“Đất vàng” phố cổ vẫn ế
Chưa bao giờ những con phố vốn sầm uất, tấp nập khu "36 phố phương" của Hà Nội lại trở nên vắng lặng như những ngày này, với hàng loạt mặt bằng kinh doanh trong tình trạng bỏ trống và mòn mỏi chờ đợi người đến thuê.
Những ngày này, dạo quanh một vòng các con phố cổ, phố cũ của Hà Nội như Hàng Bông, Cầu Gỗ, Gia Ngư, Hàng Đào… bạn có thể dễ dàng nhận thấy hàng loạt mặt bằng kinh doanh vẫn đóng cửa im lìm.
Trải qua năm 2020 đầy khó khăn, những khách thuê lần lượt tìm đường rời các con phố trung tâm để tìm mặt bằng khác với mức giá hợp lý hơn hoặc chuyển sang kinh doanh online, chủ nhà tại phố cổ đã phải đối diện với tình trạng vắng bóng khách tìm thuê trong nhiều tháng trời.
Tuy nhiên, nhiều chủ mặt bằng vẫn kiên quyết giữ nguyên hoặc chỉ giảm nhẹ giá mặt bằng để chờ dịch tan, mong khách thuê sẽ trở lại như cũ.
Nhưng sang đến đầu năm 2021, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khách thuê trước đã vắng nay còn vắng hơn, nhiều chủ nhà đã phải xuống nước giảm sâu giá tới 40% - 50% nhưng vẫn trong tình trạng “ế”.
Chị Nguyễn Bích Thảo, chủ mặt bằng tại phố Đinh Tiên Hoàng chia sẻ: Với diện tích 30m2 và mặt tiền 3m, trước kia chị cho thuê với giá trên 50 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, dịch bệnh xảy ra, từ nhiều tháng nay mặt bằng này phải bỏ trống, chị đã giảm giá xuống 30 triệu đồng/tháng nhưng vẫn chưa có ai đến xem.
Dù chị Thảo đã dùng đủ mọi cách như đăng quảng cáo trên Facebook, một số website… nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan.
“Tôi đã mong chờ năm 2021 sẽ có một khởi đầu mới sau năm vừa qua quá khó khăn. Nhưng dịch Covid-19 bùng phát trở lại và nhiều nơi phải đóng cửa, người đi thuê mặt bằng vì thế cũng ngần ngại trong giai đoạn này”, chị Thảo chia sẻ.
Không riêng chị Thảo, việc bỏ trống mặt bằng đã trở thành tình trạng chung của nhiều chủ nhà tại phố cổ. Tại điểm giao với phố Trần Nguyên Hãn và Đinh Tiên Hoàng, với diện tích 160m2 và nằm gần góc phố, anh Nguyễn Hoàng Linh - chủ mặt bằng, đang treo biển cho thuê với giá 250 triệu đồng/tháng.
“Với mặt tiền đẹp, nằm ở vị trí đắc địa, lợi thế kinh doanh lớn, giá thuê đã được giảm bớt, bình thường mặt bằng này luôn có nhiều người muốn thuê nhưng đã nhiều tháng nay, có một số người gọi đến và xin cung cấp thêm ảnh tuy nhiên chưa có ai quyết định xuống tay ký hợp đồng”, anh Linh cho biết.
Tại các con phố khác như Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Bông… tình trạng cũng không mấy khả quan khi những tấm biển sang nhượng, cho thuê mặt bằng ngày càng nhiều và khách thuê thì vẫn vắng bóng.
Trước đây, những khu phố này được coi không chỉ là “đất vàng” mà còn là “đất kim cương” của Hà Nội, luôn trong tình trạng hết chỗ. Một số chủ mặt bằng cho biết, nhiều người còn đặt chỗ trước, khi nào khách hiện tại đi thì sẽ vào liền ngay. Còn nhiều tháng nay, chủ nhà chỉ còn cách chờ đợi dịch qua đi, hy vọng tình hình sẽ được cải thiện để người thuê quay trở lại.
Một số chủ nhà may mắn hơn khi vẫn còn khách đang thuê hoặc tìm đến thuê, tuy nhiên giá đã giảm đi một nửa, đa số đều là hợp đồng ngắn hạn. Chủ một căn nhà mặt đường Hàng Gai cho biết, bình thường khách thuê sẽ phải đặt cọc 3 tháng tiền thuê và trả trước cả năm tiền thuê nhà. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, có khách thuê đã là may mắn lắm rồi nên khách không cần trả trước tiền thuê mà chỉ cần đặt cọc 2 tháng tiền nhà.
Theo dự đoán của các chuyên gia, thị trường cho thuê mặt bằng sẽ tiếp tục “đóng băng” bởi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Các biện pháp đối phó như chuyển sang kinh doanh online, tìm mặt bằng giá cả hợp lý hơn… đang được nhiều người áp dụng.
Trải qua năm 2020 đã quá khó khăn, và kịch bản phía trước có nhiều bất định, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, những người có ý định tìm thuê mặt bằng hoặc khởi sự kinh doanh sẽ tạm thời “nằm im” để nghe ngóng thị trường.
Trong bối cảnh hiện tại, chủ nhà chỉ còn cách giảm giá thuê, giảm bớt các điều kiện cho thuê hoặc đồng ý cho thuê ngắn hạn, cho thuê ghép… để cải thiện phần nào tình hình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận