'Đánh thuế bất động sản thứ hai lúc này có nhiều bất lợi'
Đánh thuế căn nhà thứ hai sẽ triệt tiêu nhà đầu tư, ngành bất động sản và chứng khoán điêu đứng, kéo theo hàng chục ngành nghề khác thê thảm.
Tại tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư - cơ quan cùng TP HCM xây dựng dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 - đề nghị chưa đánh thuế nhà, đất thứ hai tại TP HCM vì chính sách này "không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp". Ví dụ, người có một nhà, đất ở diện tích hoặc giá trị lớn sẽ không bị đánh thuế, trong khi người sở hữu hai nhà, đất ở diện tích, giá trị nhỏ lại chịu thuế cao. Mặt khác, việc chưa số hóa giấy tờ giao dịch bất động sản là kẽ hở để nhiều tổ chức, cá nhân lách thuế bằng cách cho người khác đứng tên. Vì thế việc đưa ra thí điểm đánh thuế cao với bất động sản thứ hai lúc này chưa phù hợp.
Đánh giá về quan điểm chưa nên đánh thuế bất động sản thứ hai của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, độc giả Duy Tran nhận định:
Đánh thuế căn nhà thứ hai vô hình chung triệt tiêu nhà đầu tư, trái phiếu bất động sản, ngành bất động sản và chứng khoán bất động sản sẽ điêu đứng. Kéo theo đó là vài chục ngành nghề khác cũng sẽ thê thảm, phụ hồ mất việc ,dịch vụ ăn theo không thu nhập, người thu nhập thấp càng khó khăn, vậy họ lấy tiền đâu để mua nhà? Dù giá nhà xuống đáy nhưng thu nhập của họ không có hoặc bị giảm sâu thì cũng lấy đâu tích lũy để mua nhà?
Vậy khi đó, ai là nhà đầu tư? Chắc chắn là người có thu nhập tích lũy. Vậy nên chưa đánh thuế bất động sản thứ hai, theo tôi là một quyết định đúng đắn, góp phần khơi thông dòng chảy cho thị trường bất động sản, tạo phát triển chung cho các ngành liên quan (sắt thép, vật liệu xây dựng, đồ gia dụng...), mang lại thịnh vượng chung cho cộng đồng.
Tôi cho rằng, một xã hội tốt đẹp là khi xã hội đó mang lại sự công bằng về mọi mặt, cạnh tranh bình đẳng. Ở đó sẽ phát huy những gì tốt nhất của mỗi cá thể theo đúng pháp luật, sẽ là động lực, niềm tin, hạnh phúc cho mọi người. Tất cả chúng ta đều xuất phát như nhau, nhưng năng lực khác nhau. Nên sau nhiều năm tháng, chúng ta sẽ có khoảng cách về địa vị xã hội, vật chất, tài sản cũng khác biệt. Đó là chuyện rất bình thường ở mọi quốc gia.
Thế nên, theo tôi, chúng ta đừng than vãn, đạp đổ thành quả của các nhà đầu tư (chân chính) bởi họ có quyền hưởng thành quả từ bất động sản có được. Hãy đứng dậy, nghĩ cách đi kiếm tiền, rồi các bạn cũng sẽ có căn nhà thứ hai để góp lợi tức cho cộng đồng.
Bản thân tôi cũng từ hai bàn tay trắng lập thân. Gia đình tôi đông anh em, nghèo rơi rớt. Tôi xung phong đi lính, sau khi xuất ngũ, tôi vào TP HCM tìm kiếm cơ hội. Thời đó mới mở cửa, gia đình tôi còn đói theo đúng nghĩa đen, lấy đâu ra vốn để được đầu tư, nâng cao kỹ năng, trình độ. Vậy là tôi làm đủ nghề để kiếm sống: từ bốc vác đến phụ hồ, từ chạy hàng rong đến thuê cửa tiệm kinh doanh...
Thời điểm đó, tôi khao khát có được một mặt bằng lớn để kinh doanh nghiêm túc. Chính khát vọng đó đã thôi thúc tôi quyết tâm và cố gắng ngày đêm, làm việc cật lực để tích góp từng đồng. Thanh xuân và trung niên của tôi chỉ có "cày" và "cày". Có bao nhiêu tiền, tôi lại dồn hết lực để mua nhà, đến nay cũng có tầm chục căn nhà làm tài sản. Có thể nói, hoàn cảnh khó khăn đã tôi luyện tôi như một "Paven" thật sự.
Tự hào về bản thân cũng chính là điều mà tôi luôn dạy con cháy mình noi theo. Nay con tôi đều là Thạc sĩ. Với tôi, không gì là không thể, làm giàu bằng cách nào cũng đều đáng được trận trọng, miễn là bạn không vi phạm pháp luật. Hãy cứ ước mơ, hy vọng và nỗ lực hết mình để thực hiện giấc mơ ấy, chắc chắn các bạn sẽ thành công, tôi tin vậy.
Những đồng tiền tích lũy để dành cho an sinh tuổi già như căn nhà thứ hai, theo tôi hoàn toàn nên khuyến khích để chúng ta noi gương vượt khó, chứ không nên xem những người có căn nhà thứ hai là xấu. Bất động sản ai cũng có thể có nhưng không phải ai muốn cũng được, nó tùy thuộc vào hoàn cảnh và nỗ lực của mỗi người. Chúng ta không nên tạo sự ác cảm với bất động sản hay những người sở hữu nhiều nhà, đất, bởi đằng sau nó là cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ, cộng thêm một chút may mắn mà họ mới có được.
Tóm lại, bất động sản không phải kênh cho người nghèo, trên thế giới ở đâu cũng vậy, đặc biệt là với hình thức kinh doanh cổ điển theo kiểu "tiền trao cháo múc". Trừ trường hợp Nhà nước có chính sách đặc biệt như giảm giá xây dựng tối đa hay cho phép mua nhà trả dần trong 30 năm, còn không thì bất động sản có dù có "nóng" hay "lạnh" cũng sẽ không thể đến tay những người có mức lương chỉ 6-10 triệu đồng một tháng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận