Đất Củ Chi, Hóc Môn tăng phi mã, cảnh báo nguy cơ bị thổi giá
Trước hàng loạt thông tin quy hoạch lên thành phố, Hội nghị Xúc tiến đầu tư… giá đất ruộng, đất vườn ở Củ Chi, Hóc Môn… đã tăng dựng đứng chỉ trong thời gian ngắn.
Đất Củ Chi, Hóc Môn "nóng" từng ngày
Thời gian gần đây, việc đề xuất Củ Chi lên thành phố thay vì quận, cùng thông tin loạt đại gia như Sovico, Hưng Thịnh, Đất Xanh triển khai dự án sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh tiến độ cao tốc TP.HCM - Mộc Bài... đã khiến thị trường nhà đất Củ Chi, Hóc Môn nóng dần lên.
Nhiều người đã đổ xô tới 2 địa phương này để mua đất, khiến giá đất một số khu vực tăng chóng mặt. Trên các diễn đàn mua bán, trang mạng, lượng thông tin đăng tải cần mua bán sản phẩm nhà dân, nền đất tại Củ Chi, Hóc Môn tăng đột biến. Theo đó, giá nhà đất tại địa phương tăng lên mỗi ngày. Cá biệt, có nơi còn "hét giá" tăng gấp đôi, mỗi ngày rao mỗi giá.
Anh Phạm Văn Tín (kinh doanh bất động sản, ngụ Củ Chi) cho hay đầu năm 2022, giá nhà đất khu vực này đã rục rịch tăng sau khi có thông tin quy hoạch lên thành phố. Đáng chú ý, sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư diễn ra vào tháng 4 vừa qua, thị trường trở nên nóng sốt. Mỗi ngày có rất nhiều khách từ các nơi đổ về xem đất.
Giá đất Củ Chi, Hóc Môn tăng phi mã sau các thông tin đầu tư, quy hoạch. Ảnh: L.S
Theo thống kê trên các trang rao bán nhà đất Củ Chi, giá nhà mặt phố trung bình tại Củ Chi đã tăng 34% kể từ đầu năm đến nay, trong khi đó, giá đất trung bình tăng tới 42%. Đáng chú ý, đất ở Củ Chi thuộc khu vực giáp ranh với quận 12, huyện Hóc Môn, Bình Dương và gần các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 22 (đường Xuyên Á), trung tâm hành chính huyện, hoặc dọc bờ sông Sài Gòn… tăng nhanh với biên độ lớn.
Trong khi đó, khu vực huyện Hóc Môn, đất đai có phần hiếm hơn và giá đã cao chót vót. Theo đó, giá nhà đất trung bình tại thị trấn Hóc Môn có nơi cũng tăng tới 44,6%.
Ông Trần Văn Thanh (nhà ở xã Tân Hiệp) cho biết từ giữa tháng 4, cuối tuần là có rất nhiều người đến khu vực này tìm mua đất. Có nhiều mảnh đất trống lâu năm không biết chủ là ai nhưng gần đây có người đến đặt cọc, mua bán, dựng hàng rào... Giờ đi đến đâu cũng thấy người ta treo bảng bán đất.
Chị Võ Thị Hằng (42 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cho biết đầu năm 2022, chị được giới thiệu mảnh đất khoảng 1.000 m2 trên đường Lâm Thị Ngành thuộc xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) là đất trồng cây lâu năm (có thể lên thổ cư), chủ đất chào bán giá 2,9 tỷ đồng nhưng chị chần chừ không mua. Mới đây, chị liên lạc lại thì chủ đất đã nâng giá lên 3,5 tỷ đồng.
Chỉ chưa đầy vài tháng, mảnh đất có giá chênh lệch hơn nửa tỷ đồng. Lý do được giải thích là vì giá thị trường tăng nên phải tăng theo. Một năm trước, chị Hằng tìm hiểu đất nông nghiệp ở khu vực này chỉ 1,5-1,6 tỷ đồng/sào.
Thị trường có đang bị "thổi giá"?
Theo các chuyên gia, việc giá đất tăng phi mã, người dân bán đất và giới "cò" kiếm bộn. Nếu người mua không cẩn thận, rất dễ dính bẫy của cò đất làm giá hoặc mua nhầm dự án vướng quy hoạch.
Trước đó, vào khoảng năm 2020, nhà đất Củ Chi đã lao vào cơn "sốt", giá được đẩy lên tới 50 - 60% do thông tin phát triển cơ sở hạ tầng giao thông tại khu vực. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, thị trường mua bán đất ở Củ Chi đã giảm nhiệt, các giao dịch chững lại trong thời gian qua.
Ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư bất động sản Việt An Hòa, cho rằng trong thời qua, các huyện vùng ven của TP.HCM như Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, giá đất, nhất là đất nông nghiệp, vẫn còn khá rẻ, chỉ ngang bằng một số huyện ở tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng...
Với những nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, họ nhận thấy tiềm năng của những khu vực này, đặc biệt gần đây có nhiều thông tin tích cực liên quan tới huyện Củ Chi, Hóc Môn nên chuyển hướng đầu tư vào 2 địa phương này. Đây là điều dễ hiểu.
Củ Chi, Hóc Môn quỹ đất rộng lớn. Ảnh: L.S
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết nhiều người đã lợi dụng thông tin từ các cuộc họp để trục lợi, nhất là các đầu nậu, cò đất, hay các doanh nghiệp bất lương đã làm cho giá đất ở huyện Củ Chi, Hóc Môn "loạn lên".
"Cũng phải thừa nhận hạ tầng giao thông tốt hay việc thúc đẩy phát triển ở khu vực nào thì giá đất ở đó tăng theo, dù vậy người mua cần cân nhắc bởi không phải khu vực nào cũng phù hợp quy hoạch. Nếu chọn đúng khu vực phát triển dân cư sẽ được lợi nhưng nếu gặp phải khu vực quy hoạch công viên cây xanh hay đường sá thì chắc chắn người mua lãnh đủ, còn cò hay đầu nậu hưởng lợi.
Chúng tôi đã cảnh báo nhưng nhiều người vẫn "liều", nhắm mắt mua đất giá cao rồi không bán được. Trước đây, đã có nhiều doanh nghiệp làm đầu nậu, thổi giá đất đã bị xử lý, người mua chịu thiệt hại. Vì thế, những người có ý định mua đất lúc này phải tỉnh táo, phải tìm hiểu kỹ, đừng để tiền mất tật mang" - ông Châu cảnh báo.
Nhiều chuyên gia cảnh báo tình trạng thổi giá đất Củ Chi, Hóc Môn. Ảnh: L.S
Được biết, trong khuôn khổ hội nghị Xúc tiến đầu tư vào 2 huyện Hóc Môn - Củ Chi mới đây, TP.HCM đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào huyện Củ Chi và Hóc Môn với tổng giá trị gần 17 tỷ USD. Theo đó, Tập đoàn Sovico gây chú ý vì tham gia nhiều dự án trong nhiều lĩnh vực, đáng kể nhất vẫn là bất động sản.
Theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp, Sovico dự kiến sẽ đầu tư 4 dự án Hóc Môn, 7 dự án ở Củ Chi, trị giá hàng tỷ USD. Ngoài Sovico, nhiều đại gia bất động sản khác cũng cam kết rót hàng tỷ USD vào Hóc Môn và Củ Chi.
Việc giá nhà đất Củ Chi, Hóc Môn tăng dựng đứng sẽ tạo cơ hội cho người dân bán đất và giới "cò". Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng người được hưởng lợi nhiều có lẽ là một số đại gia bất động sản, những đơn vị vừa mới được chấp nhận đầu tư tại hai khu vực này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận