Đánh thuế người có nhiều nhà, đất: Khó, vì đâu?
“Ý tưởng đánh thuế với người sở hữu nhiều nhà, đất không mới, từng đưa ra cách đây gần 20 năm nhưng tới nay vẫn chưa triển khai vì còn nhiều vướng mắc…”.
Đây là chia sẻ của GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) xung quanh câu chuyện đánh thuế nhà đất thứ hai, thứ ba để tránh tình trạng đầu cơ đang được dư luận hết sức quan tâm.
Theo đó, trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng từng đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Trong cuộc họp báo thường kỳ quý III/2024 diễn ra mới đây, vấn đề này tiếp tục được ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Tài chính đề cập tới. Cụ thể, ông Chi cho biết, Bộ Tài chính hoàn toàn đồng tình với đề xuất đánh thuế với người sở hữu nhiều nhà, đất của Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng khẳng định rằng, mục tiêu hạn chế tình trạng đầu cơ và ổn định thị trường sẽ khó lòng được thực hiện, nếu chỉ dựa vào chính sách thuế. Thay vào đó, hệ thống chính sách cần có sự đồng bộ giữa các quy định về đất đai, quy hoạch…
Bình luận về câu chuyện này từ góc nhìn chuyên gia, GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT cho biết, trong 20 năm qua đã có 3 nghị quyết của Ban Chấp hành T.Ư hướng tới đổi mới về sửa luật đất đai. Cả Nghị quyết 26 năm 2003, Nghị quyết 19 năm 2012 và Nghị quyết 18 năm 2022 đều nói điểm rất quan trọng phải làm ngay là hình thành luật thuế về bất động sản, để đánh mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều nhà, đất không đưa vào sử dụng và các hành vi có tính đầu cơ, tích trữ về đất đai.
"Những điều này không mới và đã được đưa ra trong nghị quyết của T.Ư. Nhưng tôi không hiểu sau 20 năm qua không thực hiện được. Khi chuẩn bị luật Đất đai 2003, tôi từng đề nghị việc sửa luật đất đai phải đồng thời xây dựng luật thuế bất động sản, nhưng 20 năm qua cũng chưa thấy triển khai", ông Đặng Hùng Võ chia sẻ.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT, vấn đề mấu chốt là thu thuế như thế nào và cơ sở nào để việc thu thuế thực sự khả thi?
Về cách thức thu thuế, theo ông Võ, lâu nay nhiều người muốn học cách đánh thuế của Singapore là người mua nhà ở thứ 2 thì bị đánh thuế cao hơn. Nhưng đặc thù của Việt Nam khác với Singapore, trong trường hợp ngôi nhà thứ nhất giá trị rất lớn, còn nhà thứ 2 giá trị rất bé chả lẽ chỉ thu thuế ngôi nhà thứ 2 mà bỏ qua nhà thứ nhất?
Một số nước thu thuế từ 1 - 1,5% giá trị với tất cả trường hợp sở hữu nhà, đất. Nhưng với Việt Nam, thu nhập người dân đang còn thấp, nếu thu mức này thì người dân không chịu nổi. Phải nghiên cứu sắc thuế phù hợp với Việt Nam có thể thu thuế dựa trên giá trị nhà, đất hoặc diện tích sở hữu, đảm bảo mục tiêu vừa chống đầu cơ bất động sản vừa đảm bảo an sinh xã hội.
Về cơ sở hạ tầng để thu thuế, ông Võ cho rằng, hạ tầng quản lý còn yếu, cơ sở dữ liệu đất đai chưa hình thành một cách đầy đủ. Hiện chỉ mới Đồng Nai có cơ sở dữ liệu đất đai tương đối đầy đủ, còn các địa phương khác chỉ mới làm được một số diện tích nhất định.
"Một người có hàng trăm bất động sản tại rất nhiều tỉnh khác nhau thì tính thuế ra sao vì chưa có cơ sở dữ liệu bất động sản cả nước?", ông Võ nêu vấn đề. Đơn cử như thuế chuyển quyền sở hữu nhà đất thành thuế thu nhập từ chuyển quyền, nhưng không tính được thu nhập nên không áp dụng được thuế, vẫn phải áp dụng mức 2% như thuế chuyển quyền.
Thứ hai là có những tư duy phải "đả thông" trước khi đưa ra thuế này, như là có công khai danh tính các chủ sở hữu bất động sản trên phạm vi cả nước hay chỉ công khai với cơ quan thuế? Nếu chỉ công khai với cơ quan thuế thì người dân sẽ giám sát đảm bảo minh bạch ra sao?
Trong trường hợp việc công khai vi phạm quyền riêng tư trong Hiến pháp thì phải sửa đổi, bổ sung trong hiến pháp, trong luật định. Việc chứng minh được nguồn gốc tài sản công khai mới tránh được việc lách chuyển tên, "đứng tên" bất động sản.
"Nói cách khác, ta phải thông với nhau về mặt tư tưởng, có thành chủ trương người có bất động sản phải giải trình nguồn gốc tài sản và thu nhập. Ngoài chuyện sắc thuế hợp lý với hoàn cảnh kinh tế - xã hội và thu nhập người dân, còn là câu chuyện lấy nguồn tiền nào, tài sản nào để sở hữu, xây được bất động sản đó. Điều này phải làm được mới tạo được điều kiện cần để đánh thuế bất động sản", ông Võ nói.
Cũng theo chuyên gia này, còn rất nhiều việc phải làm, từ các chính sách lớn về chống tham nhũng, hạ tầng quản lý phải đủ sức để đánh thuế bất động sản đầy đủ, cương quyết.
Chuyên gia cũng cho rằng, còn rất nhiều việc phải làm, từ các chính sách lớn về chống tham nhũng, hạ tầng quản lý phải đủ sức để đánh thuế bất động sản đầy đủ, cương quyết.
Đồng quan điểm khi chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản cũng cho rằng, để đề xuất này khả thi phải thực hiện một cách đồng bộ.
Chia sẻ rõ hơn, ông Đỉnh cho biết, việc đánh thuế nhà, đất là giải pháp bắt buộc phải làm bởi điều này đã được thể chế rõ trong Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.
Nghị quyết nêu rõ: "Khắc phục bằng được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hóa, ô nhiễm, suy thoái", "Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang".
Theo ông Đỉnh, việc đánh thuế nhà, đất phải thực hiện đồng bộ, công bằng giữa các địa phương và cần có cơ sở dữ liệu để bảo đảm đánh thuế đúng đối tượng, phát huy hiệu quả của chính sách thuế. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số. Các luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh BĐS mới cũng đề cập xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, nhà ở, thị trường BĐS...
“Đây là dữ liệu quan trọng để thực thi Luật Thuế BĐS trong tương lai, sau khi được Chính phủ trình và được Quốc hội thông qua", Chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận