Đánh thuế bò ợ hơi trong khủng hoảng thức ăn thừa
Tôi bật cười khi đọc tin bò Đan Mạch ợ hơi sẽ chịu thuế, trước mặt là thùng rác ngày nào cũng bốc mùi vì thức ăn thừa phân hủy.
Sáng nọ, trên đường đi làm, tôi suýt té vì đường trơn. Trời không mưa, không ai làm đổ dầu nhớt, mặt đường phủ kín một dải nước nhớp nháp và hôi thối từ chiếc xe thu gom rác chạy đằng trước mà tôi không để ý.
Khu phố tôi ở, 2-3 nhà hùn tiền mua một thùng rác dùng chung... và xui rủi làm sao, trước cửa nhà tôi được chọn để làm điểm tập kết. Dĩ nhiên, thùng rác trước cửa nhà có bất tiện, nhưng đó không phải là lý do tôi khó chịu. Lý do chính là những nhà hàng xóm gom đủ thức rác, hầm bà lằng, trong đó có thức ăn thừa lẫn lộn.
Những hôm trời nắng gắt hay những hôm công nhân vệ sinh chưa kịp thu gom, mùi hôi bốc lên nồng nặc, rùi bọ bâu vào. Nhiều lần, tôi nhắc nhở hàng xóm nên phân loại rác, nhất là thức ăn thừa, dầu mỡ và các loại rác vô cơ như túi nylon, chai nhựa... và phải có cách xử lý riêng.
Riêng nhà tôi, thức ăn thừa để riêng, chai nhựa, túi giấy... cho vào một túi to, rồi để dưới gốc cây xanh để tiện cho người nhặt ve chai. Nhưng, hàng xóm thì không làm vậy.
Đến chơi chung cư nhà đứa em, tôi đi vứt rác nhưng cũng không chịu nổi mùi thức ăn ôi thiu trong khu vực để rác cạnh hành lang. Thật khổ sở cho nhà nào cạnh khu này.
Sau buổi ăn uống, vỏ tôm, đầu tôm, cơm chiên còn dư, dầu mỡ nấu nướng được đứa em trút vào hai lớp túi nylon rồi để vào thùng rác. Tôi hỏi còn cách nào xử lý ổn hơn không? Đứa em bảo, dầu mỡ trước đây trút xuống bồn rửa, nhưng lâu ngày mỡ đông đặc, bám đầy đường ống, cũng bốc mùi. "Còn thức ăn thừa, xương xẩu thì chịu, chẳng biết vứt vào đâu".
Khi chuẩn bị bữa ăn tại nhà, nhiều người thường vứt bỏ xương, vỏ và các mảnh vụn thức ăn không dùng đến. Sau bữa ăn, chúng ta cũng thường vét thức ăn thừa trên đĩa và đổ vào thùng rác.
Dù việc này có vẻ tiện lợi, nhưng hầu hết thực phẩm bị vứt bỏ đều có thể ăn được hoặc tái sử dụng tùy theo mục đích khác nhau, dẫn đến lượng rác thải thực phẩm lớn và lãng phí tiền bạc. Theo Feeding America, gần 40% thực phẩm ở Mỹ bị lãng phí, tương đương 108 tỷ pound thực phẩm mỗi năm, hay 130 tỷ bữa ăn và 408 tỷ đô la bị vứt bỏ.
Chưa có số liệu thống kê ở Việt Nam, nhưng trên toàn thế giới, hầu hết trong số 1,4 tỉ tấn thực phẩm bị vứt bỏ mỗi năm đều được đưa tới các bãi chôn lấp. Khi thối rữa, thức ăn thừa gây ô nhiễm nước và đất, đồng thời giải phóng ra một lượng lớn khí mê-tan - một trong những khí nhà kính mạnh nhất.
Đây là một tin liên quan: Đan Mạch đánh thuế khí do bò, lợn ợ hơi. Hầu như toàn bộ lượng khí mê-tan từ chăn nuôi, khoảng 90%, hình thành từ cách gia súc tiêu hóa. Thông qua quá trình lên men, khí này được thải ra dưới dạng ợ hơi. Khoảng 10% khí mê-tan còn lại trong chăn nuôi thoát ra từ các ao chứa phân.
Chuyện xử lý có lẽ sẽ dễ dàng, vì một hộ gia đình ở quê có thể tận dụng thức ăn thừa nuôi gà vịt, chó giữ nhà.
Còn trên những con phố tấp nập, sầm uất, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những túi nilon đen sì, bốc mùi hôi thối do rác thải thực phẩm được vứt bừa bãi. Nạn vứt rác thải thực phẩm đang trở thành một vấn đề nhức nhối, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống con người.
Có thể dễ dàng nhận ra nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ ý thức kém của một bộ phận người dân. Thiếu hiểu biết về tác hại của việc vứt rác thải thực phẩm bừa bãi, cộng thêm sự lười biếng, thiếu trách nhiệm, nhiều người đã vô tình biến vỉa hè những con phố, khu dân cư thành bãi rác thải thực phẩm lộ thiên.
Thói quen mua sắm, tiêu dùng lãng phí, "ăn đâu vứt đấy" cũng góp phần gia tăng lượng rác thải thực phẩm một cách đáng kể. Hệ thống thu gom rác thải chưa hoàn thiện, thiếu thùng rác phân loại và lịch thu gom không hợp lý cũng là những yếu tố khiến tình trạng này thêm trầm trọng.
Ở Hàn Quốc, nước này cấm thực phẩm thừa đổ ra các bãi rác chôn lấp được gần 20 năm. Phần lớn thức ăn thừa được chuyển thành thức ăn cho gia súc, phân bón và nhiên liệu sưởi ấm nhà cửa. Hệ thống xử lí thức ăn thừa ở Hàn Quốc, giúp khoảng 90% thực phẩm không bị đưa tới các bãi chôn lấp và lò đốt rác.
Về vĩ mô, chúng ta chưa làm được như họ, nhưng ở hộ cá nhân, mỗi gia đình có thể góp phần giảm thiểu tình trạng khủng hoảng rác là thức ăn thừa bằng cách sử dụng thực phẩm tiết kiệm và phân loại rác thải đúng cách. Như một người bạn khác của tôi đã học cách ủ phân từ vỏ trái cây, các loại rác hữu cơ để làm phân bón cho cây trồng trên sân thượng.
Đánh thuế bò vì chúng ợ hơi ra khí mê-tan, góp phần giảm phát thải khí nhà kính có vẻ xa lạ. Nhưng phân loại và xử lý rác thải thực phẩm đúng cách, người hưởng lợi đầu tiên là chúng ta, vì những bất tiện đã nêu ở đầu bài.
Nguồn: VnExpress.net
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận