Đánh thuế tài sản có tạo được cơ hội cho người nghèo mua nhà?
Những năm qua, giá bất động sản tại TP.HCM tăng phi mã và đang ở đỉnh cao chót vót. Điều này đã khiến giấc mơ an cư của nhiều người trở nên khó khăn, đặc biệt là với các gia đình trẻ, có thu nhập thấp.
Chật vật tìm nhà giá rẻ
Kết hôn đã 5 năm, vợ chồng anh Cường (quê Quảng Nam, hiện ngụ quận Gò Vấp) mãi vẫn chưa mua được nhà. Anh Cường làm nghề xây dựng, vợ là giáo viên, mỗi tháng thu nhập của cả hai dao động mức 15 - 20 triệu đồng.
Với mức thu nhập như vậy, vợ chồng anh Cường vẫn ở nhà thuê nhiều năm nay. Theo anh, giá nhà đất đang tăng từng ngày, nên để tìm một ngôi nhà hoặc căn hộ giá rẻ dưới 2 tỷ đồng tại TP.HCM là điều không tưởng.
Đó là chưa kể đến, mỗi tháng tốn tiền học cho con, tiền sinh hoạt, tiền gửi cho hai bên nội ngoại nên khoản dư tích luỹ không còn là bao. Nếu mua nhà, vợ chồng anh phải vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng, lấy căn hộ mình mua để thế chấp.
Dù thời hạn trả nợ có thể kéo dài 20 năm, vợ chồng anh tính ra mỗi tháng vẫn phải trả ngân hàng từ 10 - 15 triệu, đây là số tiền cả hai không thể xoay sở được.
Cùng chấp nhận cảnh ở nhà thuê, chị Phạm Nga (quê Hà Tĩnh) cho hay với đồng lương nhân viên văn phòng của 2 vợ chồng thì việc mua nhà TP.HCM là quá xa xỉ. Theo chị Nga, lúc vừa kết hôn, hai bên gia đình có hỗ trợ khoản 600 triệu, cộng dồn tiền cưới thì vợ chồng chị có gần 800 triệu nên dự định sẽ vay thêm ngân hàng 900 triệu để mua 1 căn hộ giá 1,7 tỷ ở quận 9.
"Sau khi đắn đo khoản gốc - lãi phải trả ngân hàng, tôi quyết định chờ thêm vài năm nữa, tích góp thêm một ít rồi hẳn mua. Tuy nhiên, đó lại là quyết định sai lầm của tôi. Vì chỉ sau 1 năm, căn hộ đó đã tăng lên gần 2,5 tỷ vượt quá khả năng của gia đình. Tôi không thể tưởng tượng giá nhà lại tăng chóng mặt như vậy", chị Nga chia sẻ.
Có được một chỗ an cư là ước mơ của nhiều người. Đặc biệt là khi dân số ngày càng tăng nhanh thì nhu cầu về nhà ở lại càng trở nên bức thiết. Theo một thống kê từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), dân số thành phố cứ 5 năm sẽ tăng lên 1 triệu người dẫn đến việc chính quyền cũng gặp khó khăn trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp.
Đặc biệt, với bối cảnh giá nhà đất tại TP.HCM hiện nay liên tục phi mã, thậm chí chạm mức 700 triệu/m2 tại khu vực trung tâm thì giấc mơ sở hữu nhà ở của nhiều người ngày càng xa vời.
Cơ hội cho người thu nhập thấp?
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam cho biết theo khảo sát của đơn vị, thị trường căn hộ giá dưới 40 triệu đồng/m2 (dưới 2 tỷ đồng cho căn hộ 60 m2) tại TP.HCM gần như đã tuyệt chủng.
Thời gian trước, nhà đầu tư có thể nghiên cứu một số dự án mới tại quận 12, quận 9 như Picity, Western Gate, Citi Grand… có mức giá rơi vào khoảng 1,9 tỷ đến 2,5 tỷ/căn. Thì nay, giải pháp chuyển dịch về khu vực xa trung tâm để mua nhà đã không còn khả thi khi thị trường vắng bóng dự án giá rẻ.
"Thậm chí, giá bất động sản vùng ven như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… hiện nay cũng cao chót vót. Nhiều dự án được mở bán với giá hơn 40 triệu/m2, không hề thua kém so với mặt bằng giá bất động sản TP.HCM khiến giấc mơ mua nhà của người trẻ này càng xa tầm với", vị đại diện DKRA Vietnam cho hay.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản, ngoài nguyên nhân không có đủ vốn, sợ áp lực khoản nợ từ vay ngân hàng, lo lắng gặp phải dự án không tốt… thì việc đầu cơ, sốt đất "ảo" chính là nguyên nhân làm mất đi cơ hội mua nhà của người trẻ, người có thu nhập trung bình - thấp ở đô thị.
Khi cơn sốt đất xẹp xuống, nhiều nhà đầu tư cá nhân sập bẫy, bị thua lỗ nặng nề, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, trắng tay. Nhiều khu đất trở thành hoang hóa, cỏ mọc um tùm.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho hay, theo khảo sát, có đến 60 - 70% lượng người mua căn hộ tại TP.HCM trong thời gian qua là để đầu tư hoặc đầu cơ. Trong khi đó, đối với các dự án đất nền vùng ven, có đến gần 100% người mua không để ở do đối tượng mua toàn ở các thành phố lớn trong khi các dự án còn rất lâu mới hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Điều này trái lập với thực tế vẫn còn vô số người không có nhà ở, nhiều gia đình trẻ phải sống tạm bợ trong các khu nhà trọ.
Để giải quyết tình trạng mất căng bằng này, mới đây, HoREA đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét áp dụng mức thuế suất rất cao nếu bán, chuyển nhượng lại nhà đất trong năm đầu tiên và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ hai, thứ ba. Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà đất sau khi tạo lập được 3 năm hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà đất là chính đáng thì áp dụng thuế suất bình thường.
Với người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Với người chậm đưa đất vào sử dụng cũng bị đánh thuế cao nhằm triệt tiêu ý chí găm giữ đất, chống đầu cơ đất đai. Trong trường hợp thị trường bất động sản bị đầu cơ thì có thể áp dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận