Đất hai giá – Cá hai tay
Mình thấy cái kiểu phân biệt hai loại giá đất hiện nay, giá giao dịch và giá theo bảng giá, không khác gì việc Nhà nước bắt cá hai tay.
Thu thuế thì cứ đòi là thu theo giá giao dịch cho cao. Nếu giá giao dịch mà thấp hơn bảng giá thì lại áp bảng giá. Còn đền bù thu hồi đất thì lại cứ theo bảng giá cho thấp.
Điều này có mấy hệ quả kỳ quặc sau:
Thứ nhất là dân thiệt. Nộp tiền vào thì tính theo giá cao mà được lấy tiền ra lại theo giá thấp. Làm gì mà dân chẳng cảm thấy bất công.
Thứ hai là nó khiến dân có động lực gian dối. Ai cũng muốn kê khai giá giao dịch đúng bằng bảng giá để số thuế phải nộp là ít nhất. Rồi thì ngành thuế đi xác minh cũng khổ, dân đi chứng minh cũng khổ, rồi thậm chí còn tù tội.
Thứ ba, Nhà nước không có thông tin đầu vào để xây dựng bảng giá cho tốt. Nguyên tắc xây dựng bảng giá là đối chiếu với các giao dịch trước đó, mà các giao dịch trước đó thì ai cũng khai thấp xuống để giảm thuế. Thế là bảng giá cứ chững lại trong khi giá giao dịch thật thì tăng vù vù.
-----------------
Muốn phá vòng xoáy, chỉ cần làm một biện pháp đơn giản: Thu thuế theo bảng giá.
Ngân sách nhà nước ban đầu có thể thiệt ít nhiều, vì giá tính thuế giảm. Nhưng về lâu dài thì sẽ tăng (vì sao tăng thì tí nữa giải thích).
Khi không còn phải lo giá trong giao dịch sẽ ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế, người dân sẽ khai giá giao dịch thật, hoặc ít nhất thì cũng bớt động lực gian dối.
Nhà nước khi đó sẽ có thông tin về giá giao dịch thật, rồi dùng thông tin đó để xây dựng bảng giá sát hơn. Như vậy, chỉ sau vài năm là giá trong bảng sẽ sát với giá giao dịch.
Lúc đó, giá đền bù khi thu hồi đất cũng sát mà số tiền thu thuế cũng sẽ được tăng lên.
Nhà nước cứ đường hoàng, không còn bắt cá hai tay, thì dân cũng bớt gian dối ngay.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận