menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trịnh Vũ Tường

Đánh sập 2 đường dây lừa đảo trăm tỷ

Hàng trăm nạn nhân tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước vì cả tin hoặc bất cẩn khi sử dụng mạng xã hội đã bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt với số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Lập tài khoản Facebook để “làm ăn”

Sau nhiều tháng lập chuyên án đấu tranh, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Phòng 6, Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa triệt phá một đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet quy mô rất lớn, lên đến gần 120 tỷ đồng ngay tại TP. Huế.

Đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, trong các tháng 3 và 4/2020, đơn vị liên tục nhận được đơn trình báo của người dân về việc bị mất trộm tiền trong tài khoản ngân hàng mà là nạn nhân đều là những người bán hàng online.

Trong đó, chị T. N kể lại: “Một người vào hỏi mua của tôi bốn cái áo, bảo là đang sống tại Mỹ, họ gửi cho tôi một đường link và đề nghị tôi truy cập vào, điền đầy đủ thông tin thì mới chuyển được tiền cho tôi, tin tưởng nên tôi làm theo. Sau đó, có người nói là ở ngân hàng gọi điện yêu cầu tôi cung cấp mã OTP để xác nhận thông tin, tôi tin tưởng nên đọc mã OTP cho họ, thế rồi không hiểu vì sao toàn bộ tiền trong tài khoản của tôi bị lấy mất, liên lạc với người mua thì thấy đã bị chặn Facebook”.

Qua những thông tin ban đầu mà các nạn nhân cung cấp, các trinh sát xác định đây là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, các dấu vết mà chúng để tại rất hạn chế do Facebook sử dụng mua hàng là Facebook ảo, việc liên lạc đều tiến hành qua tin nhắn Facebook, không để bất kỳ thông tin liên lạc nào. Ngay sau khi đánh cắp tiền trót lọt, chúng đã nhanh chóng chặn Facebook, xóa dấu vết để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. “Xác định tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ án, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp với Phòng 6, Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an điều tra, xác minh làm rõ đường dây phạm tội”, Đại tá Phạm Văn Toàn cho biết.

Qua một thời gian điều tra, lực lượng công an đã xác định, cầm đầu đường dây này là Lê Anh Tuấn (31 tuổi, trú tại tỉnh Quảng Trị). Tuấn đã từng tốt nghiệp một trường đại học về CNTT tại Đà Nẵng, tuy nhiên thay vì lựa chọn một công việc đàng hoàng thì y lại sử dụng những kiến thức học được để tạo một đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng Internet.

Để thực hiện ý định phạm tội, Tuấn cấu kết với Nguyễn Tuấn Dũng trú tại Hà Tĩnh và Nguyễn Ngọc Thành, trú tại tỉnh Quảng Trị thuê trọ tại số nhà 29/48 đường Ngự Bình, phường An Cựu, TP. Huế để hoạt động. Tuấn phân công nhiệm vụ cho hai chân rết Dũng, Thành chịu trách nhiệm lập nhiều tài khoản Facebook, rồi vào các diễn đàn, hội nhóm tìm kiếm thông tin của những người bán hàng online, nhắn tin trò chuyện mua hàng và rút tiền. Riêng Lê Anh Tuấn, với trình độ CNTT sẵn có, y trực tiếp thiết kế, tạo ra nhiều website giả mạo ngân hàng, website giả mạo dịch vụ chuyển tiền trung gian từ nước ngoài về Việt Nam như http://www.westers-unions.com/un...

Một trinh sát phá án cho biết thêm, để vận hành đường dây này, các đối tượng sau khi tìm kiếm được “con mồi”, sẽ chủ động đề nghị thanh toán trước qua ngân hàng để chiếm lòng tin, lấy lý do đang ở nước ngoài nên phải chuyển tiền qua các dịch vụ trung gian như MoneyGram hay Western Union, các đối tượng yêu cầu bị hại truy cập vào website do đối tượng cung cấp, nhập thông user, mật khẩu, mã OTP để làm thủ tục nhận tiền.

Ngay khi bị hại tiến hành nhập mã OTP trên giao diện thì các mã này sẽ được gửi qua địa chỉ mail matolam2019s@gmail.com do Tuấn quản lý. Nhiều nạn nhân cảnh giác không điền thông tin cá nhân vào các biểu mẫu trên website mà chúng cung cấp thì chúng sẽ sử dụng các thiết bị chỉnh âm thanh để điều chỉnh giọng nói, giả danh nhân viên của dịch vụ chuyển tiền trung gian hoặc ngân hàng và gọi cho nạn nhân bằng sim rác thông báo đã nhận được một số tiền nhưng do lỗi kết nối nên yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin user, mật khẩu, mã OTP để xác nhận tiền.

Đại úy Lưu Thanh Tùng, Đội trưởng, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, ngay khi có đủ thông tin của nạn nhân, Lê Anh Tuấn sử dụng thông tin này đăng nhập vào website ngân hàng thật của các ngân hàng để thực hiện lệnh chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản nạn nhân đến tài khoản của đối tượng. Sau khi lừa đảo trót lọt, đối tượng cầm đầu Lê Anh Tuấn sẽ trả công cho Dũng và Thành từ 10-50% số tiền lấy được. Số tiền này các đối tượng dùng để ăn chơi, tiêu xài và “nướng” sạch vào chiếu bạc.

“Phải nói là các đối tượng này rất tinh ranh, chúng không sử dụng một tài khoản ngân hàng duy nhất mà đăng ký nhiều ngân hàng khác nhau, sau khi lấy được tiền từ nạn nhân, các đối tượng sẽ chuyển số tiền này qua nhiều tài khoản sau đó mới rút ra. Trong quá trình điều tra, thống kê có đến hơn 300 nạn nhân sập bẫy đường dây này ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước; có người bị lừa từ vài triệu lên đến vài tỷ đồng. Tính từ tháng 10/2019 cho đến nay, nhóm đối tượng này lừa đảo chiếm đoạt hơn 107 tỷ đồng”, đại úy Lưu Thanh Tùng nói, cơ quan Công an còn thu giữ hệ thống chỉnh âm thanh để tinh chỉnh, giả giọng nói và nhiều phương tiện gây án khác của nhóm đối tượng này.

Nộp tiền thật để nhận tài sản giả

Sau khi Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế bắt giữ 7 đối tượng quốc tịch Nigeria và 4 đối tượng người Việt Nam cấu kết thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 120 tỷ đồng của nhiều người dân qua mạng Internet vào đầu tháng 6/2020, nhiều người là nạn nhân đã liên tiếp gửi đơn thư tố cáo về việc bị băng nhóm này lừa đảo. Trong số đó, bà N.T.H. (trú quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) đã bị nhóm đối tượng lừa hơn 699 triệu đồng.

Đánh sập 2 đường dây lừa đảo trăm tỷ
Công an Thừa Thiên - Huế đấu tranh với đối tượng người Nigeria tham gia đường dây lừa đảo xuyên quốc gia

Theo đơn tố cáo của bà H., thông qua mạng xã hội Instagram, một người có tên tài khoản là Steven Phan Nguyen giới thiệu là lính thuộc quân đội Mỹ, là người Mỹ gốc Việt, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Đối tượng này nói với bà H. rằng ba mẹ đã qua đời lúc 4 tuổi nên được bạn thân của ba mẹ nhận làm con nuôi và đưa sang Mỹ sinh sống. Sau thời gian trò chuyện qua lại với nhau, Steven ngỏ lời yêu và muốn kết hôn với bà H. nhưng đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Vì tin vào lời hứa hẹn này nên bà H. đã nhiều lần chuyển tiền cho Steven.

Steven còn thông báo với bà H. có chuyển một kiện hàng, trong đó có nhiều tiền, vàng khối và một số giấy tờ quan trọng để nhờ bà H. cất giữ toàn bộ số hàng này. Steven nói bà H. có thể lấy một ít tiền trong số tiền mà Steven gửi để tiêu xài. Nghe vậy, bà H. cung cấp địa chỉ email theo yêu cầu của Steven để công ty vận chuyển hàng liên lạc. Tiếp đó, công ty trên nhiều lần gửi email cho bà H. thông báo về kiện hàng bị hải quan các nước giữ lại kiểm tra và yêu cầu bà H. chuyển tiền để làm thủ tục pháp lý. Vì tin tưởng nên bà H. đã 5 lần chuyển tổng số tiền hơn 699 triệu đồng theo tài khoản mà các đối tượng cung cấp. Qua điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế xác minh làm rõ 5 tài khoản mà bà H. chuyển tiền đến đều được mở tại TP. Hồ Chí Minh. Với thủ đoạn lừa đảo như trên, nhiều người tại Thừa Thiên - Huế, Long An, Nghệ An, Thanh Hóa… cũng bị các đối tượng trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia này lừa chuyển tiền hàng tỷ đồng.

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, tại cơ quan Công an, Dalaxy Dave (quốc tịch Nigeria) là kẻ cầm đầu đường dây lừa đảo này khai nhận, đã sử dụng Facebook, Zalo, Whatsapp… để kết bạn với nhiều người Việt Nam, rồi trò chuyện, làm quen, tạo lòng tin. Tiếp đó, dùng thủ đoạn như giả danh quân nhân Mỹ gửi tặng quà có giá trị lớn về Việt Nam; rủ đầu tư, góp vốn kinh doanh tại nước ngoài.

Đồng thời, y chỉ đạo các đối tượng trong đường dây hack các tài khoản Facebook, liên hệ mua hàng online rồi gửi các đường link yêu cầu người bán hàng cung cấp mã OTP từ đó lấy trộm tiền trong tải khoản. Chúng còn giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát… gọi điện cho nhiều nạn nhân đe dọa khiến nhiều người lo sợ phải nộp tiền vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp. Khi tiền chuyển vào tài khoản, Dalaxy Dave chỉ đạo các đối tượng cấp dưới rút tiền rồi giao lại cho y. “Công tác xác minh, điều tra và làm rõ đường dây phạm tội của tổ chức này gặp nhiều khó khăn do các đối tượng luôn tìm cách che đậy dấu vết như ẩn địa chỉ IP, hóa trang kỹ càng khi rút tiền, sử dụng giấy tờ giả, sim điện thoại rác, dùng xe máy của người khác, thuê nhà do người khác đứng tên…

“Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các cục nghiệp vụ, công an các địa phương, vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều biện pháp, nhờ đó trong thời gian ngắn đã phát hiện và bắt giữ thành công các đối tượng”, Đại tá Đặng Ngọc Sơn cho biết. Hiện Phòng Cảnh sát hình sự công an tỉnh đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để điều tra, mở rộng vụ án, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại