Đánh thuế căn nhà thứ 2: Lo ngại thị trường thêm 'cú sốc'?
Theo các chuyên gia, đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2 thời điểm hiện tại không chỉ khiến thị trường mất niềm tin mà còn có thể làm giá nhà tăng cao. Ngoài ra là khả năng phản ứng ngược khi người dân rơi vào vòng xoáy thắt chặt chi tiêu, gây suy thoái kinh tế.
Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng nêu ý kiến đồng tình với đề xuất này, nhấn mạnh rất đáng tiếp thu và nghiên cứu.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên đề xuất đánh thuế với người sở hữu nhiều nhà, đất. Một vài năm trước, thị trường cũng từng xuất hiện các ý kiến tương tự nhằm "hạ nhiệt" bất động sản trong bối cảnh giá nhà ở các thành phố lớn ngày càng tăng mạnh.
Tuy nhiên, quá trình triển khai xây dựng các quy định và chính sách điều tiết thị trường đất đai, cụ thể là thông qua việc đánh thuế bổ sung đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất từ bất động sản thứ hai trở lên đã gặp không ít trở ngại.
TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, cho hay, đề xuất trên đã được đề cập từ năm 2009, nhưng do nhiều nguyên nhân mà chưa thể luật hóa cho đến khi chính thức được đưa vào Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 6/2022.
Góp ý về tính khả thi của đề xuất này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đánh thuế cũng là một chính sách cần nghiên cứu điều tiết thị trường bất động sản nhưng có áp ngay hay không cần rà soát tính toán thêm. Chúng ta cần nghiên cứu tính khả thi khi thông tin, dữ liệu trên thị trường bất động sản về ngôi nhà thứ hai, thậm chí thứ 3 hiện nay vẫn chưa rõ ràng.
Nguyên nhân gây ra những hệ lụy của thị trường bất động sản hiện nay chủ yếu là do thiếu cung, những vướng mắc về pháp lý, thể chế chưa được tháo gỡ. Vì vậy, để quản lý thị trường, chúng ta phải đồng bộ nhiều giải pháp, nhiều chính sách, nghiên cứu chỗ nào tăng "nóng" phải can thiệp. Đánh thuế không phải là biện pháp cốt lõi để giải quyết những vướng mắc của hiện tại. Nếu chờ đợi áp dụng chính sách đánh thuế sẽ gây nên những hệ lụy cho thị trường.
"Đề xuất đánh thuế căn nhà thứ 2 hiện phù hợp để nghiên cứu, còn chưa thể áp dụng ngay. Để áp dụng chính sách thuế, chúng ta phải rà soát đánh giá tổng thể toàn bộ thị trường một cách cẩn thận. Đặc biệt, đề xuất đánh thuế ở mức nào và thời điểm nào là phù hợp. Tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại việc đánh thuế là chưa khả thi vì còn liên quan quan đến hệ thống thông tin dữ liệu bất động sản vẫn chưa minh bạch và đồng bộ" - TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo Luật sư Trần Minh Cường - Giám đốc Công ty Luật TMC Lawyers, việc xây dựng cơ chế điều tiết thông qua công cụ thuế cần linh hoạt, hợp lý, không bê nguyên công thức từ các quốc gia khác và cần đảm bảo tính công bằng xã hội.
Theo ông, muốn đánh thuế cần phải có cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai một cách đồng bộ, để các sở, ban, ngành có thể liên thông trong việc kiểm tra số lượng nhà đất được sở hữu bởi mỗi cá nhân. Ngoài ra, cần kiểm soát được giao dịch bất động sản qua ngân hàng, sàn giao dịch, thậm chí tiền mặt để có thể nắm bắt chính xác dữ liệu. Cũng theo luật sư này, đánh thuế không thể thực hiện ngay, bởi sẽ làm ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư và thị trường.
Với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, thuế là công cụ điều tiết trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, đánh thuế để giảm giá nhà không hữu hiệu, vấn đề quan trọng cần làm là tăng nguồn cung sản phẩm.
"Trong bối cảnh nguồn cung nhà ở khan hiếm, nếu như đánh thêm thuế bất động sản sẽ làm tăng giá nhà. Do đó, biện pháp quan trọng nhất để giảm giá nhà là đẩy mạnh nguồn cung", ông Thịnh nói.
Ông kiến nghị trong quá trình xem xét sử dụng công cụ thuế đối với bất động sản thì cần phải đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên các yếu tố phù hợp. Từ đó để công cụ thuế phát huy đúng mục đích.
Đặc biệt, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế, trong suốt thời gian dài, thị trường bất động sản đã liên tiếp gặp những những cú sốc. Ban đầu là dịch bệnh, những khó khăn về địa chính trị quốc tế, rồi tới chính sách siết tín dụng những năm 2022 và sau đó là một số vụ việc tiêu cực.
Sau nhiều nỗ lực, thị trường đang bước đầu phục hồi nhưng vẫn còn rất khó khăn. Vấn đề quan trọng nhất lúc này là lấy lại niềm tin của thị trường, tránh mọi cú sốc hay rào cản mới, như việc thêm một sắc thuế với bất động sản.
Đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2 thời điểm hiện tại không chỉ khiến thị trường mất niềm tin mà còn có thể làm giá nhà tăng cao, người dân mất cơ hội tiếp cận nhà ở. Ngoài ra là khả năng phản ứng ngược khi người dân rơi vào vòng xoáy thắt chặt chi tiêu, gây suy thoái kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận