'Đánh rơi' tiền khi giá cà phê tăng kỷ lục
Giá cà phê đang tăng ở mức kỷ lục, nhưng nông dân quê tôi chưa thực sự được hưởng lợi nhiều.
Giá cà phê nhân xô Robusta nước ta hiện đang ở mức cao nhất trong lịch sử, hơn 100.000 đồng một kg. Chỉ trong 4 tháng gần đây, giá cà phê Robusta đã biến động tăng hơn 40.000 một kg và tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giá vượt ngoài sự mong đợi của người nông dân trồng cà phê.
Tôi là người dân sinh sống ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng - vùng chuyên canh cây cà phê Robusta, địa phương có sản lượng cà phê nhân Robusta trên 140.000 tấn/năm, đóng góp tỷ lệ không nhỏ vào số lượng cà phê nhân Robusta của nước ta xuất khẩu hàng năm.
Nếu nhân sản lượng cà phê của địa phương với giá thị trường hiện nay, sẽ cho ra những con số đẹp cho các báo cáo về thu nhập bình quân đầu người, lợi nhuận từ trồng cây cà phê... Nhưng thực tế, người trồng cà phê ở quê tôi chưa thật sự được hưởng lợi nhiều dù giá đang vượt ngưỡng mong chờ và cao hơn giá tại các nước khác.
Cây cà phê cho thu hoạch mỗi năm một lần, nên nhiều gia đình phải bán dần cà phê nhân để chi trả cho các khoản chi tiêu. Từ khi bắt đầu vào vụ thu hoạch, họ đã bán để chi các khoản: nhân công thu hái, phơi, xay,... cà phê. Một số hộ còn ứng trước tiền ở các đại lý thu mua cà phê (gọi là bán cà phê "non") khi cà phê còn đang đậu quả trên cây với mức giá do chủ đại lý đưa ra.
Các gia đình khá giả, có nhiều cà phê thì thường gửi tại các nhà kho của đại lý. Họ chỉ nắm số liệu trên sổ sách, khi hài lòng với mức giá, họ sẽ bán và gửi tiền cho các đại lý để lấy tiền lời thường là cao hơn lãi suất ngân hàng. Những cách giao dịch mua, bán cà phê này vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó bán được ở mức giá cao, nhưng người dân vẫn lựa chọn như một thói quen khó bỏ.
Người nông dân trồng cà phê quê tôi đã "đánh rơi" tiền của mình như thế nào trong cơn bão giá cà phê hiện nay?
Giá cà phê biến động tăng hàng ngày, họ lo lắng giá sẽ không giữ vững, nhiều người dân cảm thấy hài lòng và chốt ở mức 70.000 đồng đến 80.000 đồng một kg, một số ít bán được giá 90.000 đồng một kg. Người dân còn tích trữ cà phê tại nhà, chưa bán trong thời điểm hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 20-30% tổng số cà phê mà họ sở hữu. Mặc dù số tiền vô tình bị "đánh rơi" là sự lựa chọn của họ, tuy nhiên ít nhiều vẫn có sự nuối tiếc.
Vài tháng trước, một đại lý thu mua cà phê có tiếng tại địa phương tuyên bố phá sản, đồng nghĩa với việc số cà phê nhân người dân gửi tại nhà kho của họ sẽ bị gia hạn thanh toán không thời hạn.
Ở bất cứ hoàn cảnh nào, các đại lý thu mua cà phê luôn là người hưởng lợi, họ thu mua cà phê xô từ người dân và bán lại cho công ty hưởng lời chênh lệch. Khi không còn khả năng chi trả, họ tuyên bố phá sản. Người dân phải chầu chực, trông chờ vào khả năng chi trả của đại lý vì đã trót trao cho họ nắm đằng cán.
Lúc này, "người giàu cũng khóc" chứ không riêng người nghèo khi buộc lòng phải bán cà phê ở mức giá thấp. Số tiền vốn là mồ hôi, nước mắt, thành quả lao động một năm vất vả của nông dân bị vuột khỏi tay trong sự bất lực. Số tiền, cà phê họ ký gửi ở đại lý đã đi về đâu, chỉ có chủ đại lý cà phê mới trả lời được câu hỏi này.
Là vùng chuyên canh cây cà phê, thu nhập chủ yếu của người dân phụ thuộc vào cây cà phê nên khi cà phê tăng giá, người dân có tâm lý thoải mái trong tiêu dùng. Những mặt hàng khác đã ăn theo tâm lý này để tăng giá một cách vô lý. Người dân buộc lòng phải chi trả cao hơn cho sinh hoạt đời thường.
Trước thực trạng này, nhiều người nông dân tâm huyết với cây cà phê ở quê tôi đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, chăm sóc cà phê theo hướng hữu cơ, chế biến chất lượng cao, dự thi các cuộc thi cà phê đặc sản để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cà phê Di Linh nói riêng và cà phê Việt Nam trong tương lai.
Trước sự biến động giá cà phê nhân xô Robusta hiện nay, nhiều người dân, doanh nghiệp đang lựa chọn con đường sản xuất cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao phải đương đầu với không ít khó khăn. Cà phê chất lượng cao đã được doanh nghiệp thỏa thuận giá với người mua là các nhà rang từ đầu mùa vụ (thời điểm tháng 12/2023 giá cà phê nhân xô ở mức 60.000 đồng một kg) là khoảng 80.000đ-90.000 đồng một kg. Tất nhiên, họ phải tuân thủ điều này, nhưng đối với khách hàng mới thì sao?
Nhiều doanh nghiệp bán cà phê bột, quán bán cà phê vẫn chưa có động thái tăng giá; nên việc tăng giá cà phê nhân xô chất lượng cao là không khả thi vì đây là một chặng đường dài trong hành trình tìm kiếm những khách hàng mới trong thị trường cà phê pha trộn, nhiều mức giá cạnh tranh hiện nay.
Người làm cà phê chất lượng cao buộc lòng giữ giá bình ổn trong cơn bão giá cà phê nhân xô hiện nay, họ phải gồng mình chia sẻ lợi nhuận với khách hàng trong chặng đường tiêu thụ cà phê chất lượng cao đã theo đuổi.
Họ bán cà phê chất lượng cao theo số lượng mà người mua đặt hàng, nên ngoài việc chậm thu hồi vốn, họ còn đang đứng trước thử thách "bán hàng chất lượng cao với giá hời hơn hàng xô" và còn loay hoay tìm lời giải đáp hợp lý cho câu hỏi về chất lượng cà phê chất lượng cao tại sao lại giá rẻ hơn giá cà phê thị trường hiện nay.
Viễn cảnh tươi đẹp về những nguồn lợi khi giá cà phê đang ở mức cao nhất trong lịch sử liệu có thật sự dành cho người trồng cà phê, người theo đuổi con đường cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản như lý thuyết; hay ngoài niềm vui, sự hào hứng về tinh thần để mong chờ cho mức giá này giữ ổn định cho đến mùa vụ năm nay, còn lại chỉ là bao nỗi niềm trăn trở với những khó khăn còn đang ở phía trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận