24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mỹ Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đánh thuế nhà và tài sản - Khó khả thi!

Dù đánh giá cao đề xuất áp dụng điều luật đánh thuế nhà và tài sản, thế nhưng, theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay đề xuất này không chỉ khó khả thi mà có thể gây hiệu ứng ngược…

Mới đây, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về các chính sách thu liên quan đến bất động sản bao gồm bổ sung đánh thuế đối với nhà và nghiên cứu xây dựng Luật Thuế tài sản hay bất động sản (nếu có).

Dù không phải mới, tuy nhiên, động thái này của Bộ Tài chính đã ngay lập tức nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, bởi trước đó, tháng 4/2018, Bộ này cũng từng đưa ra đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản, dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên và với nhà ở, là hai phương án đánh thuế: một là đánh thuế với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là đánh thuế nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.

Theo các chuyên gia, nếu xét theo góc nhìn của luật pháp, thì việc áp dụng điều luật đánh thuế nhà và tài sản là hoàn toàn đúng đắn, nhất là khi đánh thuế nhà và tài sản sẽ góp phần làm công khai, minh bạch kinh tế xã hội, đồng thời cũng là biện pháp để công khai tài sản của toàn bộ người dân, đặc biệt, là những cán bộ công chức để hạn chế tình trạng đầu cơ, tích trữ, tham ô của cải cho riêng mình. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, đề xuất này không chỉ khó khả thi mà có thể gây hiệu ứng ngược.

Thông tin với báo chí, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng bộ môn Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính chia sẻ, về nguyên tắc, thu thuế tài sản là phù hợp thông lệ quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thuế bất động sản của Việt Nam còn thấp so các nước trong khu vực. Tuy nhiên, việc thu thuế phải tính toán sao cho hợp lý, vừa sức dân và phù hợp những nguyên tắc vĩ mô.

Đánh thuế nhà và tài sản - Khó khả thi!

Chuyên gia cho rằng, đề xuất này không chỉ khó khả thi mà có thể gây hiệu ứng ngược - Ảnh minh họa

Ông Thịnh cho rằng, hiện nay, Việt Nam đang áp dụng nhiều khoản thuế, phí, liên quan đến bất động sản như tiền sử dụng đất, về bản chất cũng là một loại thuế tài sản mà chủ sở hữu mảnh đất phải nộp cho Nhà nước, nếu bổ sung thêm thuế tài sản mà vẫn giữ các loại thuế cũ sẽ dẫn tới thuế chồng thuế.

“Kinh nghiệm của các nước cho thấy nguồn thu từ thuế tài sản không quá lớn, chủ yếu các nước thu từ thuế thu nhập cá nhân. Trong khi đó, thuế tài sản sẽ làm thay đổi nhiều thứ, từ thói quen tiêu dùng đến hành vi mua, bán nhà. Vì thuế tài sản hàng năm nặng nề mà nhiều người có thể phải tạm gác lại nhu cầu mua nhà để chuyển sang đi thuê, việc áp thuế nếu thực hiện sẽ làm thị trường bất động sản trầm lắng trong giai đoạn tới”, ông Thịnh cho hay.

Còn theo chuyên gia kinh tế - Nguyễn Minh Phong, ở Việt Nam hiện nay chưa có định nghĩa khoa học và thực tế về đối tượng thu thuế là “tài sản”, là “căn nhà”, “căn nhà thứ 2”, “căn nhà thứ 3”... Hơn nữa, quy định thu thuế tài sản dễ bị vô hiệu hóa vì bị lách luật nếu không có quy định về tuổi người được sở hữu tài sản hoặc việc đứng tên hộ tài sản sao cho đủ minh bạch và chặt chẽ...

Bên cạnh đó, không thể đánh đồng ngôi nhà vài chục trăm triệu đồng với căn biệt thự cả vài chục tỷ đồng, cũng như không thể đánh thuế ngôi nhà thứ hai, thứ ba của một chủ sở hữu mà tổng giá trị của chúng không bằng một góc nhà của “đại gia” trên cùng địa bàn nhưng không phải chịu thuế do đây là ngôi nhà thứ nhất.

“Đặc biệt, với những tài sản ‘của chìm’, giá trị lớn mà người sở hữu gửi ở nước ngoài hay không khai báo, thì có bị đánh thuế hay không và chế tài cho các vi phạm sẽ ra sao? Chưa kể, việc thu thuế tài sản rất dễ là cơ hội cho tham nhũng trong ngành thuế, cả do các đối tượng thu thuế và người đi thu thuế bắt tay, cố tình khai báo giả để trốn thuế”, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định.

Các chuyên gia cho rằng, thuế là một trong những chính sách quan trọng của kinh tế vĩ mô và chính sách công nên cần hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và an ninh xã hội. Những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 vừa qua đã gây ra những khó khăn cho nền kinh tế nói chung và đời sống của người dân nói riêng, nếu áp quá nhiều chính sách thuế sẽ “bào mòn” sức dân”. Chưa kể, để có thể áp dụng đánh thuế lên nhà và tài sản cần phải quan tâm đến rất nhiều khía cạnh, đặc biệt là ở một nước đang phát triển như Việt Nam, việc áp dụng thêm bất kỳ một loại thuế nào cũng nên bám sát thực tiễn, nhìn thẳng vào đời sống và khả năng chi trả của người dân.

Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, thay vì quan tâm quá nhiều đến nội dung và hiệu quả của đề xuất thu thuế này thì cần để ý đến một điểm rằng tại sao đã được đưa ra đề xuất và bàn bạc rất nhiều lần mà vẫn không thể áp dụng việc đánh thuế vào thực tiễn.

“Nếu khả thi như vậy tại sao chưa làm, điều luật này đã được đem ra tranh cãi cũng như bàn luận từ nhiều năm nay đến cuối cùng đều bị bác bỏ. Tôi nghĩ cũng sẽ rất lâu nữa mới có thể áp dụng được điều luật này vì còn nhiều bất cập”, TS. Võ Trí Thành nêu quan điểm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả