơn để tuyển dụng kỹ sư và đặc tính cũ là làm việc với mức lương khởi điểm thấp với hy vọng rằng công ty sẽ phát triển lớn mạnh và mang lại khoản thanh toán lớn đã bị xói mòn, anh ấy nói.

“Có vẻ như một sự điều chỉnh rất tồi tệ mà hầu hết những người trong cuộc cảm thấy có lẽ là một điều lành mạnh, dù nó gây đau đớn như thế nào,” Shah nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả