Đất ven Sân bay Long Thành lại nóng
Dự án sân bay quốc tế Long Thành đang có những dấu hiệu sớm được triển khai khiến thị trường bất động sản khu vực này trở thành “điểm nóng” nhất trong các khu vực vùng ven TP.HCM.
Ít có đối thủ
Mới đây, tại Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được tổ chức tại Đồng Nai, câu chuyện xây dựng Sân bay Long Thành được các đại biểu đánh giá là cấp thiết để đó trở thành động lực phát triển cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Chẳng hạn, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, người đại diện cho cử tri tại tỉnh Đồng Nai cho biết, cần thiết phải nhanh chóng triển khai dự án này bởi Tân Sơn Nhất đã bộc lộ dấu hiệu quá tải. Tuy nhiên, khi xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành thì cần phải x xét bài toán quy hoạch đô thị, hạ tầng xung quanh cho phù hợp. Bởi nhìn sang bài học lịch sử là Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất chỉ mấy chục năm đã tắc nghẽn mà một phần lớn do quy hoạch.
Đồng quan điểm, TS. Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM nhận định, Cảng hàng không quốc tế Long Thành là đầu mối của quy hoạch vùng kinh tế phía Nam. Cử tri TP.HCM rất ủng hộ quan điểm xây dựng Sân bay Long Thành, bởi từ lâu, Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã quá tải, ảnh hưởng trực tiếp đến cả vùng kinh tế phía Nam.
Còn theo một số chuyên gia trong ngành, Sân bay Long Thành nằm ở vị trí lý tưởng trên bản đồ hàng không quốc tế. Đây sẽ là đầu mối logistics hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là vị trí thuận lợi nhất so với tất cả các cảng trung chuyển hàng không quốc tế trong khu vực hiện nay.
Cụ thể, nếu lấy Sân bay Long Thành làm tâm tính tổng khoảng cách từ sân bay này đến tất cả các sân bay trong khu vực sau 3 giờ bay, sau đó so sánh giữa các sân bay với nhau để x khoảng cách nào nhỏ nhất, thì dễ dàng nhận thấy Sân bay Long Thành không có đối thủ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về mặt tiện lợi và kinh tế cho hàng trung chuyển. Chưa kể, các dịch vụ giá trị gia tăng khác như bảo dưỡng máy bay, hậu cần hàng không, đào tạo, sản xuất, dịch vụ phụ trợ đều có tiềm năng rất lớn.
Để chuẩn bị cho tương lai này, tỉnh Đồng Nai đã có nhiều động thái tích cực như nghiên cứu đề án thành lập thị xã Long Thành, kết hợp đẩy mạnh phát triển công nghiệp - dịch vụ, hoàn chỉnh hệ thống giao thông hiện đại. Đầu tháng 5/2019, UBND huyện Long Thành đã phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị tập huấn công tác nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia triển khai thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Giới đầu tư đón đầu
Long Thành từ lâu đã trở thành tâm điểm của thị trường địa ốc phía Nam. Tuy nhiên, diễn biến thị trường địa ốc trong khu vực có lặng đi một thời gian để nghe ngóng tiến độ dự án Sân bay Long Thành. Song với thông tin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để khởi công dự án Sân bay Long Thành trong năm 2020 đã củng cố niềm tin của giới đầu tư địa ốc vào thị trường này.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, thời gian gần đây, thị trường bất động sản Đồng Nai đã diễn ra làn sóng ngầm săn quỹ đất. Tính đến nay, hầu hết các đại gia địa ốc tên tuổi tại TP.HCM đều đã có mặt tại thị trường Đồng Nai.
Khoảng 2 tháng nay, mỗi ngày, hàng trăm lượt khách từ TP.HCM cũng như các vùng lân cận tìm đến đây để tìm kiếm mua đất. Giá đất cũng tăng mạnh từ 20 - 30% so với thời điểm đầu năm 2019, mức giá trung bình phổ biến vào khoảng 15 - 25 triệu đồng/m2, khu vực gần các trục đường lớn giao dịch ở mức 35 - 40 triệu đồng/m2.
Đồng thời, không khí bên trong phòng công chứng của các xã như Long An, Long Đức, thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) cũng “nóng” không kém, lượng người đổ về để công chứng giấy tờ đông như trẩy hội. Chưa kể, Văn phòng tiếp nhận hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính cũng luôn trong tình trạng quá tải. Mới 8h sáng nhưng đã có hàng chục người xếp hàng để giải quyết các hồ sơ hành chính, chủ yếu liên quan đến vấn đề đất đai.
Theo nguồn tin của phóng viên, một đại gia địa ốc hàng đầu tại TP.HCM vừa tiết lộ đã mua lại một khu đất có quy mô hơn 700 ha tại huyện Long Thành, đây là lô đất khá đắc địa liền kề với Sân bay Long Thành, nếu dự án này được triển khai sẽ làm thay đổi diện mạo của cả khu vực.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, bà Trần Thùy Linh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Địa ốc Đức Linh cho biết, một trong những điểm cộng khiến Long Thành trở thành điểm đến của giới đầu tư là việc kết nối thuận tiện.
Đơn cử, mới đây, lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã họp bàn phương án triển khai cầu Cát Lái nối quận 2, TP.HCM với Nhơn Trạch của Đồng Nai. Khi cầu Cát Lái được hình thành, hệ thống giao thông TP.HCM - Nhơn Trạch sẽ được thông suốt, nối liền mạng lưới giao thông TP.HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai.
Bên cạnh đó, khi Sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, cầu Cát Lái kết hợp tỉnh lộ 25C sẽ hình thành tuyến kết nối TP.HCM - sân bay Long Thành, chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông đang quá tải trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trong ngày thường lẫn dịp lễ.
Bên cạnh đó, các tuyến đường huyết mạch quốc gia đều đã được nâng cấp, đưa vào sử dụng như Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, Quốc lộ 20, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và một số công trình trọng điểm khác như cầu Đồng Nai, cầu Hóa An, hầm chui Tam Hiệp, đường Võ Nguyên Giáp, nút giao Vũng Tàu…, làm cho bộ mặt hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thay đổi nhanh chóng.
Chưa kể, một loạt dự án đường cao tốc đang được thực hiện và chuẩn bị đầu tư như cao tốc Bến Lức - Long Thành, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Liên Khương…
“Long Thành và Củ Chi chỉ cách trung tâm TP.HCM khoảng 30 km, nhưng thời gian di chuyển từ Long Thành vào quận 1, TP.HCM chỉ mất khoảng 40 phút, nhanh hơn 20 phút so với đi từ Củ Chi vào trung tâm Thành phố”, bà Linh nói, nhưng cũng cho rằng, dù tiềm năng của thị trường bất động sản tại Long Thành là rất lớn, nhưng nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng. Cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định, tránh tâm lý ăn theo hay tranh thủ đầu tư bằng mọi giá khi chưa nắm rõ tình hình.
Người mua cần cảnh giác với các cò đất khi rao bán đất nền xung quanh khu vực này. Mặc dù giao dịch tại phòng công chứng của các xã Long An, Long Đức và thị trấn Long Thành rất sôi động, nhưng rất nhiều giao dịch đang thực hiện trên những mảnh đất chưa được cấp sổ đỏ, vẫn là đất nông nghiệp, hay nằm trong vùng quy hoạch dự án.
“Dạng đất này giá mềm hơn so với đất thổ cư nhưng lại không được tách thửa, các giao dịch chỉ làm giấy tay nên tiềm ẩn nguy cơ mất tiền cao”, đại diện Công ty Đức Linh nói và cho biết thêm, trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã nhiều lần cảnh báo rủi ro về việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản trái phép tại khu vực này.
Bà Trần Thu Hương, một nhà đầu tư chuyên phân khúc đất nền cho biết, một trong những nguyên tắc quan trọng hàng đầu khi đầu tư đất nền vùng ven là tính thanh khoản, nghĩa là khả năng bán lại khi có nhu cầu phải luôn có. Để có được điều này, phải x xét lượng dân cư xung quanh đã hình thành tới đâu, nhu cầu mua bán thực có nhiều không… đặc biệt, không nên chỉ nghe theo lời quảng cáo của các môi giới tự do mà cần tìm hiểu hồ sơ pháp lý tại các cơ quan chính quyền địa phương hoặc các chủ đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận