Dấu ấn của 'ông lớn' DHL tại Việt Nam
Dù đã 'khai tử' mảng dịch vụ thương mại điện tử sau 4 năm ở Việt Nam, song DHL đã và đang tỏ rõ vị thế 'ông lớn' của mình trong bối cảnh tiếp tục đầu tư hàng triệu USD vào thị trường Việt Nam.
Mới đây, theo thông tin từ DHL, công ty sẽ chính thức đóng mảng dịch vụ B2B dành riêng cho ngành thương mại điện tử ở Việt Nam - DHL eCommerce vào tháng 11/2021.
Giờ đây, DHL eCommerce đã chính thức rời bỏ thị trường Việt Nam. Có thể, sau hơn 4 năm hoạt động, do không chịu được 'nhiệt' của thị trường cạnh tranh khốc liệt của mảng logistic dành cho thương mại điện tử tại Việt Nam cũng như không thu lại kết quả kinh doanh thuận lợi, DHL eCommerce đành phải nói lời tạm biệt.
Dù vậy, các bộ phận khác của công ty – như DHL Express, DHL Global Forwarding và DHL Supply Chain sẽ vẫn tiếp tục hoạt động tại Việt Nam.
Đây có thể xem là một quyết định khá đột ngột của DHL, bởi ngành thương mại điện tử tại Việt Nam đang trở thành một 'mảnh đất màu mỡ'. Trong suốt đại dịch, mặc dù ngành logistic cho mảng thương mại điện tử tại các thành phố lớn gặp nhiều khó khăn, song bù lại, sự tăng trưởng của ngành cũng gần gấp đôi trước COVID-19.
DHL là công ty đầu tiên trong lĩnh vực chuyển phát nhanh toàn cầu. Tại Việt Nam, DHL hoạt động trên cơ sở hợp đồng đại lý với Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam – nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) từ năm 1988.
Năm 2007, VNPT và DHL thành lập liên doanh DHL - VNPT Express với thị phần hoạt động chiếm khoảng 40% toàn thị trường vận chuyển nhanh hàng hóa. DHL cũng thiết lập nhiều trung tâm tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và sở hữu đội xe vận chuyển nhiều nhất so với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực.
Năm 2010, DHL Việt Nam đã khai trương trung tâm khai thác tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM với tổng mức đầu tư trên 10 triệu USD. Trung tâm này được trang bị đầy đủ hệ thống các thiết bị khai thác, điều khiển băng chuyền, bốc dỡ các container tại chỗ theo chuẩn toàn cầu đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh cho khách hàng tại thị trường Việt Nam.
Đến năm 2011, DHL Việt Nam tiếp tục khai trương Trung tâm khai thác mới tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu vực phía Bắc.
Với trung tâm khai thác hiện đại này đã một lần nữa khẳng định vị thế của DHL tại Việt Nam. Bởi đây là trung tâm duy nhất có thể xử lý 4.700 lô hàng xuất khẩu và nhập khẩu hàng ngày, phục vụ cho 27 chuyến bay đi và 20 chuyến đến của đường bay thương mại quốc tế hàng tuần.
Tập đoàn DHL chính thức ra mắt dịch vụ vận chuyển B2B dành cho mảng thương mại điện tử Việt Nam vào tháng 7/2017. Đến tháng 6/2018, DHL Việt Nam tiếp tục ra mắt dịch vụ vận chuyển DHL Parcel Metro Same Day tại TP.HCM và Hà Nội, để bổ trợ cho DHL eCommerce.
Dịch vụ DHL Parcel Metro Same Day được bổ sung vào nhóm các dịch vụ chuyển phát nhanh nội địa, qua đó tận dụng nguồn lực giao hàng sẵn có của DHL (đội xe tải, xe máy, các tuyến vận chuyển hàng không và đường bộ kết nối các trạm trung chuyển), để chuyển phát tại TP.HCM, Hà Nội và những thị trường chính khác. Cùng với mạng lưới hơn 250 điểm dịch vụ, DHL eCommerce đã cung cấp các địa điểm nhận hàng - trả hàng thuận lợi cho người bán và người mua trên khắp cả nước.
Vào giữa năm 2018, DHL eCommerce từng tiết lộ đã bắt kịp các đối thủ khác trên thị trường và chuyện vượt qua chỉ là vấn đề thời gian. Vậy mà DHL eCommerce lại đột ngột thông báo sẽ đóng mảng dịch vụ này tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, điều này cũng không phải là một tín hiệu cần lo ngại do các đơn vị khác của tập đoàn tại Việt Nam, trong đó đặc biệt là DHL Express vẫn đang tăng trưởng rất tốt. Vào cuối quý III/2020, DHL Express đã ra mắt 4 điểm giao dịch mới tại TP.HCM và Hà Nội.
Với 4 điểm giao dịch mới tại Quận Phú Nhuận, Quận 7 (TP.HCM) và Quận Hai Bà Trưng, Quận Tây Hồ (Hà Nội), DHL Express Việt Nam đang sở hữu 10 điểm giao dịch trên toàn quốc. Đây là một phần trong nỗ lực liên tục mở rộng mạng lưới các điểm giao dịch trong nước của DHL Express Việt Nam, nâng cao khả năng cung ứng dịch vụ, cũng như đảm bảo thời gian xử lý lô hàng nhanh nhất cho khách hàng.
Sau khi ra mắt thêm 4 điểm giao dịch tại TP.HCM và Hà Nội, DHL Express hiện tại đang vận hành 10 điểm giao dịch, 2 cửa khẩu, 9 trung tâm khai thác (trong đó 5 trung tâm đã đạt chứng chỉ TAPA của Hiệp hội Bảo vệ tài sản Vận chuyển – tiêu chuẩn 'vàng' về an ninh trong ngành vận chuyển và logistics), 4 trạm trung chuyển và 211 phương tiện giao nhận trên cả nước.
Trong thời điểm các chuyến bay thương mại gần như ngưng trệ vì COVID-19, DHL Express vẫn duy trì khai thác 24 chuyến bay mỗi tuần từ Việt Nam. Đáng chú ý, nhờ vào nhu cầu bùng nổ hậu COVID, DHL Express cho biết công ty sẽ đầu tư chuyến bay riêng bằng dòng máy bay Airbus A330 để chuyên chở hàng hóa trực tiếp từ Trung tâm Trung chuyển châu Á tại Hồng Kông đến TP.HCM và ngược lại. Với tần suất phục vụ 6 chuyến bay thẳng một chiều mỗi tuần, điều này sẽ giúp DHL Express đáp ứng tốt hơn nhu cầu chuyển phát nhanh quốc tế với điểm đi và điểm đến là Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhu cầu xuất khẩu tại thị trường Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng mạnh, DHL Express sẽ nâng cấp máy bay tuyến Hà Nội - Hồng Kông từ Boeing 737-400 lên Boeing 737-800, giúp tăng năng lực chuyên chở cho nhu cầu của thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận